Giá cà phê lao dốc, nông dân gặp khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Liên tiếp trong những ngày đầu tháng 1-2016, giá cà phê nhân trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng liên tiếp lao dốc, chỉ còn 31.500 đồng đến 32.000 đồng/kg. Giá cà phê giảm làm cho doanh nghiệp xuất khẩu bất an và người trồng cà phê gặp khó.

Giá cà phê lao dốc không phanh

Trước khi bước vào thu hoạch niên vụ cà phê 2015-2016, cà phê nhân được các công ty xuất khẩu thu mua với giá 42.000 đồng/kg. Khi bước vào vụ thu hoạch, giá cà phê từ từ hạ thấp trong thời gian dài và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tính đến ngày 16-1-2016, giá cà phê được thu mua chỉ còn 31.700 đồng/kg. Với giá giao dịch hiện tại, các công ty xuất khẩu cà phê và cả người trồng cà phê gặp không ít khó khăn. Đây là giá cà phê thấp thất trong vòng 26 tháng qua. Sự đảo chiều của thị trường cà phê thế giới đã khiến cho một tấn cà phê bán ra trong nước bị “bốc hơi” gần 11 triệu đồng so với đầu vụ thu hoạch. Sự biến động giá với biên độ lớn trong thời gian ngắn đã làm cả người trồng và giới kinh doanh cà phê chao đảo, không kịp trở tay. 

 

Ảnh: Đ.T
Ảnh: Đ.T

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ đầu năm đến nay, giá cà phê liên tục giảm là do các quốc gia khác trên thế giới vào chính vụ thu hoạch cà phê và bán ra nhiều với giá cạnh tranh; trong khi đó chất lượng cà phê của Việt Nam không thể cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, như: Braxin, Colombia, Mexico, Ấn Độ... Đánh giá của Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam cho thấy: Niên vụ thu hoạch 2015-2016 là vụ cà phê “buồn” không chỉ của nông dân mà cả doanh nghiệp xuất khẩu. Nếu đầu vụ cà phê nhân bán với giá 42.000 đồng/kg và xuất khẩu trên 2.000 USD/tấn thì nay giảm tới 17% chỉ trong vòng 5 tháng. Hiện giá cà phê trong nước đang cao hơn quốc tế; nếu cho nông dân ký gửi nhiều, doanh nghiệp sẽ có nguy cơ bị lỗ. Vì vậy, một số đơn vị thu mua đang thận trọng hơn khi mua vào.

Nông dân và doanh nghiệp chao đảo

Diện tích cà phê của các doanh nghiệp và người dân đến nay cơ bản đã thu hoạch xong. Nhiều người không thể để cà phê tại nhà do thiếu chỗ chứa và sợ rủi ro về giá, không chốt được giá khi ký gửi tại các công ty cà phê và đại lý thu mua. Chị Huỳnh Thị Kim Phức, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, chia sẻ: Giá cà phê quá thấp nên năm nay lỗ nặng. Hiện gia đình tôi đang rất lo lắng vì hầu hết các đại lý trước đây nhận hàng ký gửi đều từ chối. Nguyên nhân, theo các đại lý là giá cà phê biến động thất thường đang có xu hướng đi xuống nên nếu nhận ký gửi nhiều họ sẽ bị lỗ.

Cùng chung cảnh ngộ, anh Trần Quang Hiếu, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê than thở: “Thu hoạch cà phê đã xong, giờ chuẩn bị cho mùa tưới và bón phân nhưng bán cà phê không được thì lấy đâu ra tiền để tái đầu tư. Nếu bán cà phê vào thời điểm hiện tại chắc chắn bị lỗ”. Để có tiền tái đầu tư cho niên vụ tiếp theo, anh Hiếu cũng như nhiều nông dân trồng cà phê quy mô nhỏ đành phải vay vốn ngân hàng đầu tư cho vườn cà phê. Điều này sẽ khiến người trồng cà phê gặp không ít rủi ro bởi vừa bị chịu lãi ngân hàng, vừa lo giá cà phê không tăng lên thì phải chịu thiệt kép. Chưa kể, việc trữ cà phê tại nhà thường không có kho chứa bảo đảm nên dễ bị hư hỏng.


Nhiều hộ dân không có kho bãi để trữ cà phê nên đã chọn hình thức ký gửi tại các đại lý thu mua nông sản chờ giá lên mới chốt giá bán. Điều này, một mặt giúp các đại lý có đủ nguồn hàng để xuất bán cho các công ty mẹ theo đúng thỏa thuận hợp đồng đã ký, nhưng mặt khác cũng tạo áp lực đối với doanh nghiệp khi giá cà phê “nhảy múa” như hiện nay. Lúc giá rẻ, nông dân ghim hàng, khi giá cao lên thì nông dân mới chốt giá bán. Khoản chênh lệch về giá thường do phía doanh nghiệp hứng chịu nên cũng gặp nhiều rủi ro.

Anh Sơn, chủ đại lý thu mua nông sản Sơn Nguyệt tại xã Ia Dêr, huyện Ia Grai nói: Hầu hết các doanh nghiệp đều xuất khẩu cà phê theo hợp đồng giao sau, chốt giá tại thời điểm giao hàng, căn cứ vào giá trên sàn giao dịch London. Phương thức này có một số rủi ro, như hiện nay giá cà phê trên sàn giao dịch London quá thấp ngoài dự báo, khiến nông dân không bán, các doanh nghiệp không có hàng để giao cho đối tác. Thậm chí, chúng tôi phải mua cao hơn giá xuất khẩu để có hàng giao, dẫn đến thua lỗ. Nếu thu mua với số lượng nhiều mà đến cuối kỳ giá lao dốc thì đại lý sẽ lỗ nặng, nên chúng tôi khá thận trọng trong thu mua. Tuy nhiên, người dân cũng vẫn nên thận trọng, tránh bán hàng ồ ạt. Vì nếu bán tháo sẽ khiến giá cà phê biến động.

Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm

Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

(GLO)- 

Bên cạnh nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn tại Lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui năm 2024 được UBND huyện Phú Thiện tổ chức trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Phiên chợ nông sản cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản vật đặc trưng của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.