Chư Pah: Dân "liều mình" qua cầu treo hư hỏng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cây cầu treo bắc qua suối Đak Roong đã hư hỏng nghiêm trọng nhưng hàng chục hộ dân làng Hde (xã Đak Tơ Ve, huyện Chư Pah, Gia Lai) vẫn hàng ngày “liều mình” vượt qua để đến khu đất sản xuất.
Làng Hde hiện có 50 hộ dân tộc Bahnar với 200 khẩu. Đây là một trong những làng đặc biệt khó khăn của xã Đak Tơ Ve. Nhà cửa của người dân trong làng đều dựng tại một khu đất bằng phẳng bên này suối Đak Roong nhưng đất sản xuất của bà con lại ở bên kia suối.
 Mùa mưa, nước ngập cầu treo khiến người dân gặp khó khăn khi đi qua. Ảnh: H.S
Mùa mưa, nước ngập cầu treo khiến người dân gặp khó khăn khi đi qua. Ảnh: H.S
Cách đây 5 năm, tỉnh đầu tư xây dựng một cây cầu bê tông bắc qua suối Đak Roong để giúp cho việc đi lại của người dân làng Hde được thuận tiện hơn. Nhưng niềm vui của dân làng không kéo dài được lâu thì cây cầu bê tông này đã bị lũ cuốn trôi. Không có cầu, người dân vẫn phải lên rẫy để sản xuất. Mùa nắng, bà con chọn chỗ nước nông để lội qua, còn mùa mưa thì dùng thuyền vượt suối vì nước lớn. Thấy việc đi lại khó khăn, dân làng đã quyên góp tiền mua sắt thép, xẻ gỗ lấy ván làm một cây cầu treo. Anh Siu Hương (làng Hde) cho biết: “Từ đó đến nay, dân làng mình toàn đi qua cầu treo này để lên rẫy. Nhưng cầu treo nhỏ nên chỉ đi bộ thôi. Thu hoạch xong, mọi người dùng xe máy chở nông sản xuống sát cầu xếp đống rồi vác bộ qua cầu treo về nhà. Dù bất tiện, vất vả nhưng có cầu đi lại còn đỡ hơn lội suối hay chèo thuyền”.
Sau một thời gian dài sử dụng, cầu treo làng Hde đã bị hư hỏng nghiêm trọng, tiềm ẩn mối nguy hiểm với người qua lại. Nhiều tấm ván gỗ lót làm mặt cầu và cột gỗ đã bị mục; dây thép quấn quanh cầu được buộc sơ sài, lỏng lẻo, nhiều chỗ đã rỉ sét. Mỗi lần có người đi qua là cây cầu treo lại rung lên bần bật gây tâm lý bất an. “Mình vừa lên rẫy bẻ măng về. Cầu hỏng nên khi đi qua, mình sợ lắm. Nhưng vẫn phải đi thôi vì không còn đường khác. Mình sợ nhất là đi qua cầu vào mùa mưa. Nhiều cây gỗ bị cuốn từ trên thượng nguồn về kẹt lại cứ theo sóng nước va vào cầu treo. Có lần mình bị ngã từ cầu xuống suối, trôi hết đồ đạc mang theo, may mà người không bị sao”-chị Rơ Châm Canh (làng Hde) cho hay.
Cầu treo làng Hde tiềm ẩn nhiều nguy cơ không đảm bảo an toàn khi người dân qua lại-Ảnh Nguyễn Tú
Cầu treo làng Hde tiềm ẩn nhiều nguy cơ không đảm bảo an toàn khi người dân qua lại. Ảnh: Nguyễn Tú
Hiện đang vào giữa mùa mưa, cây cầu treo ở làng Hde thường xuyên bị ngập nước khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Theo lời kể của người dân, mới đây, ông Trần Công Quyền (trú tỉnh Kon Tum) cùng vài người khác ở làng Hde định lên khu rừng bên kia suối Đak Roong hái lá. Vì nước làm ngập cầu treo nên những người này vượt suối bằng thuyền. Khi ra đến giữa dòng, nước chảy xiết làm lật thuyền. Ông Quyền bị nước cuốn tử vong. Những người khác may mắn thoát chết trong gang tấc nhờ bám được cành cây trôi nổi. Ông Lê Ngọc Ánh-Bí thư chi bộ làng Hde-cho biết: “Cây cầu treo là con đường duy nhất để dân làng Hde lên khu sản xuất. Cầu bắc tạm bợ nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Đến mùa mưa, UBND xã cũng cử lực lượng túc trực để ứng cứu nếu xảy ra sự cố, hỗ trợ người dân qua suối và vận động người dân không đi lại nếu nước lớn ngập cầu. Chúng tôi đang vận động kinh phí xã hội hóa để làm một cây cầu bê tông mới giúp dân làng đi lại an toàn nhưng chưa được là bao”.
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm

Hạ tầng giao thông đổi thay vùng khó

Hạ tầng giao thông đổi thay vùng khó

(GLO)- Mạng lưới giao thông kết nối đang được tỉnh Gia Lai quan tâm đầu tư, nhiều dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng đường đến vùng khó đang dần hoàn thiện mang đến cơ hội phát triển, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ghi trên đường 14

Ghi trên đường 14

(GLO)- Từ hạ tuần tháng 4, những cơn mưa đầu mùa đã làm dịu đi cái nắng nóng cực điểm của mùa khô Tây Nguyên. Những cánh rừng khộp thôi lá đỏ, thay vào đó là màu xanh biếc vĩnh cửu của đại ngàn.

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

(GLO)- Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm.