Ngành Ngân hàng: Chú trọng các lĩnh vực kinh tế trọng tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2017, ngành Ngân hàng xác định tập trung tăng trưởng tín dụng hợp lý ở các lĩnh vực, trong đó chú trọng đầu tư cho nông nghiệp nông thôn (NNNT), nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa…

“Bơm” vốn cho nông nghiệp nông thôn

Đầu tư tín dụng cho “Tam nông” luôn chiếm ưu thế khi thời gian qua các ngân hàng thương mại đã tích cực “bơm” vốn cho hộ sản xuất và doanh nghiệp tham gia phát triển lĩnh vực này, góp phần làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Đến cuối năm 2016, dư nợ cho vay NNNT theo Nghị định 55 đã đạt 27.583 tỷ đồng (chiếm hơn 41,3%/tổng dư nợ) với 88.049 khách hàng còn dư nợ. Bà Bùi Thị Năm-Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Gia Lai cho biết: Dư nợ cho vay hộ sản xuất chiếm đến 80% tổng dư nợ của Chi nhánh. Điều này cho thấy, với cơ cấu hợp lý, tín dụng NNNT luôn là trọng tâm và định hướng đầu tư lâu dài.

 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành: Trong năm 2017, ngành Ngân hàng tiếp tục là trung tâm điều phối dòng tiền đầu tư phát triển kinh tế tại địa phương, mạnh dạn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực tiềm năng; trong đó chú trọng đầu tư vốn cho nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, phát triển du lịch. Riêng vấn đề hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, các ngân hàng cần nghiên cứu ổn định lãi suất, tiếp tục hỗ trợ để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển.

Tương tự, theo ông Lý Anh Đào-Giám đốc SHB Gia Lai, năm qua, 69%/tổng dư nợ Chi nhánh tập trung cho tín dụng cá nhân, trong đó vốn cho NNNT chiếm tỷ trọng lớn. Tuy món vay nhỏ lẻ nhưng đầu tư cho NNNT mang lại hiệu quả cao, bền vững, đảm bảo khả năng thu hồi vốn.

Tín dụng đầu tư NNNT được nhiều ngân hàng triển khai khá mạnh mẽ, mức tăng trưởng đến cuối năm 2016 đạt 31%. Khu vực NNNT được nhiều ưu tiên về vốn qua những hỗ trợ về lãi suất từ các chương trình cho vay tái canh cà phê, cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch, cho vay theo chuỗi liên kết tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm… Với những lợi thế đó, nhiều chương trình, dự án, mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, cơ giới hóa nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, hình thành nhiều vùng chuyên canh quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến, góp phần nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản của tỉnh, cải thiện đời sống người dân làm nông nghiệp.

Tiếp sức cho hoạt động sản xuất kinh doanh

Cùng với NNNT, điểm nổi bật trong công tác tín dụng của ngành Ngân hàng đó là việc điều hành chính sách tín dụng hướng đến sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai nhận định: Các chương trình, chính sách tín dụng trọng tâm theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được các ngân hàng thương mại tích cực triển khai theo chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa; bảo đảm đầu tư tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt ưu tiên vốn cho sản xuất kinh doanh, vốn cho các dự án đầu tư được tập trung xuyên suốt. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại còn tích cực hỗ trợ cho vay các khách hàng bị thiệt hại do hạn hán kéo dài để khôi phục sản xuất.

Tuy nhiên, giá cả một số mặt hàng nông sản biến động, gây ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng; việc triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi còn gặp trở ngại, dẫn đến kết quả cho vay đạt chưa cao. Để tiếp tục tháo gỡ các rào cản, theo ông Nguyễn Văn Cư, ngành Ngân hàng sẽ chủ động duy trì kế hoạch làm việc với cấp ủy, chính quyền một số huyện, thị xã, thành phố để nắm bắt tình hình cụ thể về nhu cầu vốn, có biện pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh “bơm” vốn cho sản xuất kinh doanh.

Trong điều kiện nền kinh tế còn khó khăn, việc tiếp sức cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp còn thể hiện ở việc điều chỉnh giảm lãi suất. Trong cơ cấu dư nợ tín dụng, dư nợ lãi suất từ 13% trở xuống chiếm đến 99,7% tổng dư nợ; trong đó dư nợ lãi suất dưới 9% chiếm 36,5%, dư nợ lãi suất 9-11% chiếm 54,4%, dư nợ lãi suất 11-13% chiếm 8,8%, trên 13% chỉ còn chiếm 0,3% tổng dư nợ. Ngoài ra, việc cơ cấu lại nợ đã giúp cho nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa có cơ hội tiếp cận vốn vay, giảm chi phí đầu vào, từ đó ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

Vũ Thảo

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.