Nặng lòng với bệnh nhân nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến phường Yên Đổ (TP. Pleiku) hỏi thăm nhà vợ chồng ông Đỗ Ngọc Bình-Nguyễn Thị Nở (31 Tô Hiến Thành) thì ai cũng biết. Dù không giàu có gì nhưng nhiều năm nay, vợ chồng họ không quản ngại vất vả, mỗi ngày nấu hàng chục suất cơm phát miễn phí cho bệnh nhân nghèo.

Nghĩa tình với bệnh nhân nghèo

Cùng sinh ra và lớn lên tại Gia Lai, năm 1991, ông Bình và bà Nở quen biết và cảm mến nhau rồi tiến tới hôn nhân. Trải theo thời gian, ông bà có với nhau 4 mặt con và tình cảm dành cho nhau lúc nào cũng mặn nồng, thuận vợ thuận chồng, nhất là trong việc thiện nguyện giúp đỡ người nghèo, bệnh nhân khó khăn.

Kinh tế gia đình chủ yếu nhờ vào kinh doanh thịt heo và làm giò chả, không khá giả gì, tuy nhiên, ông bà luôn dành thu nhập để giúp đỡ người nghèo. “Trước kia, vào chủ nhật hàng tuần, vợ chồng tôi nấu cả trăm suất ăn phân phát cho bà con các làng phong ở huyện Ia Grai. Đến năm 2020, vợ chồng bàn nhau nấu cơm miễn phí giúp bệnh nhân nghèo điều trị tại Bệnh viện 331 với mong muốn giúp họ có được bữa ăn dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe”-ông Bình chia sẻ.   

Ông Đỗ Ngọc Bình nấu cơm chiều cho bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 3. Ảnh: Như Nguyện
Ông Đỗ Ngọc Bình nấu cơm chiều cho bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 3. Ảnh: Như Nguyện


Đều đặn mỗi ngày, dù nắng hay mưa, những suất ăn nóng hổi, đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm được phát miễn phí đến bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện 331. Vợ chồng ông Bình thức dậy từ sáng sớm, chọn lựa thực phẩm và chuẩn bị nguyên liệu rồi cặm cụi nấu nướng. Hai người làm việc không ngơi nghỉ, cả việc nhà và việc thiện. “Cứ nghĩ đến bệnh nhân nghèo có suất cơm ngon miệng, đảm bảo dinh dưỡng là vợ chồng tôi ấm lòng. Người nghèo vốn đã khổ, lúc đau bệnh lại khốn khổ gấp bội. Những suất ăn của mình đến đúng người, đúng thời điểm nên chúng tôi luôn cố gắng”-bà Nở bộc bạch.

Trung bình mỗi tháng, vợ  chồng ông Bình và một người hảo tâm chi trên 40 triệu đồng cho bếp ăn thiện nguyện. Sau khi người này qua đời thì vợ chồng ông tự xoay xở chi phí. Bà Nở cho biết: Chi phí duy trì bếp ăn từ thiện tốn kém, bên cạnh gia đình còn có nhiều tấm lòng nhân ái ủng hộ mua thịt, rau củ, giò chả... để giúp người nghèo, bệnh tật.

Về việc làm của vợ chồng ông Bình, bác sĩ Nguyễn Thành Chung-Phó Giám đốc Bệnh viện 331-nhận xét: “Vợ chồng ông Bình rất từ tâm, nhiệt tình, hết lòng với bệnh nhân nghèo. Tôi cũng đã có vài lần ăn cơm họ nấu, cơm rất ngon, đủ dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh. Nhờ các suất ăn này mà nhiều bệnh nhân nghèo có thêm điều kiện chữa trị, vượt qua bệnh tật”.

Đồng hành cùng bệnh nhân Covid-19

Giữa năm 2021, bếp ăn thiện nguyện tại Bệnh viện 331 bị gián đoạn khi cơ sở này được trưng dụng làm Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở 3. Vợ chồng ông Bình tạm dừng việc nấu cơm tại đây với lời hẹn khi nào bệnh viện hoạt động lại bình thường thì sẽ tiếp tục đồng hành cùng bệnh nhân nghèo. Tuy vậy, vào đầu tháng 1-2022, khi nhiều bệnh nhân Covid-19 không còn được hỗ trợ tiền ăn trong thời gian điều trị, trong số đó có nhiều bệnh nhân khó khăn, qua kêu gọi của các bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 3 và sự tiếp sức của Linh mục Vũ Ngọc Hải (xã Ia Yok, huyện Ia Grai), ông bà liền đứng ra nấu cơm phát miễn phí cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại đây.

Chúng tôi đến thăm nhà khi vợ chồng ông Bình-Nở đang cặm cụi trong bếp chuẩn bị cơm chiều cho các bệnh nhân Covid-19. Ông Bình cho biết: “Những ngày đầu, tôi nấu cả hai bữa sáng và chiều, trung bình từ 120 đến 150 suất ăn. Sau đó, một số nơi nhận nấu cơm trưa nên tôi chuyển sang nấu buổi chiều. Vì suất ăn dành cho bệnh nhân nên tôi ưu tiên nguyên liệu tươi sống, xây dựng thực đơn dinh dưỡng đảm bảo 2 món mặn, một món xào và canh. Tầm khoảng 16 giờ 30 phút, tôi và con gái chở thức ăn đến bệnh viện rồi cùng nhân viên tại đây cho vào hộp để các suất cơm đến tay người bệnh luôn nóng ấm”.

Trong thời gian điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 3, anh P.L. (SN 1990, xã Ia O, huyện Ia Grai) và những người cùng phòng đều đặn nhận những suất ăn miễn phí hàng ngày. Anh P.L. chia sẻ: “Khi nghe tin không còn được hỗ trợ tiền ăn hàng ngày, tôi lo lắm vì nhà ở xa, kinh tế lại khó khăn, khi đi điều trị không mang theo tiền bạc gì. Tôi được các y-bác sĩ, Mạnh Thường Quân quan tâm giúp đỡ các suất ăn miễn phí hàng ngày. Cơm phát đến tận tay vẫn còn nóng hổi, rất ngon, chúng tôi rất biết ơn”.

Tự nguyện đến với bệnh nhân nghèo, tấm lòng của vợ chồng ông Bình không chỉ được bệnh nhân mà y-bác sĩ, cộng đồng đều ghi nhận và đánh giá cao. Ông Thái Văn Bình-Tổ trưởng tổ dân phố 1 (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) nói: “Vợ chồng ông Bình luôn tận tâm, hết lòng vì bệnh nhân nghèo. Việc làm của họ thật đáng quý và cao cả”.

Kiệm lời khi nói về việc làm của mình, bà Nở cho hay: “Dịch Covid-19 chưa biết đến khi nào kết thúc, vợ chồng tôi tâm niệm cố hết sức sẻ chia với bệnh nhân nghèo, khó khăn. Tôi mong trời thương cho sức khỏe, công việc ổn định để có điều kiện tiếp tục giúp đỡ bệnh nhân nghèo”.

 

 LINH ĐAN

Có thể bạn quan tâm

Bàn giao 2 công trình giếng khoan và tặng quà cho người nghèo tại huyện Phú Thiện, Chư Sê

Bàn giao 2 công trình giếng khoan và tặng quà cho người nghèo tại huyện Phú Thiện, Chư Sê

(GLO)- Ngày 11-4, Ban Thường trực Giáo hội Phật giáo huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cùng Nhóm Thiện nguyện tỉnh An Giang phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Thiện, Chư Sê tổ chức khánh thành công trình giếng khoan cho các trường học và tặng quà cho người nghèo, học sinh khó khăn trên địa bàn.
Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

(GLO)- Hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) với thông điệp "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", nhiều người dân ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tham gia HMTN. Việc làm của họ đã góp phần đáp ứng nhu cầu máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.
Chị Nguyễn Thị Tâm (bìa trái) cẩn thận đóng hũ từng suất ăn sáng trước khi phát cho bệnh nhân. Ảnh: Vũ Chi

“Bữa sáng yêu thương” ở Trung tâm Y tế huyện Ia Pa

(GLO)- 7 năm gắn bó với công tác thiện nguyện, điều dưỡng Nguyễn Thị Tâm (Phòng Điều dưỡng-Trung tâm Y tế huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã nấu hàng ngàn suất ăn sáng cho bệnh nhân nghèo với mong muốn tiếp thêm động lực để người bệnh vượt qua khó khăn, yên tâm điều trị bệnh.
602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

(GLO)- Ngày 16 và 17-3, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các huyện: Krông Pa, Đak Đoa, Đak Pơ và Đoàn từ thiện Phước Huệ (phường 15, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh) tặng quà cho người dân tộc thiểu số nghèo, bệnh nhân phong, người khuyết tật tại địa phương.