4 loại thảo dược tốt cho gan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh các loại thảo dược có thể giúp kiểm soát nhiều bệnh. Với gan, một số loại thảo dược tự nhiên thực sự có thể giúp cải thiện sức khỏe của gan. Để đảm bảo sức khỏe tối ưu, người dùng hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thảo dược nào.

Rất nhiều người đang sống với các bệnh về gan như xơ gan, gan nhiễm mỡ không do rượu bia, bệnh gan do rượu bia, suy gan, viêm gan và ung thư gan, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).

Các yếu tố phổ biến dẫn đến bệnh gan gồm uống nhiều rượu bia, tiểu đường, béo phì, huyết áp cao, tăng nồng độ cholesterol trong máu, virus và một số nguyên nhân khác. Có nhiều phương pháp điều trị gan gồm dùng thuốc, liệu pháp miễn dịch, dinh dưỡng, thay đổi lối sống, phẫu thuật, thậm chí cắt bỏ một phần gan hay ghép gan.

Ngoài các phương pháp điều trị trên, người bệnh còn có thể sử dụng một liệu pháp thay thế, chẳng hạn dùng thảo dược. Thống kê cho thấy khoảng 65% người mắc bệnh gan ở Mỹ và châu Âu đang dùng các sản phẩm làm từ thảo dược. Các loại thảo dược có thể giúp cải thiện sức khỏe gan gồm:

Cam thảo

Cam thảo là loại thảo dược có dược tính mạnh. Rễ cam thảo được chứng minh có tác dụng chống viêm, kháng virus và bảo vệ gan. Thành phần hoạt chất chính trong rễ cam thảo là hợp chất saponin glycyrrhizin được y học cổ truyền của nhiều nước dùng để trị bệnh, trong đó có cả bệnh gan.

Nhân sâm

Nhân sâm là loại thảo dược có đặc tính kháng viêm mạnh mẽ. Một số nghiên cứu trên người cho thấy nhân sâm có thể giúp cải thiện chức năng gan, giảm mệt mỏi, viêm nhiễm ở những người mắc bệnh gan và rối loạn chức năng gan.

Khi được dùng riêng biệt thì nhân sâm tương đối an toàn với với sức khỏe gan. Tuy nhiên, các dược chất trong nhân sâm có khả năng phản ứng với thuốc, dẫn đến nguy cơ tổn thương gan và tác dụng phụ. Do đó, người bệnh khi đã dùng thuốc thì không nên tự dùng nhân sâm mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

Nghệ

Thành phần hoạt chất chính của nghệ là curcumin. Loại hợp chất này mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe, từ kháng viêm, chống ô xy hóa đến ngăn ngừa ung thư.

Hợp chất curcumin trong nghệ được chứng minh giúp giảm dấu hiệu viêm và tổn thương gan. Ảnh:SHUTTERSTOCK
Hợp chất curcumin trong nghệ được chứng minh giúp giảm dấu hiệu viêm và tổn thương gan. Ảnh:SHUTTERSTOCK

Một nghiên cứu tiến hành trên 70 người bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu bia cho thấy dùng mỗi ngày 500 mg curcumin và 5 mg piperine trong 12 tuần sẽ giúp giảm nồng độ cholesterol có hại LDL, giảm các dấu hiệu viêm và tổn thương gan. Piperine là một hợp chất có trong hạt tiêu đen giúp tăng cường hấp thụ curcumin.

Trà xanh

Về mặt kỹ thuật, trà xanh không được xem là thảo dược. Tuy nhiên, trà xanh và các hợp chất trong trà như epigallocatechin-3-gallate (EGCG) lại nằm trong nhóm các phương pháp điều trị bằng thảo dược cho các bệnh về gan.

Một số nghiên cứu phát hiện các chất chiết xuất từ trà xanh có thể giúp cải thiện bệnh gan. Chẳng hạn, một nghiên cứu kéo dài 12 tuần đã yêu cầu những người bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu bia bổ sung 500 mg/ngày chất chiết xuất trà xanh. Kết quả cho thấy các dấu hiệu tổn thương gan đã giảm đáng kể. Uống trà xanh cũng được chứng minh là có thể giúp chống lại các vấn đề về gan khác như ung thư gan, viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ và bệnh gan mãn tính.

Cuối cùng, một điều mọi người cần lưu ý là tùy vào cơ địa, tình hình sức khỏe, tương tác với thuốc và mức độ dùng mà một thảo dược có thể cải thiện sức khỏe gan nhưng cũng có thể gây tác dụng phụ, làm tổn thương gan. Do đó, điều quan trọng là không nên tự ý dùng thảo dược hay bất kỳ sản phẩm nào có nguồn gốc thảo dược mà chưa tham khảo ý kiến bác sĩ, theo Medical News Today.

Có thể bạn quan tâm

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ (táo tàu) từ lâu đã được xem là một loại ‘thần dược’ với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe như bổ máu, an thần, tăng cường miễn dịch,…Tuy nhiên, một số người cần đặc biệt thận trọng hoặc tránh xa táo đỏ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.