(GLO)- Món canh cá rô đồng từ lâu được xem là niềm tự hào của người Thái Bình và theo chân người Thái Bình đi khắp mọi miền đất nước.
Món canh cá được làm từ nguyên liệu rất đơn giản, là sản vật của chính đồng quê như cá, rau, gạo… nhưng lại tạo hương vị riêng mà không nơi nào có. Trước kia, người Thái Bình chỉ làm canh cá bằng cá rô đồng đánh bắt dưới ruộng vào tháng 10 âm lịch. Sau khi bắt về và làm sạch, đầu bếp khéo léo gỡ phần thịt khỏi xương, đem tẩm ướp cho ngấm rồi rim cùng chút nước mắm ngon, hành, gừng, tiêu. Muốn bát canh ngon, người chế biến phải gỡ cá sao cho thịt không bị nát. Phần xương, phần đầu cá đem ninh nhừ cùng xương heo làm nước dùng vừa ngọt vừa trong.
Ngày nay, cá rô đồng không còn sẵn có nên các hàng quán thường chọn cá quả hay cá trắm, cá rô phi để thay thế, ướp thêm chút bột nghệ cho dậy màu vàng bắt mắt. Để giữ nguyên hương vị cá, một số nơi còn nướng trên than hoa cho thơm thịt, chờ lớp cá vừa chín tới, vỏ ngoài se lại là đem chiên vàng. Cá muốn ngon sẽ không được chiên quá kỹ, tránh làm cháy.
Nét độc đáo của canh cá rô đồng chính là những sợi bánh đa ở Thái Bình được chế biến từ gạo chiêm mùa trước. Người Thái Bình có nghề tráng bánh đa cổ truyền với bí quyết riêng, không cần cho hàn the nhưng bánh vẫn giữ được vị dai, giòn, khi cho vào nước không bở, nát. Loại bánh đa này được phơi khô, có thể để dành dùng lâu.
Điều quyết định chất lượng canh cá là phần nước dùng được gia giảm khéo léo. Dù chẳng có cà chua hay giấm, vị ngọt của nước dùng lại thanh mát, không béo ngậy. Tùy khẩu vị người ăn, có thể vắt thêm vào bát canh bánh đa miếng quất hoặc chanh, giấm ớt và tỏi kèm theo rau húng, mùi.
Một bát canh cá rô đồng Thái Bình đúng chất phải có vị đậm đà của cá, nước ngọt thanh từ xương hòa quyện gừng tươi cay nồng, thì là thơm phức và đĩa rau cần nước nhúng để ăn kèm. Món ngon này xuất hiện khá nhiều ở các tỉnh, trong đó có Gia Lai với quán cá rô đồng ở địa chỉ 222 Cách Mạng Tháng Tám (TP. Pleiku). Giá ở quán này khá hợp lý với 25.000 đồng/tô lớn, 20.000 đồng/tô nhỏ.
Bùi Hương Thảo