Bà Nguyễn Thanh Phượng không nhận thù lao, Cường đôla ăn lương mấy triệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Việt gánh vác trách nhiệm ngàn tỷ, lèo lái các doanh nghiệp nổi tiếng trong nước nhưng đang hưởng mức lương thấp khó tin, chỉ vài triệu; thậm chí còn không nhận thù lao.


Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên Tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết vừa thông qua mức thù lao của lãnh đạo tập đoàn. Theo đó, thù lao trong năm 2017 cho Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các thành viên HĐQT là 5 triệu đồng/người/tháng.

Ban Tổng Giám đốc hưởng lương, thưởng theo thỏa thuận trong Hợp đồng lao động và không có chế độ thù lao. Đối với Ban kiểm soát, hiện công ty có 3 thành viên, có thù lao 2017 cũng rất thấp: 5 triệu đồng/người/tháng cho Trưởng Ban kiểm soát và 2 triệu đồng/người/tháng cho kiểm soát viên.

Ngoài tiền thù lao được nhận, các thành viên trong HĐQT, Ban Giám đốc và Ban kiểm soát đều được hưởng các chế độ đãi ngộ khác như bảo hiểm sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ, phụ cấp điện thoại di động, ưu đãi khi sử dụng dịch vụ của tập đoàn và các công ty thành viên,...


 

Ông Trịnh Văn Quyết
Ông Trịnh Văn Quyết



Mặc dù lương thấp nhưng các sếp tại công ty của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đang vận hành một doanh nghiệp có quy mô lên tới gần 7 ngàn tỷ đồng, với rất nhiều dự án lớn.

Nhiều doanh nhân khác cũng có mức thù lao thấp cho dù cũng đang vận hành những doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thanh Phượng và dàn lãnh đạo Chứng khoán Bản Việt (VCSC) có “truyền thống” hiếm có trong làm ăn là không nhận thù lao. Cụ thể, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Phượng và các thành viên HĐQT không nhận thù lao năm 2018, giống như các năm trước, không vì một lý do gì cụ thể.

Trong khi HĐQT không nhận thù lao, mức thưởng cho Ban Tổng Giám đốc năm 2018 là 8% trên phần lợi nhuận trước thuế (đã thực hiện) vượt 680 tỷ đồng. Ban Kiểm soát sẽ nhận tổng mức thù lao năm nay là 180 triệu đồng cho 3 thành viên gồm: Trưởng Ban Kiểm soát (1 người) 7 triệu đồng/tháng; Thành viên Ban Kiểm soát (2 người) 4 triệu đồng/tháng.


 

 Cường đô-la và Đàm Thu Trang
Cường đô-la và Đàm Thu Trang



Tại CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG), ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla), phó tổng giám đốc, sở hữu số lượng cổ phần ít và lương cũng rất thấp. Trong nhiều năm, ông Cường chỉ được trả lương vài triệu đồng. Năm 2015, lương bình quân của ông Cường và dàn lãnh đạo QCG tăng mạnh nhưng cũng chỉ được 12 triệu đồng/tháng.

Thu nhập bình quân của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc đạt hơn 12 triệu đồng một tháng.

Trước đó, nhiều lãnh CTCP Đầu tư Xây dựng thương mại Dầu khí IDICO hưởng mức lương 3-5 triệu đồng/tháng. Trưởng BKS DN hưởng lương 3 triệu đồng/tháng/người, trong khi thành viên chỉ 1,5 triệu đồng.

CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử - Viễn thông (ELC) cũng chi trả mức mức thù lao từ 3-5 triệu đồng/tháng/người. CTCP dịch vụ ôtô Hàng Xanh (HAX) cũng đã có thời kỳ trả lương vài triệu đồng cho BKSS và HĐQT không được nhận thù lao.

Ở chiều ngược lại, không ít lãnh đạo chia nhau lương thưởng trị giá nhiều tỷ đồng.

Dàn lãnh đạo FPT nhiều năm nhận mức lương trung bình 250 triệu/tháng. Lãnh đạo Vinamilk thu nhập bình quân mỗi tháng trên 400 triệu đồng. Sếp Tổng công ty Cảng Hàng không (ACV) nhận lương trăm triệu mỗi tháng,...

Ông Lê Phước Vũ, chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen (HSG) năm 2015 thu về 110 tỷ đồng tiền mặt và 22 triệu cổ phiếu, chưa kể khoản thu nhập gần 130 triệu đồng mỗi tháng,... Tập đoàn Đại Dương (OGC) trả thù lao tăng gấp 10 lần năm trước, lên 1,2 tỷ đồng cho chủ tịch do DN lãi lớn. Chủ tịch Tổng công ty Khí Việt Nam - PVGAS (GAS) năm trước cũng được trả trên 70 triệu đồng/tháng, trong khi VinaCafé Biên Hòa nhận thù lao 150 triệu đồng...

H.Tú (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.