(GLO)- Gỗ lậu tập kết tại phà 6-sông Pô Cô, xã Ia O, huyện Ia Grai (Gia Lai) là loại gỗ hương- loại gỗ được nhiều nơi săn tìm. Làng Bi trở thành nơi mua bán sôi động, ngày ngày, người mua, người bán tập nấp. Nhiều hộ dân sẵn sàng bỏ ra vài trăm triệu đồng để mua gỗ tận gốc rồi tìm người bán kiếm lời.
Lần theo dấu vết
Sau một ngày tìm hiểu tại khu vực phà 6 và điểm tập kết gỗ tại làng Bi, lúc này trời nhá nhem tối, những chuyến xe mô tô chở gỗ từ bến phà vẫn hoạt động trong tiếng động cơ ầm ỉ ngay khu vực biên giới. Tại làng Bi, hàng trăm hộp gỗ hương được chất thành đống lớn ở một khoảnh đất trống giữa làng. Một địa điểm khác là Nhà Văn hóa xã Ia O, không hoạt động, cũ nát trở thành địa điểm cất giấu gỗ hoặc là nơi để chứa những chiếc xe ô tô cũ chờ vào đêm để hoạt động như những chiếc xe ma.
Gỗ lậu được tập kết tại một nhà dân tại xã Ia O. Ảnh: N.G |
Khi các xe mô tô vẫn tiếp tục chở gỗ, thì bất chợt có một chiếc ô tô loại bán tải BKS 81C-..0.69 chạy đến và dừng lại ngay đống gỗ lớn, từ trên xe có 3 thanh niên bước xuống và trò chuyện với một người đàn ông đứng tuổi đang trông gỗ tại đây. Theo tìm hiểu của P.V thì đó là nhóm “đệ tử” của bà Huệ (một đầu nậu mua bán gỗ sinh sống tại TP. Pleiku) vào làng để đo số gỗ vừa chuyển về.
Tất cả số gỗ nói trên được chất đầy lên nhiều chiếc xe ô tô loại 12 chỗ được gia cố bằng khung thép, các xe gỗ này lại tiếp tục hành trình vận chuyển gỗ lậu trong đêm khuya về các đầu mối, các địa điểm tập kết gỗ đã được chỉ định trước với sự điều hành của một hoặc vài chiếc xe dẫn đường. Nhiều lần theo dõi, những chiếc xe ô tô bán tải ngoài việc dẫn đường, thì chúng còn chở luôn nhiều lượt gỗ chủ yếu là loại gỗ mặt có bề rộng 30-40 cm.
Từ làng Bi các xe ô tô chở gỗ phóng như bay về hướng trung tâm thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, thật khó để P.V có thể tiếp cận được bằng phương tiện xe mô tô. Sau nhiều ngày nắm địa bàn và điều tra, toàn bộ số gỗ tại phà 6 được một mình bà Huệ thâu tóm, nếu ai muốn mua hay làm giá thì đều phải qua người này. Những phu gỗ của làng đều rất uy tín với nhau, một khi đã nhận tiền làm cho ai thì họ không thể bán cho người khác dù giá có thể trả cao hơn.
Cách thức hoạt động của đường dây kinh doanh gỗ lậu này theo một quy luật nhất định: Sau khi số gỗ về làng được đưa lên xe chuyên chở, 1 chiếc ô tô bán tải lại tiếp tục nhiệm vụ canh đường, thông báo đến những chiếc xe khác để né trạm nếu đường bị “động”.
Phu gỗ vận chuyển gỗ lậu từ bến sông Pô Cô về làng. Ảnh: N.G |
Từ điểm tập kết gỗ làng Bi về đến TP. Pleiku, các xe đều hướng theo đường tỉnh lộ 664. Các xe phải qua sự kiểm soát của các đội kiểm tra lưu động, mật báo từ kiểm lâm địa bàn, nhưng 2 chốt quan trọng nhất là chốt liên ngành đóng ngay trên tỉnh lộ 664 và Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai. Khi chốt liên ngành hoạt động, hoặc xe dò đường nhận được tin báo, các xe gỗ sẽ lập tức tìm cách né trạm, chuyển hướng lái sang đường chợ 705 qua rừng cao su rồi thoát ra từ ngã ba xe tăng, quãng đường này dài chừng 10 km nhưng lại rất khó di chuyển.
Điểm cuối khi xe gỗ lậu qua huyện Ia Grai là Hạt Kiểm lâm huyện thì không mấy “xe ma”quan tâm, và cứ thế, các xe ô tô chất đầy gỗ bất hợp pháp lao vun vút về thành phố mà không hề gặp phải một trở ngại nào trong suốt thời gian P.V theo dõi.
Gỗ lậu về đâu?
Loại gỗ hương, mặt hàng được nhiều người tìm kiếm luôn có tại bến sông Pô Cô. Ảnh: N.G |
Sau khi các chốt kiểm tra và Hạt Kiểm lâm “bất động”, nhiều chuyến xe gỗ vượt qua thị trấn Ia Kha hướng thẳng về TP Pleiku. Từ làng Bi về đến địa điểm Nghĩa trang TP. Pleiku chừng 100 km, các xe này liên tiếp tăng tốc. Tại thời điểm PV ghi nhận, tốc độ di chuyển của những chiếc xế gỗ phải trên 100 km/giờ, riêng tại những góc cua thì tốc độ có giảm nhưng không đáng kể.
Khi các xe gỗ về đến Nghĩa trang TP. Pleiku, họ thường chia làm 2 hướng, nếu xe rẽ về xã Gào sẽ đến các xưởng mua, tập kết gỗ lậu khá quy mô như Quyết Thắng (Diên Phú), Vân Mập (đường Trường Chinh, phường Chi Lăng), Hoàng Nam (thôn Plei Do, xã Chư Á). Và nếu xe tiến thẳng về hướng trung tâm TP. Pleiku thì sẽ tấp vào các điểm trên đường Lê Duẩn, Trường Chinh… những nơi này, có nơi đề bảng hiệu công ty nọ kia, nhưng thực tế thì hoàn toàn khác.
Nếu là gỗ tạp vận chuyển từ hướng huyện Sa Thầy- Kon Tum theo đường sông hoặc đường bộ sẽ được tập kết và vận chuyển về các điểm tại các xã Ia Krai, huyện Ia Grai, còn với tất cả các loại gỗ hương lớn, nhỏ gồm các loại hàng mặt, hàng hộp sẽ được đưa lên xe chuyển về các xưởng do các đầu nậu “có máu mặt” tại khu vực TP. Pleiku thao túng.
Ngoài đường dây gỗ lậu tại tuyến biên giới sông Pô Cô với các loại gỗ hương và hướng Sa Thầy (Kon Tum) chạy hàng được cho là tạp như bằng lăng, sao sanh, gõ… thì ở một hướng khác là tuyến biên giới Đức Cơ, có không ít lần cơ quan công an phối hợp chặn bắt được những chiếc xe gỗ lậu với khối lượng lớn. Còn ngành chức năng là Hạt Kiểm lâm tại đây dường như ít phát hiện các vụ việc như thế này.
Đó là chưa kể đến một đường dây ngầm vận chuyển gỗ lậu vô cùng lớn, tương ứng với đó loại xe không hề nhỏ hoạt động thường xuyên qua lại khu vực biên giới. Qua nhiều lần tiếp cận, nhưng với cách hoạt động công khai giữa sự giám sát chặt chẽ nên đường dây gỗ lậu vượt biên ở khu vực của khẩu này chúng tôi chỉ ghi nhận bước đầu tại biên giới, riêng nơi nhập vẫn là địa bàn TP. Pleiku để đi nơi khác như bao chuyến xe gỗ lậu khác.
Nguyễn Giác