Bình chọn 50 điểm đến du lịch hấp dẫn ở Thành phố Hồ Chí Minh và ĐBSCL

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chương trình bình chọn nhằm tạo động lực mạnh mẽ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa dịch vụ, tăng sức cạnh tranh du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long.
Khách tham quan điểm đến trong Tuần lễ Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần 3. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Khách tham quan điểm đến trong Tuần lễ Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần 3. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Hướng tới mục tiêu góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, những nét bản sắc đặc trưng và quảng bá điểm đến các địa phương, Chương trình bình chọn “Điểm đến du lịch hấp dẫn Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024” với chủ đề “Nâng tầm điểm đến - Kết nối hành trình” đã được công bố ngày 17/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh.”

Đây là hoạt động trọng tâm trong liên kết hợp tác phát triển du lịch do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo thực hiện.

Chương trình bình chọn cũng tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp, nhà cung ứng dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa dịch vụ, tăng sức cạnh tranh du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, ngành du lịch các địa phương tạo điều kiện cho đơn vị du lịch-lữ hành khai thác điểm đến, đẩy mạnh quảng bá, truyền thông sản phẩm, dịch vụ du lịch kết nối với doanh nghiệp xây dựng tour, tuyến du lịch phục vụ du khách. Từ đó kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch khi đến Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long.

Chương trình bình chọn, giới thiệu 126 điểm đến du lịch có tài nguyên, sản phẩm, dịch vụ du lịch nổi bật, có khả năng thu hút, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của du khách… ở các địa phương để Hội đồng chuyên môn, bạn đọc và khách du lịch bình chọn từ nay đến tháng 11/2024.

Dự kiến 50 sản phẩm được chương trình bình chọn sẽ được trao giấy chứng nhận và đưa vào cẩm nang quảng bá “Điểm đến du lịch hấp dẫn Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024.”

Du khách ngắm hoàng hôn trên Bãi Trường, đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Du khách ngắm hoàng hôn trên Bãi Trường, đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Trước đó, tháng 4/2024, Diễn đàn Kết nối du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 3 năm 2024 với chủ đề “Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, hướng đến phát triển du lịch xanh và bền vững” đã diễn ra tại Bến Tre.

Diễn đàn nhằm tăng cường hơn nữa mối liên kết, hợp tác phát triển du lịch và tiến tới đồng thuận đưa ra những giải pháp, kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực về liên kết vùng phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long.

Thời gian qua, chương trình liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã đi vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thực tế.

Qua đó, góp phần phục hồi hoạt động du lịch và tăng trưởng kinh tế của đất nước và từng địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tạo động lực để các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động liên kết trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, du lịch của Thành phố và 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều thách thức trong giai đoạn mới - giai đoạn tăng tốc phát triển sau khi phục hồi.

Cụ thể, lượng khách du lịch quốc tế đến 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long chưa cao. Năm 2023, cả vùng chỉ đón được 2.120.826 lượt khách quốc tế mặc dù Việt Nam đã có nhiều chính sách thu hút đối tượng này.

Sản phẩm du lịch và các chương trình kích cầu du lịch của Chương trình liên kết vùng nói riêng chưa có những sản phẩm mới “chủ lực” và vẫn chưa thật sự hấp dẫn.

Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trên tất cả nội dung đã thống nhất.

Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là Chủ tịch Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng đề xuất, 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long cùng tập trung phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng và hiệu quả; phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa đặc trưng bản địa.

Các địa phương phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương trọng điểm (Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ-An Giang-Kiên Giang); đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, vùng, miền nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp cho phát triển du lịch, đa dạng hóa các hình thức liên kết.

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre tham quan khu trưng bày, giới thiệu mô hình đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số du lịch và sản phẩm OCOP của doanh nghiệp lữ hành các tỉnh, thành. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre tham quan khu trưng bày, giới thiệu mô hình đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số du lịch và sản phẩm OCOP của doanh nghiệp lữ hành các tỉnh, thành. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Các địa phương triển khai hiệu quả mô hình quản trị, hợp tác công-tư trong phát triển du lịch trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; huy động hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn đầu tư cho phát triển du lịch.

Trong 8 tháng của năm 2024, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đón gần 26,5 triệu lượt du khách, doanh thu tăng 15% so cùng kỳ năm 2023.

Theo Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

“Săn mây” trong phố

“Săn mây” trong phố

(GLO)- “Săn mây” là cụm từ khá quen thuộc, thậm chí trở thành xu hướng tìm kiếm hiện nay, bởi những tấm ảnh chụp cùng sương mờ giăng giăng lãng đãng núi đồi thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.

Dân dã nộm rau dớn

Dân dã nộm rau dớn

Ở vùng Tây Bắc, rau dớn là loài rau mọc tự nhiên bên bìa rừng, ven suối, quanh năm xanh tốt; là nguồn thực phẩm xanh tự nhiên, sạch và bổ dưỡng. Mỗi khi đi vào rừng hay ra suối, người Tày đều hái những ngọn rau dớn xanh non mơn mởn về chế biến món ăn.

Mù Cang Chải sẽ có khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn cao cấp quốc tế

Mù Cang Chải sẽ có khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn cao cấp quốc tế

UBND tỉnh Yên Bái vừa trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận Nhà đầu tư đối với dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng tiêu chuẩn cao cấp quốc tế Omani Mù Cang Chải tại bản Tà Chí Lừ, trung tâm của di sản văn hóa ruộng bậc thang, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải.

Làng Stơr: Điểm đến du lịch nông thôn

Làng Stơr: Điểm đến du lịch nông thôn

(GLO)- Làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) gắn với tên tuổi Anh hùng Núp đã trở thành biểu tượng của Tây Nguyên bất khuất. Nằm giữa núi rừng Trường Sơn, ngôi làng Bahnar này sở hữu nhiều lợi thế về văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên đang được đầu tư xây dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn.

Măng Đen: Xây dựng khu kinh tế đêm

Măng Đen: Xây dựng khu kinh tế đêm

Nhằm tạo địa điểm vui chơi, giải trí và thưởng thức ẩm thực cho du khách khi đến với Khu du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông triển khai xây dựng khu kinh tế đêm tại khuôn viên rừng thông, trung tâm thị trấn Măng Đen.