Ý chí thép của "con lật đật"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lấy hoàn cảnh làm động lực, tuyệt đối không để 2 chữ “nản lòng” làm chùn bước, luôn luôn cố gắng không ngừng... tất cả đã giúp cho Nguyễn Thụy Lam Phương-Chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng Bảo Tiến ( 419 Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) có được thành công như ngày hôm nay.

Từ con số...  âm!

Với dáng người nhỏ bé, nhanh nhẹn và lúc nào nụ cười cũng nở trên môi, khó ai tưởng tượng được những khổ ải mà Phương đã trải qua. Có thể tính từ ngày Phương làm kế toán cho Nhà máy Đá granite Hoàng Anh Gia Lai. Tại đây, Phương đã gặp, yêu và kết hôn với một công nhân trong nhà máy, bất chấp sự phản đối của gia đình. Một năm sau khi lấy chồng, Phương sinh con và bắt đầu chuỗi ngày bị bạo hành cả về tinh thần lẫn thể chất do người chồng của Phương ham ăn nhậu hơn là ham làm. Năm 2005, Phương nộp đơn ly hôn. Trớ trêu là trước ngày ra tòa, chồng Phương, trong một lần nhậu xỉn đã đâm chết người và bị bắt vào tù.

 

Lam Phương trong một chuyến tặng quà cho trẻ em vùng sâu, vùng xa. Ảnh: H.D
Lam Phương trong một chuyến tặng quà cho trẻ em vùng sâu, vùng xa. Ảnh: H.D

“Mình nghỉ việc ở Hoàng Anh Gia Lai và xin vào làm ở một công ty cũng sản xuất đá granite ở Khu Công nghiệp Trà Đa. Nhà mình lúc ấy rất nghèo, nghèo xơ xác, con lại nhỏ, chồng bị bắt vào tù, có cái xe máy để đi làm thì chồng đã cắm mất, vậy là phải đi nhờ xe của những người làm cùng. Sau một thời gian, mình được công ty chuyển về làm văn phòng tại đường Phan Đình Phùng. Và mình đến văn phòng bằng cách... đi bộ. Áp lực về tài chính buộc mình phải làm thêm bên ngoài”-Phương cho biết. Và cuộc khởi nghiệp đầy quyết tâm của người mẹ trẻ gầy gò (lúc này nặng chỉ 35 kg) bắt đầu từ đó.

Công ty Phương đang làm lúc đó, ngoài sản xuất đá granite còn nhận cung cấp đá và thi công các công trình xây dựng. Có những công trình quá nhỏ như thi công bếp, nhà vệ sinh..., công ty không nhận làm thì Phương đứng ra nhận và hợp tác với thợ để làm. Lấy công làm lời, góp gió thành bão, từ những đồng lời ít ỏi đầu tiên đó, Phương mua được 1 chiếc xe Wave Trung Quốc để làm phương tiện đi lại. Nghề nào cũng có rủi ro, làm “cò con” như Phương cũng không tránh khỏi khi trong một lần nhận thi công một công trình, người thầu đá ôm tiền chạy mất, vậy là chiếc Wave sắm được vài tháng đã bị bán để trả nợ. Và Phương lại... đi bộ.

 

KINH NGHIỆM KHỞI NGHIỆP CỦA NGUYỄN THỤY LAM PHƯƠNG:


“Các bạn trẻ bây giờ đa số cứ nghĩ phải có số tiền lớn mới làm ăn được, trong khi mình bắt đầu từ con số âm, nợ nần chồng chất. Nhưng lúc còn làm thuê, mình đã làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất, nắm rõ công việc mình làm, đó chính là những kinh nghiệm đầu tiên cho công việc sau này. Và dù làm công việc gì, muốn thành công, bắt buộc bạn phải có ý chí, đủ quyết tâm, dám bươn chải, không ngại khó ngại khổ”.

Qua cơn bĩ cực

Vừa bắt đầu đã thất bại, nhưng điều này hoàn toàn không làm cho người mẹ trẻ 24 tuổi nản lòng, mà ngược lại, với cô đó là kinh nghiệm, là động lực để tiếp tục cố gắng. Tuy vẫn chưa kiếm được nhiều tiền, nhưng những công trình Phương nhận dần dần lớn hơn, kinh nghiệm nhiều hơn, có thêm những mối quan hệ mới. 2 năm sau, Phương nghỉ việc khi mức lương 1,5 triệu đồng mỗi tháng không đủ chi tiêu. Sau khi nghỉ việc, Phương kết hợp với người bạn mở cửa hàng đá granite và có nhiệm vụ đi tiếp thị đá cho các công trình xây dựng. Những mối quan hệ đã có trong thời gian làm thuê trước đó đã giúp Phương đắc lực. Có những công trình lớn, Phương không ngại sáng đi chiều về để tìm nguồn hàng vừa đẹp vừa rẻ.

Ngày 2-12-2009 là mốc thời gian vô cùng đáng nhớ, nếu không muốn nói là một bước ngoặc trong cuộc đời Phương: Thành lập Công ty Bảo Tiến. Những năm tiếp theo, công việc của Phương khá thuận lợi. Nhưng đến năm 2013, bất động sản đóng băng, thị trường vật liệu xây dựng cũng bất động. Công ty Bảo Tiến với số vốn hạn chế cũng không tránh khỏi lao đao, tới mức suýt chút nữa Phương phải bán nhà để trả nợ ngân hàng. Nhưng may mắn là cuối năm 2013, Công ty nhận được hợp đồng cung ứng vật tư cho công trình đập Đak Tô (Kon Tum), Bảo Tiến nhờ đó qua cơn bĩ cực. Cứ thế, Phương như con lật đật, mỗi lần ngã là lại đứng lên mạnh mẽ. Công ty Bảo Tiến ngày một lớn mạnh và hoạt động ổn định. Doanh thu cuối năm 2015 của Công ty là 20 tỷ đồng, nộp ngân sách trên dưới 100 triệu đồng mỗi năm.

Những ngày này, Nguyễn Thụy Lam Phương đang tạm gác công việc kinh doanh bận rộn thường ngày lại để cùng những người bạn của mình trong nhóm “Cơm từ thiện Pleiku” lặn lội đến với bà con đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại Hà Tĩnh để hỗ trợ về vật chất và tinh thần, giúp bà con phần nào vơi đi những thiệt hại đang vô cùng nặng nề. Bình thường, cô gái nhỏ nhắn này là thành viên tích cực của nhóm “Cơm Từ thiện Pleiku” và Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân nghèo, luôn có mặt khi mọi người cần. Không ai bắt Phương phải làm những việc đó khi cô đang bộn bề công việc và còn có quá nhiều thứ phải lo, nhưng với Phương, đó là trách nhiệm, nghĩa vụ và là tình người.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Nhiều giải pháp thúc đẩy Hợp tác xã phát triển

Nhiều giải pháp thúc đẩy Hợp tác xã phát triển

(GLO)-Những năm gần đây, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Gia Lai đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các HTX nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần để HTX  phát triển bền vững.