Không đăng ký chất lượng, không công bố tiêu chuẩn và không giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) do cơ quan chức năng cấp, nhưng các sản phẩm rượu nấu thủ công vẫn được chế biến, sản xuất và tiêu thụ trên thị trường với số lượng lớn. Nguy cơ ngộ độc rượu từ các loại rượu này đã và đang tiềm ẩn.
Chúng tôi có mặt tại nhà chị H.T.L (thôn Hàm Rồng, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa- Gia Lai) để tìm hiểu về việc chế biến rượu. Chủ cơ sở phàn nàn: Cả tháng mới nấu được một, hai mẻ rượu, khoảng vài chục lít, một ít thì dành cho ông cụ ở nhà ngâm thuốc xoa chân tay, còn lại gửi các quán bán giúp chứ có nhiều gì đâu mà đăng ký. Còn với anh Tuấn (đường Quyết Tiến, TP. Pleiku) người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề này cho biết: Lúc đầu ở nhà nấu chỉ để dành cho anh em trong nhà, về sau nhiều người uống khen ngon nên từ một hai mẻ... đến nay ngày nào cũng có rượu để bán. Còn việc đăng ký hay giấy phép do không thấy ai nói gì nên chúng tôi chưa làm.
Cũng theo anh Tuấn: Việc nấu rượu ngon dở hay nồng độ cao thấp còn tùy vào kỹ thuật của từng lò nấu, bởi nó không theo một công thức nhất định và đó cũng là bí quyết riêng của từng nhà nấu rượu. Anh bộc bạch: Có những nơi vì cho nhanh có rượu để bán nên họ đã bỏ qua nhiều công đoạn quan trọng của việc nấu rượu, thay vào đó bằng những loại men tổng hợp và cồn có hại cho sức khỏe người uống, mà loại rượu này chỉ người trong nghề mới nhận ra.
Niêm phong rượu trắng chưa qua kiểm tra. Ảnh: Nguyễn Giác |
Từ ngày 7-4-2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2008/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu nêu rõ: Rượu thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế chỉ được đầu tư, sản xuất, kinh doanh (bán buôn, bán lẻ) rượu khi có đủ điều kiện và có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Thế nhưng trên thị trường, các loại rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc và không đảm bảo ATVSTP vẫn được bày bán công khai.
Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế về rượu tự nấu cho thấy, hơn 90% rượu tự nấu không đảm bảo độ an toàn theo tiêu chuẩn quy định, về tính độc hại của rượu tự nấu cao hơn hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần so với rượu nhà máy. Hiện có trên 95% người dân Việt Nam có thói quen sử dụng rượu tự nấu. Đây thực sự là một vấn đề rất đáng lo ngại đến sức khỏe của người dùng rượu. |
Riêng trên địa bàn TP. Pleiku, tại các quán nhậu vỉa hè trên các trục đường như: Hùng Vương, Hoàng Văn Thụ, Lê Lợi, Phan Đình Phùng, Lê Hồng Phong… thì người mua dễ dàng mua được các loại rượu nấu thủ công, giá dao động từ 10 ngàn đồng đến 20 ngàn đồng/lít. Chị Thúy- bán quán nhậu trên vỉa hè đường Hùng Vương cho biết: Mỗi đêm tôi bán được hơn cả chục lít rượu, trong đó đối tượng khách nhiều nhất vẫn là thanh niên. Vì vậy nếu bán ăn mà không bán rượu thì các quán ở đây chắc sẽ mất khách vì nhu cầu uống rượu của họ rất lớn. Không chỉ có rượu của người dân trong tỉnh sản xuất mà chúng tôi còn bán các loại rượu có tiếng như Bầu Đá, Gò Đen ở các nơi khác nhập về…
Ông Đoàn Mạnh Thắng- Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Từ lâu nay việc bán rượu theo kiểu chuyền tay nhau nên rất khó trong việc quản lý. Nhưng theo quy định của Pháp lệnh ATVSTP hiện nay, rượu được xếp vào nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, nghĩa là phải tuân thủ đầy đủ các quy định, tiêu chí về ATVSTP, từ việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm, có giấy chứng nhận đảm bảo ATVSTP. Vì vậy, ngành Y tế đang tích cực triển khai thực hiện việc kiểm tra, giám sát ATVSTP tại các cơ sở kinh doanh chế biến rượu trên địa bàn tỉnh và sẽ yêu cầu tất cả các hộ nói trên thực hiện theo quy định trong thời gian đến.
Nguyễn Giác