Một sự trùng hợp khó hiểu: Liên tiếp nhiều học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh môn Vật lý của Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Pleiku, Gia Lai) lại không được công nhận là học sinh giỏi… cấp trường môn này. Nghịch lý trên đã khiến những học sinh này không thể đăng ký thi vào lớp chuyên Vật lý của Trường THPT Chuyên Hùng Vương như nguyện vọng ban đầu, bởi theo quy định của Trường THPT Chuyên Hùng Vương thì điểm số của môn thi vào lớp chuyên khối tự nhiên phải đạt từ 8,0 trở lên.
Ảnh: Phương Duyên |
“Khi nhận bảng điểm về, cháu chỉ biết khóc”- anh Lê Hồng Phương, phụ huynh em Lê Mai Thy (lớp 95, Trường THCS Phạm Hồng Thái) nói về những thắc mắc của em Thy và gia đình về điểm số của môn Vật lý.
Anh Phương cho biết: Kết thúc học kỳ I của năm học 2010-2011, em Thy được chọn tham gia vào đội tuyển thi học sinh giỏi môn Vật lý của trường dựa vào kết quả xếp học tập đạt loại giỏi ở môn này. Kết quả, em đã đạt giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi Vật lý cấp thành phố, tiếp đó đạt giải ba kỳ thi cấp tỉnh.
Trong học kỳ II, điểm số tất cả các môn của em Mai Thy đều trên 8,0, thậm chí có nhiều môn trên 9,0, song kết quả tổng kết năm của môn Vật lý chỉ được 7,8. Vì vậy, học sinh này không thể đăng ký thi vào lớp chuyên Lý- Trường THPT Chuyên Hùng Vương trong mùa tuyển sinh sắp tới mặc dù em là học sinh giỏi toàn diện, xếp thứ 3 trong lớp với điểm tổng kết trung bình năm là 8,8; ngoài ra em còn không được cộng 1 điểm (giải ba cấp tỉnh) cho môn đăng ký thi chuyên. Tương tự, em Bạch Thủy Tiên, cùng lớp 95, đạt giải khuyến khích kỳ thi chọn học sinh giỏi môn Vật lý cấp thành phố, cũng chỉ được 7,6 tổng kết môn Vật lý cuối năm.
Đáng nói là những năm trước, nhiều học sinh giỏi môn Vật lý của Trường THCS Phạm Hồng Thái cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Khá ngại ngần khi nhắc lại chuyện cũ vì “không thích ồn ào”, song em P., hiện là học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Hùng Vương, cũng bộc bạch: Từng là học sinh giỏi môn Lý cấp thành phố (giải khuyến khích), có điểm tổng kết môn ở năm lớp 9 là 8,8 nhưng vì chỉ được 7,9 ở môn Vật lý nên em không được đăng ký thi vào chuyên Lý của Trường THPT Chuyên Hùng Vương”. Do đó, P. đành thi vào một môn khác mà em không mấy yêu thích. P. cho biết, cùng lớp và cùng khóa với em cũng có 2 bạn cùng “hoàn cảnh”, nay đang học tại Trường THPT Pleiku.
Về phía gia đình, anh Lê Hồng Phương thừa nhận: “Đầu tiên, chúng tôi phải trách con mình chủ quan, tự tin quá. Nhưng chúng tôi thắc mắc, vì sao trong quá trình học, nếu thấy cháu học chưa tốt sao lại cử đi thi học sinh giỏi? Cháu rất yêu môn Vật lý, đạt giải cấp thành phố và cấp tỉnh, nhưng sao nhà trường không có biện pháp gì để giúp đỡ cho cháu tiến bộ hơn khi thấy cháu học chưa tốt?”.
Đồng thời, vấn đề mà nhiều phụ huynh đặt ra là đề kiểm tra của trường quá khó, hay đề thi của thành phố và của tỉnh quá… dễ? Đâu mới là chuẩn? Từ đó, việc phụ huynh khuyến khích con tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi chắc chắn sẽ bị hạn chế rất nhiều, vì tuy học sinh mang về giải thưởng, thành tích cho nhà trường nhưng lại phải chịu nhiều thua thiệt; nhiều em gặp khó khăn khi theo đuổi những nguyện vọng chính đáng của mình trong học tập.
Trao đổi với P.V xung quanh vấn đề này, thầy Trần Tâm- Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Hồng Thái- cho biết: Nhà trường tuyển chọn đội tuyển từ lớp 6 dựa vào việc sàng lọc thường xuyên (thông qua kết quả học tập bộ môn), tạo điều kiện để học sinh vừa học tốt chương trình ở lớp, vừa sắp xếp được thời gian học tốt môn chuyên; ngoài ra còn tư vấn cho phụ huynh nên giúp con sắp xếp thời gian học tập ra sao cho hợp lý. Tuy nhiên, khi chọn đội tuyển trường chỉ căn cứ kết quả học kỳ I để chọn đội tuyển, trong khi đó kết quả 1 năm học lại là cả quá trình. Thầy Tâm cũng cho rằng: “Đây là điều đáng tiếc vì các em đã có kết quả khả quan trong các kỳ thi cấp thành phố, cấp tỉnh nhưng lại không đủ điểm thi vào trường chuyên. Nhà trường sẽ nghiêm túc kiểm tra lại và sắp tới sẽ cố gắng giúp học sinh duy trì phong độ trong học tập khi ôn tập thi môn chuyên”.
Phương Duyên