"Chuyển dịch" gu uống cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại Gia Lai, bên cạnh ly cà phê pha phin truyền thống, gần đây bùng nổ thêm cách uống cà phê pha máy, hay còn gọi là espresso-cách pha và uống cà phê kiểu Ý. Có thể nói văn hóa cà phê thế giới đã “du hành” vào đời sống bản địa và được đón nhận theo cách riêng, tạo nên sự khác biệt trong văn hóa cà phê ở cao nguyên Pleiku.

Thưởng thức cà phê kiểu Ý

Espresso là một cách pha cà phê bằng máy dưới áp suất của hơi nước ở nhiệt độ sôi 200-220 độ C. Nhưng chính sự phức tạp trong pha chế và mức độ phổ biến rộng rãi trên toàn cầu của cách pha cà phê này mà người ta gọi thành tên một loại thức uống: cà phê espresso, hoặc cà phê pha máy. Espresso bắt nguồn từ tiếng Ý, mang hàm ý là cà phê phục vụ nhanh, tức thời, có thể đáp ứng hoàn hảo cho cuộc sống bận rộn. Khi cà phê espresso ngày càng phổ biến tại Gia Lai, có người đặt câu hỏi phải chăng nhịp sống ở đây đã chuyển động nhanh hơn, ngày càng nhiều người bận rộn, phải tìm đến thức uống được phục vụ tức thời này thay vì bỏ thời gian nhâm nhi một phin cà phê truyền thống.

Tuy nhiên, có lý do khác thuyết phục hơn khiến các “tín đồ” vốn trung thành với cà phê phin truyền thống đã chuyển qua uống espresso. Anh Phạm Hoàng Trung (đường Đinh Tiên Hoàng, TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi chuyển qua uống espresso 2 năm nay vì tâm lý lo ngại cà phê “bẩn”. Không ai biết được người ta trộn thứ gì trong phin cà phê của mình. Còn uống cà phê pha máy tôi hoàn toàn yên tâm đó là cà phê”.
 

  Cà phê pha máy đang trở thành xu hướng trong văn hóa cà phê.
Cà phê pha máy đang trở thành xu hướng trong văn hóa cà phê.

Cùng tâm lý sợ cà phê trộn, cà phê bẩn như anh Trung mà rất nhiều “tín đồ” cà phê truyền thống đã chuyển gu uống sang cà phê pha máy. Chính hương vị mộc mạc của cà phê được giữ lại nguyên vẹn trong mỗi tách espresso đã dần chinh phục khẩu vị của người sành cà phê. “Ban đầu chuyển qua uống espresso, tôi không quen vị lắm, nhưng dần dà lại yêu thích cách uống này, nhất là hương thơm dậy lên của cà phê vừa xay. Bạn sẽ thưởng thức được vị cà phê một cách nguyên bản, mộc mạc nhất”-anh Trung nói.

Chị Hồng Hạnh-chủ quán Classic Coffee (32 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku) cho biết, kỹ thuật pha một ly espresso tương đối phức tạp. Ngoài thao tác nhanh và chuẩn xác, người pha phải có sự cảm thụ đặc biệt về cà phê. Vì thế, pha một ly espresso hoàn hảo là cả một nghệ thuật. “Đặc biệt, hạt cà phê dùng để pha espresso cũng phải trải qua quá trình rang, xay đúng tiêu chuẩn mới có thể dùng để pha máy. Cà phê phải đảm bảo được rang mộc, không pha độn bất kỳ thứ gì, ngay cả một chút bơ. Vì thế, pha cà phê bằng máy là một bảo chứng cho độ sạch của cà phê. Và sản phẩm cuối cùng là tách espresso giữ nguyên được sự tinh tế từ hương thơm lẫn vị cà phê đọng lại sau cùng trong vị giác của người thưởng thức”-chủ quán Classic Coffee cho biết.

Sự giao lưu văn hóa cà phê tại Phố núi

Cách đây vài năm, ở Pleiku mới chỉ lác đác một vài quán cà phê trang bị máy pha espresso. Đầu tiên phải kể đến các quán Classic Coffee, Glory, Guu, Thanh Thủy với những máy pha cà phê công suất lớn có giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng. Nhưng nay, máy pha cà phê kiểu Ý đã phổ biến tới mức, quán cà phê nào mới mở ra mà không trang bị máy pha espresso đã bị xem là lạc hậu. Nhiều quán cà phê lớn trước đây kiên quyết trung thành với cà phê pha phin truyền thống cũng đã phải nhìn nhận lại trước sự xâm nhập của văn hóa cà phê đang được ưa chuộng trên thế giới để trang bị thêm máy pha.

Chủ quán cà phê Glory trên đường Lê Hồng Phong cho biết, thực khách uống cà phê espresso đã phổ biến tới mức, cứ 10 khách vào uống cà phê sẽ có 5 người gọi espresso. “Trước đây mỗi sáng, chúng tôi thường ủ khoảng 100 phin cà phê. Dù lượng khách ổn định nhưng hiện nay, lượng cà phê pha phin đã giảm chỉ còn một nửa, khoảng 40-50 phin. Một nửa trong số đó đã chuyển qua uống cà phê pha máy”. Chủ quán này cũng nhận xét, những “tín đồ” cà phê chuyển gu uống từ pha phin truyền thống sang pha máy không chỉ có những người bận rộn, họ chọn một cách thưởng thức khác, nhanh mà vẫn rất tinh tế.

“Xu hướng uống cà phê espresso hiện nay không chỉ phổ biến ở TP. Pleiku mà đã lan sang các thị tứ xung quanh, thậm chí ở các huyện vùng sâu, vùng xa”-đó là nhận xét của chủ thương hiệu cà phê Classic trong quá trình lắp máy pha espresso và cung cấp cà phê cho các quán mới mở ở các huyện, thị xã. Theo đại diện thương hiệu cà phê này, Classic Coffee nhận lắp máy, cung cấp cà phê hạt và hướng dẫn pha chế cho rất nhiều địa phương như An Khê, Chư Prông, Ia Grai, Đak Đoa. Điều đó chứng tỏ thưởng thức cà phê kiểu Ý đang là một xu hướng, đã bùng nổ ở các thành phố lớn từ lâu và hiện nay được các tín đồ cà phê tại Gia Lai đón nhận mạnh mẽ.

Sự giao lưu văn hóa cà phê Đông-Tây diễn ra rất rõ nếu bạn lướt qua các bàn cà phê mỗi sáng. Cùng trên một bàn cà phê sẽ có cả những ly cà phê pha phin đặc sánh cạnh những ly espresso bốc khói. Cái thi vị của việc ngồi nhâm nhi một ly cà phê truyền thống có bị mất đi khi văn hóa cà phê thế giới “du hành” mạnh mẽ vào đời sống cà phê? “Chắc chắn là không, nó chỉ làm nên sự thi vị khác cho văn hóa cà phê. Cà phê pha phin vẫn có đặc trưng riêng không thể trộn lẫn trong không gian cà phê tại Phố núi”-chủ quán Classic Coffee khẳng định.

 Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Săn mây ở Tu Thó

Săn mây ở Tu Thó

Mỗi lần đến khu tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum), tôi đều mang một cảm xúc mới.
Tour đường bộ 'lên ngôi'

Tour đường bộ 'lên ngôi'

Thay vì ngồi nhà nuối tiếc kỳ nghỉ lễ 5 ngày do giá vé máy bay quá cao, nhiều gia đình chọn chuyển hướng thuê xe hoặc tự lái xe tới các điểm du lịch gần để không bỏ lỡ 5 ngày nghỉ dịp lễ 30.4 - 1.5.