Cuộc mổ "cân não" sửa chữa trái tim bé sơ sinh chỉ nhỏ bằng... quả tim gà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bác sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường (Giám đốc Trung tâm Tim mạch trẻ em - Bệnh viện Nhi Trung ương) nhăn trán, suy tư, lo lắng khi nhận được những thông tin đầu tiên về ca bệnh tim bẩm sinh đặc biệt, mà có lẽ trong nhiều năm làm "bác sĩ chữa tim em bé", anh chưa từng gặp.
Cuộc mổ lúc 2 giờ sáng
Đối với các bác sĩ Trung tâm Tim mạch trẻ em, bé Nguyễn Minh H (sinh ngày 13.5, địa chỉ Nam Từ Liêm, Hà Nội) là ca bệnh khó quên. Bé là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất ở Việt Nam mắc hội chứng Fallot được cứu sống; chẩn đoán tăng áp động mạch phổi vô căn từ thời kỳ bào thai hiếm gặp. 
23 giờ ngày 13.5, bệnh nhi được đưa vào phòng mổ. Quá trình gây mê hàng tiếng đồng hồ đã khiến bác sĩ "toát mồ hôi", không thể tìm được đường đưa các máy để theo dõi chỉ số sinh tồn của bệnh nhi.
Khoảng 2 giờ sáng ngày 14.5, bệnh nhi mới bắt đầu được rạch da tiến hành cuộc đại phẫu. TS Nguyễn Lý Thịnh Trường đã trực tiếp thực hiện cuộc phẫu thuật 5 giờ liên tục, sửa chữa để trái tim bé bỏng của bé có thể hoạt động giống với tim bình thường.
“Đây là ca thứ hai chúng tôi phẫu thuật sửa chữa tổn thương tim mà khi lên bàn mổ, bé mới 8 giờ tuổi, nhưng đây là ca đầu tiên chúng tôi sửa chữa tổn thương do tứ chứng Fallot với những diễn biến sau mổ vô cùng phức tạp, hiếm gặp. Hồi sức sau mổ lại là một cuộc chiến thứ 2”, bác sĩ Trường nói.
Ekip mổ gần như kiệt sức vì mệt do diễn biến của bệnh nhi sau mổ rất bất thường, cứ xấu dần đi từng phút do tăng áp lực động mạch phổi. "Chúng tôi thực hiện hồi sức tích cực với bệnh nhi, cho thở máy với khí NO để giảm áp lực động mạch phổi nhưng không hiệu quả"- TS.BS Cao Việt Tùng, Trưởng khoa Điều trị tích cực tim mạch ngoại khoa, Trung tâm Tim mạch Trẻ em nhớ lại. 
Gia đình bệnh nhi tặng hoa cảm ơn các bác sĩ. Ảnh: Thùy Linh
Gia đình bệnh nhi tặng hoa cảm ơn các bác sĩ. Ảnh: Thùy Linh
Cuối cùng, các bác sĩ đã quyết định sử dụng ECMO hỗ trợ cho tuần hoàn và hô hấp. Nếu không có ECMO cho bệnh nhi sơ sinh, chắc không thể cứu nổi cháu. 
Trong quá trình chạy ECMO, bệnh nhi cũng gặp những diễn biến bất thường vì dù đã sử dụng ECMO trong 4-5 giờ, huyết áp của bệnh nhân vẫn rất thấp.
"Trường hợp này rất hiếm gặp sau phẫu thuật tim, chúng tôi đã nghĩ đến hội chứng liệt mạch. Khi được sử dụng thuốc vận mạch, bệnh nhi không đáp ứng"- bác sĩ Tùng cho hay. 
Thế nhưng, khó khăn lại chồng khó khăn khi loại thuốc đặc biệt nhất để xử lý triệu chứng này lại không có tại Việt Nam, buộc phải sử dụng loại thuốc phổ biến hơn thay thế, để làm co mạch tốt hơn. Niềm hy vọng lóe lên khi bệnh nhi đáp ứng thuốc. 
8 ngày sau mổ mới được "đóng ngực"
4 ngày liên tục sử dụng ECMO, tình trạng trẻ cải thiện rõ rệt, đã được cai và rút ECMO, nhưng vẫn phải để hở ngực do tình trạng phù toàn thân và thoát dịch qua mô kẽ.
8 ngày sau phẫu thuật, trẻ mới được "đóng ngực" và được tiếp tục hồi sức trong 18 ngày sau đó do tình trạng suy thận, suy tim...
Nhiều ngày sau, bé H đã cai được máy thở, tự thở tốt với tình trạng ổn định và chuẩn bị được ra viện trong niềm vui mừng của gia đình và các bác sĩ. Kết quả siêu âm tim của cháu trước khi ra viện cho thấy tim của cháu H. hoạt động giống tim bình thường và áp lực động mạch phổi đã trở về bình thường.
Chứng kiến từ đầu đến cuối hành trình vất vả của các bác sĩ để cứu con mình, bố mẹ bệnh nhi rất xúc động và biết ơn.
Bố mẹ bé vui mừng trước sự hồi phục của con. Ảnh: Thùy Linh
Bố mẹ bé vui mừng trước sự hồi phục của con. Ảnh: Thùy Linh
Sau khi lập gia đình hai năm, anh chị mới có được cậu con trai đầu lòng này. Ở tuần thai thứ 22, biết con mình gặp bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp nhưng họ vẫn quyết định sinh con, mong chờ vào sự kì diệu của y học. Không ai ngờ được, bệnh lý tim của bé H lại phức tạp, hiếm gặp như vậy.
"Lúc con được chuyển khẩn cấp sang Trung tâm Tim mạch, em đã nghĩ đến tình huống xấu nhất, em lo lắng sợ hãi vô cùng. Nhưng may mắn thay, các bác sĩ đã hồi sinh cháu", mẹ bé H nghẹn ngào nói.
42 ngày sau khi bé H hồi phục sức khỏe, bác sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường và các đồng nghiệp mới thở phào nhẹ nhõm. Anh nở nụ cười rất tươi, gương mặt giãn ra, bớt âu lo.
"Cứ 100 cháu ra đời có một cháu bị tim bẩm sinh, trong đó tứ chứng Fallot chiếm 14-15% của tổng số nhóm bệnh tim bẩm sinh. Số bệnh nhi sống sót sau mổ tại Trung tâm đạt 98% và trong số này có khoảng 10%-15% các cháu bé sẽ được mổ lại khi lớn lên. 85% các cháu có thể bảo tồn được van động mạch phổi sau mổ"- bác sĩ Trường nói. 
THÙY LINH (LĐO)

https://laodong.vn/y-te/cuoc-mo-can-nao-sua-chua-trai-tim-be-so-sinh-chi-nho-bang-qua-tim-ga-814863.ldo

Có thể bạn quan tâm

Ăn hạt kỷ tử có tốt?

Ăn hạt kỷ tử có tốt?

Kỷ tử được sử dụng từ rất lâu, tác dụng như thuốc bổ nguồn gốc thiên nhiên, giúp chống lão hóa, tăng cường sinh lý, tốt cho người tiểu đường.