Báo động hành vi doanh nghiệp thu thập trái phép thông tin khách hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bị khiếu nại nhiều nhất, chiếm đến 34% trong 568 đơn thư khiếu nại gởi đến Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) là hành vi doanh nghiệp thu thập trái phép thông tin của người tiêu dùng, nhằm xâm phạm quyền lợi của họ.
 
Hành vi thu thập trái phép thông tin người tiêu dùng từ doanh nghiệp đã đến mức đáng báo động - Ảnh:TL
Trong báo cáo kết quả tình hình tiếp nhận và giải quyết khiếu nại năm 2019 vừa được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) công bố, chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các nhóm hành vi bị khiếu nại là "Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng", đến 34% trong 568 đơn thư khiếu nại gởi đến Cục.
Trong đó, nội dung khiếu nại chủ yếu tập trung vào việc doanh nghiệp thu thập trái phép thông tin của người tiêu dùng, không ghi nhận yêu cầu chỉnh sửa thông tin của người tiêu dùng, dẫn tới việc tiếp tục sử dụng thông tin của người tiêu dùng vào các mục đích xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
Nhóm hành vi có tỉ lệ khiếu nại liên quan đến các nội dung về giao kết hợp đồng giữ vị trí thứ hai, với 20% người tiêu dùng khiếu nại về việc doanh nghiệp có nhiều hành vi… không làm nhất. 
Từ không tạo điều kiện để người tiêu dùng tìm hiểu và nghiên cứu nội dung hợp đồng trước khi ký, không tư vấn đầy đủ thông tin về hợp đồng trước khi ký cho đến không gửi bản sao hợp đồng để người tiêu dùng lưu trữ sau khi ký, nội dung hợp đồng không đúng như nội dung tư vấn ban đầu…
Hành vi thứ ba cũng được khiếu nại nhiều không kém liên quan đến việc cung cấp thông tin, chiếm 17% tổng số khiếu nại, khi người tiêu dùng cho rằng nhiều tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ, không thuận tiện… dẫn đến người tiêu dùng khó khăn, hoặc bị hiểu nhầm trong việc đưa ra quyết định mua bán, sử dụng dịch vụ.
Trong khi đó, ngành bị khiếu nại nhiều nhất trong năm 2019 vẫn là "tài chính, bảo hiểm, ngân hàng", chiếm 41% trong tổng số khiếu nại, bỏ rất xa khoảng cách các ngành hàng khác cũng bị khiếu nại không ít là "điện thoại, viễn thông" (chiếm 18%), nhóm "đồ điện tử gia dụng" (chiếm 7%).
Đặc biệt, theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, lần đầu tiên trong giai đoạn cả năm, nhóm hàng "tài chính, bảo hiểm, ngân hàng" có tỉ lệ khiếu nại lớn hơn nhiều lần so với các nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại.
Chủ thể liên quan bị khiếu nại trong nhóm hàng này không chỉ có các ngân hàng, công ty tài chính mà trong đó bắt đầu xuất hiện sự liên quan của nhiều mô hình tư vấn cho vay trực tuyến (cho vay ngang hàng - P2P lending).
Các mô hình P2P lending hiện đang có sự phát triển mở rộng và gia tăng nhanh chóng cả về số lượng khách hàng lẫn giá trị giải ngân. Do đó, xu hướng gia tăng khiếu nại trong nhóm dịch vụ này cũng bị kéo theo hành vi thu nợ đe dọa, quấy rối.
Trần Vũ Nghi (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.