Bàu Trúc-Làng gốm ngàn năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nằm cách TP. Phan Rang-Tháp Chàm chừng 10 km, làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) từ lâu đã trở thành địa chỉ hấp dẫn mời gọi du khách bốn phương.

“Mẹ truyền, con nối”

Một ngày cuối năm, cùng với đồng nghiệp Anh Tuấn ở Báo Ninh Thuận, tôi háo hức dong xe máy về làng gốm Bàu Trúc. Qua cổng làng mới xây nằm sát bên quốc lộ 1A, làng gốm hiện ra trước mắt chúng tôi bằng hình ảnh của những chiếc chum nước, lọ hoa, bình trang trí xinh xắn mà người dân hữu ý bày ra bên hàng rào thay cho lời giới thiệu với du khách phương xa.

 

Nghệ nhân Đàng Xem đang hoàn thành một tác phẩm gốm mỹ nghệ. Ảnh: T.D
Nghệ nhân Đàng Xem đang hoàn thành một tác phẩm gốm mỹ nghệ. Ảnh: T.D

Sau một vòng quanh làng, chúng tôi ghé vào xưởng gốm của nghệ nhân Đàng Thị Bông-người đã có gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề gốm. Dù đang bận công việc nhưng khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về nghề gốm của làng, bà vẫn vui vẻ buông tay tiếp chuyện. Bà bảo, theo lời các cụ truyền lại thì làng gốm Bàu Trúc đã có lịch sử gần một ngàn năm.

Ngày ấy, thấy dân Bàu Trúc lầm than, vất vả, Pô Klong Chan, một cận thần của vua Pô Klong Garai (1151-1205) đã đưa họ đến cánh đồng “Hamu Trok” định cư và dạy dân đào đất sét làm gốm. Tưởng nhớ công lao của Pô Klong Chan, người dân Bàu Trúc đã lập đền thờ và tôn ông làm tổ nghề.

Nghệ nhân Đàng Thị Bông cho biết: Từ thuở xưa, người Chăm ở Bàu Trúc đã quan niệm, nghề gốm là công việc dành cho phụ nữ. Điều này có lẽ bởi người phụ nữ Chăm từ khi sinh ra đã được thần linh ban tặng cho đôi bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ tinh tế. Chính vì vậy, người đàn ông chỉ được tham gia vào những công đoạn nặng nhọc như đào đất, phơi đất, ngâm đất, nhồi đất, nung gốm… Còn việc tạo dáng gốm, trang trí gốm (những công đoạn quan trọng nhất, quyết định giá trị của một sản phẩm gốm) là của phụ nữ. Sự phân công hết sức rạch ròi đó gần đây đã ít nhiều bị phá vỡ khi một số đàn ông như Đàng Xem, Vạn Quan Phú Đoan cũng bắt tay làm gốm song trong tâm thức người dân Bàu Trúc, đây vẫn là công việc của người phụ nữ.  

“Ở Bàu Trúc, con gái không biết làm gốm bị coi là con gái hư-nghệ nhân Đàng Thị Bông nói-và sự khéo tay trong nghề gốm của các cô cái được xem là một tiêu chí quan trọng để các chàng trai lựa chọn khi lấy vợ”. Bởi quan niệm ấy, ngay từ khi còn nhỏ, những cô gái Chăm đã phải theo mẹ học nghề. Ban đầu, các cô gái chỉ đứng quan sát mẹ làm và phụ mẹ những việc lặt vặt. Khi đã “thẩm thấu” hết kỹ thuật căn bản của nghề, họ mới được mẹ cho trực tiếp làm gốm. Cứ “mẹ truyền, con nối” như vậy, trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, nghề gốm vẫn được gìn giữ như một di sản thiêng liêng của người Chăm ở Bàu Trúc.

 

Một nghệ nhân ở Bàu Trúc đang tạo dáng gốm. Ảnh:T.D
Một nghệ nhân ở Bàu Trúc đang tạo dáng gốm. Ảnh:T.D

“Nắn bằng tay, xoay bằng đít”

Quy trình chế tác gốm của người Chăm ở Bàu Trúc bắt đầu từ việc lấy đất. Nghệ nhân Đàng Thị Bông kể: Từ xưa đến nay, cứ sau mỗi vụ gặt, người dân Bàu Trúc lại kéo nhau ra cánh đồng “Hamu Trok”, nằm cách làng chừng 4 km để lấy đất. Đất được chọn để làm gốm phải là loại đất sét có độ dẻo cao. Để có loại đất này, khi đào lên, người dân phải gạt bỏ lớp phù sa tơi xốp lẫn với rễ lúa, rễ cỏ ở trên mặt và bỏ đi lớp bùn non ở phía dưới, chỉ lấy phần đất ở giữa. Điều kỳ lạ như lời nghệ nhân Đàng Thị Bông là “cánh đồng này giống một món quà mà thần linh ban tặng cho làng, cứ lấy đất xong, đất lại mọc lên như cũ”.

Sau khi đưa đất về nhà cho đến trước khi làm gốm, người dân Bàu Trúc còn phải trải qua các công đoạn phơi đất, ngâm đất và nhồi đất. Trong công đoạn nhồi đất, để giúp cho xương gốm được vững chắc, người ta lấy cát ở sông Quao trộn vào đất với tỷ lệ 1 phần cát trộn với 2 phần đất. Nghệ nhân Đàng Thị Bông cho biết, đây là tỷ lệ bất di bất dịch, nếu ít cát hay nhiều cát thì khi nung, gốm sẽ bị nứt vỡ.

Điều làm nên giá trị độc đáo, thậm chí “độc nhất vô nhị” của gốm Bàu Trúc không nằm ở quy trình làm đất hết sức công phu trên mà chính là ở quy trình chế tác gốm được người dân ở đây gọi vui là “nắn bằng tay, xoay bằng đít”. Nói “độc nhất vô nhị” là bởi trong khi các làng gốm khác ở nước ta đều dùng bàn xoay để làm gốm thì người Bàu Trúc lại chỉ dùng bàn kê. Bàn kê ở đây có thể là mặt bàn, là đáy lu hoặc một khúc gỗ lớn. Khi làm gốm, người thợ Bàu Trúc vừa đi giật lùi quanh chiếc bàn kê vừa dùng tay tạo dáng gốm.

Sau hàng trăm, hàng ngàn vòng xoay như thế, từ đôi tay khéo léo của người thợ gốm Bàu Trúc, khối đất vô tri bỗng hóa thành những bình hoa, lu nước, nồi đất, thạp đựng gạo… xinh xắn, có hồn có vía.  

Cùng với quy trình chế tác thủ công 100% bằng tay, cách nung gốm của người Chăm ở Bàu Trúc cũng không giống với bất cứ nơi nào khi họ không dùng lò mà nung lộ thiên. Sau khi đem gốm phơi khô ngoài nắng, người dân Bàu Trúc đem gốm xếp lại thành đống rồi chất rơm rạ, củi, phân bò và đốt. Một lần nung như thế kéo dài khoảng 5-6 tiếng. Sau đó, người ta dùng màu thực vật từ trái thị, vỏ hạt điều phun vào những sản phẩm vừa nung để tạo màu cho gốm. Với cách nung này, tỷ lệ sản phẩm hư hỏng thường rất cao, khi gặp mưa gió bất thường có thể lên đến 50%. Nhưng bù lại, do lửa táp vào thân gốm không đều nhau nên mỗi sản phẩm gốm Bàu Trúc sau khi hoàn thành đều trở thành một “phiên bản độc nhất vô nhị”, màu sắc không cái nào giống cái nào.

Tiến Dũng

Có thể bạn quan tâm

Ayun Pa: Xứng tầm khu kinh tế động lực vùng Đông Nam

Ayun Pa: Xứng tầm khu kinh tế động lực vùng Đông Nam

(GLO)- Phát huy lợi thế là trung tâm vùng kinh tế phía Đông Nam tỉnh, sau hơn 11 năm thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự quyết tâm của chính quyền và sự đồng lòng của người dân, thị xã Ayun Pa đã từng bước khai thác tiềm năng và nội lực, đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Ia Grai: Hướng đến phát triển bền vững, toàn diện

Ia Grai: Hướng đến phát triển bền vững, toàn diện

(GLO)- Năm 2018, thời tiết diễn biến phức tạp, giá cả các mặt hàng nông sản giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân trên địa bàn huyện Ia Grai. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, sự giám sát của HĐND huyện, sự điều hành của UBND huyện, kinh tế-xã hội huyện vẫn tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả tích cực.
Kông Chro: Vững vàng trên chặng đường mới

Kông Chro: Vững vàng trên chặng đường mới

(GLO)- Sau 30 năm thành lập, huyện Kông Chro đã có sự phát triển mạnh mẽ, đầy hứa hẹn. Bộ mặt đô thị và nông thôn đang đổi mới từng ngày, đời sống nhân dân các dân tộc trong huyện từng bước được cải thiện và nâng cao.
Đak Pơ: Sức bật từ tam nông

Đak Pơ: Sức bật từ tam nông

(GLO)- Sau 15 năm thành lập, kinh tế-xã hội của huyện Đak Pơ có bước phát triển vượt bậc. Đời sống người dân ngày một cải thiện. Có được kết quả này là nhờ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã tạo động lực giúp vùng đất thuần nông Đak Pơ phát triển mạnh mẽ.
Đất nước của những triệu phú

Đất nước của những triệu phú

(GLO)- Công quốc Monaco nằm ở một eo biển nhỏ phía Nam nước Pháp, bên bờ biển Côte dAzur, nước Pháp bao quanh 3 mặt, mặt còn lại giáp biển Địa Trung Hải. Với diện tích chỉ vỏn vẹn 2,02 km2, Monaco là quốc gia nhỏ thứ 2 thế giới (chỉ sau Vatican), dân số 38.000 người-nằm trong top 10 quốc gia có dân số ít nhất thế giới. Tuy nhỏ về diện tích và ít về dân số nhưng quốc gia này có đến 1/3 dân số là triệu phú và rất nhiều tỷ phú, không có người nghèo, được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia có tỷ lệ triệu phú cao nhất thế giới. Do vậy, Monaco được mệnh danh là đất nước của những triệu phú đô la.
Xã luận: Xuân khát vọng

Xã luận: Xuân khát vọng

(GLO)- Chúng ta quyến luyến chia tay năm Mậu Tuất, bước sang Xuân mới Kỷ Hợi 2019. Với Gia Lai, năm Mậu Tuất 2018 ghi dấu ấn đặc biệt trên nhiều lĩnh vực, thể hiện rõ quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, khát vọng vươn lên chinh phục những tầm cao mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Những ngày ở Nhật

Những ngày ở Nhật

(GLO)- Trong tâm thức của người Việt hàng thế kỷ nay, Nhật là dân tộc có nhiều điều đáng học. Tư tưởng duy tân từ cụ Phan Chu Trinh và kế tiếp là phong trào Đông Du của Phan Bội Châu in đậm sử sách, ăn sâu tư duy thế hệ chúng tôi. Vì vậy, được đến nước Nhật, tận thấy cuộc sống của người Nhật từ lâu là ước muốn của nhiều người.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang: Tăng cường đi cơ sở để giúp dân

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang: Tăng cường đi cơ sở để giúp dân

(GLO)- Năm qua, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã liên tục đi kiểm tra, thị sát cơ sở, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nắm tình hình, giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Qua đó đã tăng cường sức mạnh đoàn kết, đẩy nhanh phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ.
Xuân về trên núi

Xuân về trên núi

(GLO)- Ở xứ cao nguyên này, mưa thì dằng dặc, triền miên, nắng thì hoang hoải, kiệt cùng. Những khoảnh khắc xuân-hạ-thu-đông dường như chỉ đỏng đảnh ghé qua chớp nhoáng trong một thời khắc nào đó, mà nếu hững hờ, sẽ khó lòng mà nhận ra.
Thưởng trà và sống chậm

Thưởng trà và sống chậm

(GLO)- Yêu thích nghệ thuật trà đạo và triết lý Phật giáo, anh Võ Thanh Hưng đã quyết tâm xây dựng một không gian thưởng thức trà đúng chất xưa. Nét xưa ấy thể hiện ngay từ cái tên Hồn Gỗ của quán cho đến cách mà anh ngồi đối ẩm cùng những người trót mê đắm hậu vị ngọt mát của các loại trà Việt.