(GLO)- Hiện nay, người làm việc trong công sở chủ yếu dùng ngôn ngữ xưng hô trong gia đình để giao tiếp với nhau. Cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan tiếp dân dùng ngôn ngữ để nói chuyện với người dân cũng không theo một chuẩn mực nhất định.
Xưng hô trong các cơ quan nhà nước hiện nay mỗi nơi một kiểu, nhưng chung quy lại thì cách xưng hô thường vẫn theo kiểu gia đình. Đáng tuổi gì thì gọi như vậy. Cấp dưới xưng với cấp trên là em, con, cháu, còn gọi cấp trên thường dùng thuật ngữ phổ thông là “Sếp A”, “Sếp B” hoặc gọi theo tên thứ trong gia đình: anh hai, anh ba… Cấp trên gọi cấp dưới thường gọi tên hoặc con, cháu, mày, chú mày, chú em, cách gọi phổ biến nhất cấp trên đối với cấp dưới là “lính”…
Giao tiếp nơi công sở có tính chính thức xã hội nên rất cần phải quy chuẩn. Ảnh: Lê Lan |
Trong giao tiếp giữa cán bộ, công chức với người dân cũng muôn hình, muôn vẻ, theo kiểu “đáng tuổi gì gọi nấy”, thậm chí thấy công dân bằng tuổi mình thì gọi là “bạn”.
Có thể nói, cách xưng hô như trong gia đình là một trong những nguyên nhân tạo ra sự thiếu nghiêm túc, thiếu công minh của quá trình làm việc. Có thể đưa ra ví dụ: Có trưởng phòng hỏi nhân viên: “Con làm xong công văn trả lời ủy ban cho bác chưa?”, nhân viên phân trần: “Mấy hôm nay nhiều việc quá, để hôm nay con làm ạ”… Vì những cách xưng hô giống như trong nhà này mà nguyên tắc làm việc “chí công, vô tư” bị nhập nhằng với tình cảm, việc công lẫn lộn với việc tư, cấp dưới thụ động trước cấp trên, cấp trên xuê xoa cho cấp dưới.
Một thực trạng phổ biến nữa là lối xưng hô thiếu tôn trọng của nhân viên các cơ quan công quyền đối với người dân. Mỗi khi trao đổi với người dân thường hỏi hoặc trả lời cụt lủn kiểu như: “Cần gì?”, “Muốn làm việc gì?”, “Cần gặp ai”, “Chờ một chút”, “Có việc gì?”, “Đưa giấy tờ xem thử”… Hoặc xưng hô theo kiểu thân thiện quá mức như: “bạn”, “dì”, “cậu”, “anh trai, em trai…
Trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, nếu như trước đây, trong mô hình hành chính công truyền thống, mối quan hệ giao tiếp trong nội bộ nền hành chính và giữa nền hành chính với xã hội dân sự bên ngoài không được quan tâm thì ngày nay, trong mô hình mới quản lý công, nâng cao hiệu quả của hoạt động giao tiếp giữa các chủ thể quản lý và đối tượng quản lý được khuyến khích phát triển và được coi là hoạt động trung tâm để cải thiện mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân và các mối quan hệ trong chính nội bộ cơ quan hành chính nhà nước (cấp trên-cấp dưới, đồng nghiệp với nhau). Nếu giao tiếp theo ngôn ngữ chuẩn sẽ thể hiện được thứ bậc trong quản lý hành chính, sẽ không lẫn lộn giữa công và tư, thể hiện rõ quyền uy của Nhà nước và công dân. Sẽ phân biệt rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, đồng thời thể hiện sự văn minh nơi công sở.
Đã đến lúc cần có những văn bản pháp quy quy định cụ thể về tính chuẩn mực của ngôn ngữ giao tiếp nơi công sở. Đã đến cơ quan thì phải xưng hô đúng mực, là người trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân, tổ chức thì phải xưng hô chuẩn mực, lịch sự và khiêm tốn. Chuẩn mực trong ngôn ngữ xưng hô nơi công sở không phải là việc đơn giản, nhưng không thể không làm, vì tính cấp thiết và cần thiết của nó. Giao tiếp nơi công sở có tính chính thức xã hội nên rất cần phải quy chuẩn.
Nguyễn Quang Quý
Sở Tư pháp