Ảnh hưởng dịch COVID-19: Doanh nghiệp xuất khẩu Đắk Nông gặp khó vì hàng tồn kho

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Đối tác Trung Quốc ngưng nhập hàng, nên hàng tồn kho nhiều. Ảnh: LX
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, hiện nay doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ở Đắk Nông như ngồi trên đống lửa do khối lượng tồn kho tương đối lớn, nhất là những doanh nghiệp phụ thuộc vào đối tác Trung Quốc.
Theo ông Lê Minh Tuấn -  Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), một số doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19, nên việc xuất khẩu hàng hóa tạm thời đang ngưng trệ.
“Dịch bệnh COVID-19 kéo dài, đối tác Trung Quốc ngưng nhập hàng, nên hiện số lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ở Đắk Nông tương đối lớn” -  ông Tuấn chia sẻ.
Công ty TNHH Hồng Đức tại huyện Đắk R’lấp có gần 60% sản phẩm hạt điều rang muối xuất sang thị trường Trung Quốc.
Do tác động của dịch bệnh COVID-19, nên hiện tại, doanh nghiệp đang còn gần 30 tấn điều rang muối tồn kho, với tổng trị giá 7 tỉ đồng.
Đây là số hàng đã được đối tác Trung Quốc đặt cọc 50% để sản xuất và giao trong tháng 2, nhưng không được diễn ra như mong muốn. Điều đáng chú ý là do sản phẩm hạt điều rang muối chỉ có thị trường Trung Quốc tiêu thụ, nên số hàng tồn này, công ty hiện không thể xuất đi nơi khác được.
Ông Võ Quang Trực - Phó Giám đốc Nhà tinh bột sắn Đắk Song có trụ sở tại thôn 11, xã Nâm N Jang, huyện Đắk Song cho biết, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do đối tác phía Trung Quốc ngưng nhập hàng.
Hiện nay, 80% sản phẩm của nhà máy đang được xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc, còn lại là thị trường nội địa.
“Trước tình hình dịch bệnh COVID-19, ở nhà máy đang có khoảng 2.000 tấn bột sắn tồn kho. Hàng không xuất được, vốn không thể lưu động đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề thu, mua nguyên liệu và hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà máy” - ông Trực cho hay.
Tìm cách tháo gỡ
Dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, lây nhiễm rất nhanh tại Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới. Dịch bệnh có tác động toàn diện ở tất cả các mặt từ y tế, giao thông, du lịch, giáo dục, thương mại... Ở Đắk Nông, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Tuấn cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo cho các đơn vị, lực lượng chức năng tại các cửa khẩu Đắk Per (Đắk Mil), Bu P’răng (Tuy Đức) thường xuyên duy trì hoạt động, không để ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu cũng như sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Sở cũng đã kịp thời thông tin cho các doanh nghiệp sớm nắm bắt và chủ động về thị trường. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, ngành cũng có văn bản gửi cho UBND các huyện, thành phố, các ngành liên quan để phối hợp cung cấp thông tin về thị trường nông sản.
Qua đó, ngành sẽ có văn bản đề nghị với Sở Công Thương thành phố Hà Nội để kết nối, hỗ trợ về thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp trên địa bàn trong thời gian này.
Bảo Trọng (LĐO)

Có thể bạn quan tâm