Công trình của sự tri ân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Con đường mới mở vào Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang) như dịu lại trong cái nắng tháng 5 bởi những tán rừng. Từ trong xe nhìn ra, khung cảnh núi rừng hùng vĩ lần lượt trôi qua tầm mắt. Thật khó hình dung đây là nơi một thời thấm máu thế hệ cha anh trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, trong đó có những nữ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh.
Bà Đinh Thị Dreng-nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh không giấu được xúc động khi về thăm lại nơi từng công tác, chiến đấu trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khung cảnh đổi thay nhiều, bức tranh cuộc sống của bà con vùng căn cứ cũng tươi màu no ấm. Từng tấc đất, tấm lòng của nhân dân Krong vẫn in sâu trong lòng người nữ cán bộ. “14 năm hoạt động cách mạng ở vùng đất này, nếu không có nhân dân bao bọc, che chở, chúng tôi khó lòng hoàn thành nhiệm vụ”-bà Dreng nói trong niềm xúc động.
Một thời kháng chiến
Theo lời kể của bà Dreng, trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, đầu năm 1962, Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban Phụ vận, sau đó đổi tên thành Hội Phụ nữ giải phóng tỉnh với nhiệm vụ vừa chiến đấu vừa lao động sản xuất, nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình. Ngày 20-12-1964, Đại hội đại biểu Hội Phụ nữ giải phóng tỉnh lần đầu tiên được tổ chức để bầu Ban Chấp hành khóa I. Bà Dreng được bầu làm Hội trưởng và giữ nhiệm vụ này đến năm 1975. Đây cũng là sự kiện đánh dấu bước khởi đầu của phong trào phụ nữ tỉnh với nhiều đóng góp quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bà Dreng kể: Năm 1968, địch đổ bộ vào vùng căn cứ cách mạng tại xã Krong, cơ quan Hội Phụ nữ phải tạm thời di chuyển lên các xã Hà Nừng, Kon Pne một thời gian. Năm 1972, cơ quan Hội về lại xã Krong cho đến khi giải phóng. Đây là khoảng thời gian vô cùng ác liệt, địch thả bom đêm ngày hòng tiêu diệt khu căn cứ, nhiều người đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, trong đó có những nữ cán bộ, chiến sĩ.
 Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng quà cho người có công và hội viên, phụ nữ nghèo xã Krong (huyện Kbang). Ảnh: M.C
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng quà cho người có công và hội viên, phụ nữ nghèo xã Krong (huyện Kbang). Ảnh: M.C
Những mất mát, đau thương không dập tắt được ngọn lửa đấu tranh cách mạng. Nhiều phong trào của Hội Phụ nữ giải phóng tỉnh được phát động, phù hợp trong từng giai đoạn như: “Đảm đang chiến đấu và phục vụ chiến đấu”; “Đảm đang sản xuất, xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái”; “Đảm đang công tác địa phương, tham gia các ngành các cấp”… Bên cạnh lực lượng trực tiếp đánh giặc, một bộ phận lui về phía sau tích cực làm công tác binh vận, nuôi giấu cán bộ và lao động sản xuất, đảm bảo lương thực phục vụ chiến đấu. “Khoảng thời gian hoạt động ở Khu 10, chúng tôi được nhân dân hết lòng giúp đỡ, đùm bọc, bảo vệ mới có thể an toàn để phục vụ chiến đấu. Phong trào phụ nữ khi đó cũng được sự quan tâm lãnh đạo, động viên, tạo điều kiện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đặc biệt là của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy như Ksor Ní, Lê Tam, Ngô Thành... để chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng”-bà Dreng nhớ lại.
Tấc lòng tri ân
Tri ân những đóng góp to lớn của các thế hệ phụ nữ, Hội LHPN tỉnh đã triển khai xây dựng Bia di tích cơ quan Hội LHPN giải phóng tỉnh tại làng Tăng Lăng. Công trình được xây dựng trên diện tích 1.000 m2 bao gồm các hạng mục bia và nhà bia di tích với tổng kinh phí 470 triệu đồng do cán bộ, hội viên đóng góp. Trong khuôn viên di tích, cán bộ phụ nữ bắt tay trồng nên những hàng cây xanh mát. Mỗi một cây trồng bén rễ lên xanh ở nơi đây là một sự tưởng nhớ, tri ân của thế hệ đi sau đối với các thế hệ hội viên, phụ nữ đi trước của tỉnh, từ đó kế thừa, phát huy bằng các phong trào, hoạt động thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bà Dreng ôn lại truyền thống với thế hệ phụ nữ trẻ trong ngày khánh thành bia di tích. Ảnh: M.C
Bà Dreng ôn lại truyền thống với thế hệ phụ nữ trẻ trong ngày khánh thành bia di tích. Ảnh: M.C
Bà Phạm Thị Hoa-Phó Chủ tịch Hội LHNP tỉnh-cho biết, đây là công trình thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của hơn 220 ngàn hội viên, phụ nữ các dân tộc trong tỉnh đối với thế hệ đi trước. Để hoàn thành công trình, Hội đã nhận được sự giúp đỡ nhiều mặt của dân làng Tăng Lăng và gia đình chị Đinh Thị Ua khi hiến đất để xây dựng. Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh bày tỏ: “Chúng tôi rất trân trọng tình cảm và những đóng góp quý báu của nhân dân, cán bộ, hội viên dành cho tổ chức Hội từ trong kháng chiến cho đến hôm nay. Hội LHPN các cấp sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động ý nghĩa như “Về nguồn” để cán bộ, hội viên hiểu thêm truyền thống lịch sử của Hội LHPN gắn với Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh. Đồng thời, các cấp Hội cũng sẽ có những hoạt động tri ân nhân dân vùng căn cứ cách mạng nói chung, hội viên, phụ nữ nói riêng, những người đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình trưởng thành và phát triển tổ chức Hội”.
Chứng kiến sự trưởng thành của Hội Phụ nữ trong gần 60 năm qua, bà Dreng chia sẻ niềm vui: “Tôi rất xúc động trước những hành động thiết thực, tình cảm, trách nhiệm của thế hệ đi sau đối với truyền thống, nguồn cội. So với thế hệ chúng tôi, phụ nữ hôm nay có sự trưởng thành vượt bậc, có kỹ năng, kiến thức… nên đã và đang triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, phù hợp, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh”.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

(GLO)- Hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) với thông điệp "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", nhiều người dân ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tham gia HMTN. Việc làm của họ đã góp phần đáp ứng nhu cầu máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.

Chung tay hỗ trợ làng đặc biệt khó khăn Plei Hlốp

Chung tay hỗ trợ làng đặc biệt khó khăn Plei Hlốp

(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 5-12-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) vừa tổ chức kết nghĩa với làng Plei Hlốp.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.
Chị Nguyễn Thị Tâm (bìa trái) cẩn thận đóng hũ từng suất ăn sáng trước khi phát cho bệnh nhân. Ảnh: Vũ Chi

“Bữa sáng yêu thương” ở Trung tâm Y tế huyện Ia Pa

(GLO)- 7 năm gắn bó với công tác thiện nguyện, điều dưỡng Nguyễn Thị Tâm (Phòng Điều dưỡng-Trung tâm Y tế huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã nấu hàng ngàn suất ăn sáng cho bệnh nhân nghèo với mong muốn tiếp thêm động lực để người bệnh vượt qua khó khăn, yên tâm điều trị bệnh.
602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

(GLO)- Ngày 16 và 17-3, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các huyện: Krông Pa, Đak Đoa, Đak Pơ và Đoàn từ thiện Phước Huệ (phường 15, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh) tặng quà cho người dân tộc thiểu số nghèo, bệnh nhân phong, người khuyết tật tại địa phương.