Cần tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch, với một thành phố nằm trong khu vực nhiệt đới nắng nhiều như TPHCM, ban đêm là khoảng thời gian dễ chịu để du khách thư thả ngắm cảnh thành phố và thưởng thức ẩm thực, nghệ thuật… Do vậy, cùng với việc tăng các dịch vụ phục vụ du khách nói chung thì việc tạo ra những sản phẩm du lịch về đêm là không thể thiếu trong những giải pháp “níu kéo” thời gian lưu trú của khách ở TPHCM.

Tuyến du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Tuyến du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Thiếu các hoạt động biểu diễn ngoài trời
Anh Nguyễn Quang Khương, du khách đến từ Hà Nội có dịp lưu lại TPHCM 3 ngày, đánh giá ở đây thứ gì cũng có. Muốn thưởng thức đặc sản ba miền, vui chơi, mua sắm đồ thủ công mỹ nghệ… chỉ cần tra trên mạng internet sẽ ra hết. “Tuy vậy, khách đi chơi sau 10 giờ đêm không dễ, vì đa phần hàng quán đóng cửa. Các hoạt động vui chơi giải trí, rạp chiếu phim… đều đi ngủ. Chỉ còn một vài điểm tấp nập như Phố đi bộ Bùi Viện, nhưng chỉ phục vụ khách Tây là chính”, anh Nguyễn Quang Khương nói. 
Bà Trần Thị Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị - Công nghệ thông tin BenThanh Tourist, cho rằng, các tuyến đường, phố đi bộ ở TPHCM chưa được chú trọng đầu tư, thiếu vắng các sân khấu ngoài trời. Thêm nữa, quy mô các tuyến đường ít và nhỏ, thiếu không gian cho hoạt động đêm hoành tráng, sôi động. Du lịch đường sông ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn chưa tạo được điểm nhấn nên khó hút khách quay lại. 
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Liên Bang Travel phân tích, TPHCM đang thiếu các dịch vụ về đêm cho du khách. Nếu nhìn qua danh sách các điểm kinh doanh ẩm thực nằm rải rác tại quận 1, quận 3, quận 5… sẽ thực sự choáng ngợp, nhưng đa phần kinh doanh tự phát. TPHCM cần quy hoạch các khu vui chơi tích hợp (ăn uống, mua sắm, giải trí…) như ở Thái Lan, Singapore… để thuận tiện cho khách tiêu tiền.
“Một điểm khác nữa là không để người kinh doanh tự bơi. Ngành du lịch TPHCM cần thống kê xem việc triển khai các tuyến phố ẩm thực, phố vàng bạc… hiệu quả đến đâu, bà con tiểu thương cần hỗ trợ gì hay không để có phương án điều chỉnh phù hợp. Cần quan tâm sâu sát đến người làm du lịch tại địa phương, đừng bỏ bê họ. Vấn đề an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là các yếu tố mà du khách rất quan tâm. Công tác phòng dịch trong thời điểm này cũng rất quan trọng nên ngành chức năng phải thường xuyên nhắc nhở các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng tuân thủ nghiêm những quy định về phòng dịch của ngành y tế”, ông Từ Quý Thành góp ý. 
Phát triển kinh tế đêm và nhóm sản phẩm đặc trưng 
Nhiều doanh nghiệp lữ hành khẳng định rằng, du khách đến TPHCM đều muốn trải nghiệm các hoạt động vui chơi về đêm. Riêng khách nước ngoài, hầu như không ai muốn đi ngủ sau 10 giờ đêm, vì họ lệch múi giờ, rất khó ngủ, nhất là khách Âu - Mỹ. Thống kê từ Tổng cục Du lịch, nếu cùng thời gian lưu trú, mức chi tiêu của khách nước ngoài ở Việt Nam vẫn thấp hơn hẳn so với Thái Lan. Chẳng hạn, khách nước ngoài lưu tại Thái Lan trong 9 ngày, mức chi tiêu khoảng 163 USD/ngày, trong khi tại Việt Nam khách chi khoảng 96 USD/ngày.  

Du khách tham quan phố Bùi Viện vào ban đêm. Ảnh: CAO THĂNG
Du khách tham quan phố Bùi Viện vào ban đêm. Ảnh: CAO THĂNG
Theo ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám đốc Lữ hành Saigontourist, các sản phẩm du lịch đêm hiện nay ở TPHCM phục vụ khách nội địa là chính. Tuy vậy, ông Yên cũng cho rằng, mô hình các tuyến phố ẩm thực đêm mà một số quận đang triển khai cũng khá thú vị, sẽ kích thích chi tiêu tự nhiên của người dân địa phương, xa hơn là du khách trong nước cũng như quốc tế. Bởi du khách rất dễ bị hấp dẫn từ các tụ điểm, quán ăn đông đúc… Ở Hà Nội có tuyến phố Tạ Hiện rất đông khách, hoặc ở Phố cổ Hội An tấp nập khách vào ra. Sự hấp dẫn của các địa điểm này được chính những tiểu thương ở đây gầy dựng. TPHCM có thể triển khai phương án này theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”, thu hút khách dần dần. Về lâu dài, TPHCM muốn tăng thời gian lưu trú, mức chi tiêu của du khách cần phải quy hoạch bài bản các địa điểm vui chơi, giải trí, ăn uống… và tăng cường khai thác các sản phẩm thế mạnh. 
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, thông tin, ngành du lịch TPHCM dự kiến thực hiện các nhóm giải pháp, bao gồm tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng phát triển du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch; thúc đẩy liên kết, liên minh giữa các doanh nghiệp để tăng giá trị chuỗi và tính cạnh tranh của sản phẩm du lịch, hỗ trợ phát triển thương hiệu du lịch. Đặc biệt, sở cũng tập trung phát triển 3 nhóm sản phẩm chủ lực, gồm: du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch ẩm thực, du lịch mua sắm; cùng 4 nhóm sản phẩm tiềm năng để tạo sự khác biệt cho TPHCM là du lịch đường thủy, du lịch MICE (du lịch kết hợp dự các sự kiện), du lịch y tế, du lịch giải trí và hoạt động về đêm.
Tại buổi làm việc với TPHCM diễn ra vào tháng 7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của kinh tế đêm và đề nghị TPHCM sớm thúc đẩy hoạt động này. Trước đó, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ KH-ĐT xây dựng đề án phát triển kinh tế ban đêm nhằm phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau tại các đô thị lớn, trong đó có TPHCM để hút khách, tạo nguồn thu. 
THI HỒNG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm