Nước mắt người trồng dưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ sau một trận lũ, cả gia tài của người nông dân trồng dưa tại khu vực Đông Nam tỉnh đã bị cuốn theo dòng nước. Trên cánh đồng, chỉ còn những trái dưa thối lăn lóc và giọt nước mắt mặn mòi của những lão nông.

Não nề ngày nắng

Nắng đã trở về trên cánh đồng của xã Ia Tul (huyện Ia Pa) sau một tuần xám xịt bởi mưa lũ. Nắng về, nhưng trong lòng lão nông Lê Hồng Việt (63 tuổi, trú tại xã Phú An, huyện Đak Pơ) vẫn còn u ám lắm. Dòng nước đi rồi nhưng để lại trong ông một mối lo âu nặng trĩu. Trong căn chòi tuềnh toàng ở góc ruộng dưa, ông không biết làm gì hơn là ngồi chờ nắng. Nắng lên, ông có thể cuộn bạt, cuộn ống rồi khăn gói rời khỏi mảnh đất bên bờ sông Ba này. 3 tháng trước, ông cùng các con hăm hở khăn gói đến đây thuê đất với hy vọng về một vụ mùa bội thu, để chuẩn bị một cái Tết tươm tất cho gia đình. Ngày đi là vậy, nhưng ngày về với ông sao não nề quá. Ông bảo: “Mình đâu có dám gọi về nhà báo tin cho vợ đâu, nhưng không hiểu sao bả biết, bả buồn rồi đổ bệnh nằm li bì luôn…”.

 

Ông Việt buồn bã bên ruộng dưa chuẩn bị thu hoạch thì gặp lũ.             Ảnh: V.N
Ông Việt buồn bã bên ruộng dưa chuẩn bị thu hoạch thì gặp lũ. Ảnh: V.N

Không biết cái nắng oi ả làm ông cay mắt, hay nhìn những trái dưa nằm lăn lóc chờ thối mà ông rầu lòng muốn khóc. Lão nông đã gắn bó cả đời mình với nghề trồng dưa đã trải qua bao vụ mùa thất bát, đã bao lần thất thểu cuốn bạt trở về cũng không ngờ có lần mình phải chịu đắng cay thế này.

Mùa dưa năm trước, ông chọn vùng đất cát Pờ Tó (huyện Ia Pa) làm nơi trồng trọt. Khi dưa sắp thu hoạch thì gió mùa về, táp vào ruộng dưa rát rạt khiến cả ruộng hoang tàn. Giá dưa năm ấy rẻ như cho. Bán gần 3 ha dưa đi rồi mà ông vẫn lỗ hơn 100 triệu đồng. Hết vốn, ông đành phải vay ngân hàng 200 triệu đồng rồi gom góp tiền dành dụm cả năm để lên thuê đất tại cánh đồng xã Ia Tul. Đất đai phì nhiêu, 2,5 ha dưa trồng lên tươi tốt. Từ đầu mùa, cũng đã có 2 trận lũ do thủy điện xả nước đổ về, sông Ba vốn êm đềm bỗng trở nên dữ tợn lạ thường. Nhưng đỉnh điểm cũng chỉ làm ngập 2 luống dưa trong vườn.

Nước lên, rồi nước lại xuống, ông Việt thở phào nhẹ nhõm nhìn những trái dưa lớn dần chờ đến ngày thu hoạch. “Dưa lên tốt lắm, quả ra đều và đẹp, một ha mình thu phải từ 4-5 tấn. Cái giống Hắc Mỹ Nhân đợt này cũng đang được giá nữa, bán cả vườn chắc cũng thu lãi hơn trăm triệu đồng chứ chả chơi. Thế mà…”. Khi đang mơ về một cái Tết ấm no quây quần thì tai ương lại ập đến, lũ lại về trong khoảng thời gian không ai ngờ tới. Sống đến cái tuổi lục tuần rồi, ông Việt cũng chưa bao giờ gặp một trận lũ đến muộn như thế. Ruộng dưa chỉ còn chục ngày nữa là tiến hành thu hoạch của ông đã bị dòng nước “phủ đầu” tan tác. Tất cả chỉ còn một màu nước đục ngầu. Trong chòi cũng không còn tài sản gì đáng giá phải trông coi, nhưng nhìn dòng nước “nuốt chửng” ruộng dưa của mình, cha con ông Việt cứ đứng chôn chân dù nước đã bắt đầu đe dọa đến con người. Phải đến khi lực lượng cứu hộ mang ca nô đến kêu gọi, ông mới cùng các con rời đi giữa muôn trùng sông nước trong cái đêm tối mịt mùng ấy.

Gia sản trôi theo dòng nước

Hơn một ngày sau, nước bắt đầu rút và trả lại cho ông Việt một ruộng dưa tàn tạ. Lá dưa bị nước lũ quần thảo tơi tả, quả bị ngâm trong bùn cũng bắt đầu mốc trắng ở vỏ và thối từ trong ruột. Cuống dưa bị ngâm nước nay gặp nắng cũng bị mủn ra, chỉ cần cầm lên tay là quả đã tự động lìa cuống. Ông Việt buồn bã: “Cả gia sản hơn 300 triệu đồng đổ vào đây, chưa kể công sức của cha con tôi, mà giờ dưa chỉ vứt cho bò ăn chứ không biết làm gì hơn nữa. Mấy tháng liền chăm bẵm dưa như con của mình mà giờ tay trắng thế này đây”.

Cách căn chòi của ông Việt không xa là ruộng dưa 2,2 ha của ông Nguyễn Văn Đa (51 tuổi, trú tại xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Cả nhà ông Đa và những người làm thuê đang ngồi trên lớp bùn nhoe nhoét, trơn trượt đóng những bầu đất nhỏ để trồng lại lứa dưa mới. Ông kể: “Dưa mới trồng được gần 20 ngày, lên đẹp lắm, được 4 nhánh rồi vậy mà nước cuốn đi hết, ruộng giờ tan tác. Hôm nước lên cũng chỉ kịp chạy lấy người, nhờ ca nô vào cứu, còn phân bón bỏ lại giờ cũng bắt đầu hư rồi”.

Đã cất công từ miền xuôi lên vùng đất Tây Nguyên, ông quyết tâm làm lại từ đầu trên chính thửa đất ấy. Đất nhiễm nước lũ nên còn lạnh, ông buộc phải ươm hạt dưa vào bầu chứ không thể trồng trực tiếp như ban đầu, chờ cây dưa ổn định mới lại trồng xuống. “Đã mất trắng mấy ha dưa mới trồng rồi, giờ lại phải tốn công trồng dưa vào bầu nữa, đợt lũ này chắc tôi bị mất gần trăm triệu đồng. Năm nay nếu được mùa, có lẽ cũng không đủ để bù vào khoản lỗ này. Nông dân thì chỉ trông vào thời tiết, mà lũ lụt thế này thì chúng tôi biết phải làm sao…”-ông Đa than thở.

Rời những cánh đồng bát ngát trải dài bên bờ sông Ba, bước trên những luống dưa trơn nhẫy bùn đất, chúng tôi bỗng thấy rối bời suy nghĩ. Tết này, những lão nông ấy liệu có được những ngày đầm ấm?

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.