Gắn chíp để quản lý đàn voi nhà Đak Lak

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Trung tâm bảo tồn voi Đak Lak, việc gắn chíp điện tử giống như làm chứng minh nhân dân cho voi vậy. Voi sẽ được quản lý về đàn, nơi ở, nơi được mới của voi mà chủ cho tặng, sang nhượng...
Gắn chíp điện tử vào voi để theo dõi đàn, sức khỏe
Gắn chíp điện tử vào voi để theo dõi đàn, sức khỏe
Chiều 22-12, ông Huỳnh Trung Luân - giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đak Lak - cho biết đơn vị này đang triển khai việc gắn chip điện tử vào đàn voi nhà Đak Lak.
Theo ông Luân, tổng kinh phí để gắn chíp cho 45 con voi nhà của tỉnh Đắk Lắk khoảng 90 triệu đồng, từ nguồn kinh phí của trung tâm. Hiện các bác sĩ thú y đang tiếp tục đi thăm khám sức khỏe, gắn chip vào các chú voi. 
"Do voi thuộc sở hữu của nhiều tổ chức, cá nhân và phân bố ở nhiều nơi nên việc gắn chíp mất nhiều thời gian"-ông Luân nói. 
Theo ông Luân, đây là lần đầu tiên ở VN gắn chíp để theo dõi đàn voi nhà.
Thạc sĩ Phạm Văn Thịnh - trưởng phòng bảo tồn voi nhà Trung tâm bảo tồn voi Đak Lak - cho biết chíp điện tử gắn vào voi nhà không có chức năng định vị (vì loại chíp này rất đắt tiền), nó được gắn vào để quản lý đàn voi mà thôi. 
Theo đó, mỗi con chíp được gắn vào voi có một mã số, được tổng hợp vào phần mềm.
"Khi chú voi di chuyển, buôn bán sang nhượng trung tâm vẫn quản lý được danh tính, nơi ở cũ của chú voi này. Nói dễ hiểu, việc gắn chíp điện tử giống như làm chứng minh nhân dân cho voi vậy. Voi sẽ được quản lý về đàn, nơi ở, nơi được mới của voi mà chủ cho tặng, sang nhượng" - thạc sĩ Thịnh nói.

Nhiều chủ voi, nài voi (người chăm sóc, huấn luyện voi) sợ đưa chíp điện tử vào cơ thể khiến voi đau nên phải hướng dẫn, động viên
Nhiều chủ voi, nài voi (người chăm sóc, huấn luyện voi) sợ đưa chíp điện tử vào cơ thể khiến voi đau nên phải hướng dẫn, động viên
Cũng theo thạc sĩ Thịnh, việc gắn chíp cho voi chỉ là cách để trung tâm theo dõi đàn, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe voi, quền của chủ sở hữu voi. Việc gắn chíp cũng chỉ để theo dõi tình trạng sức khỏe, sự sinh trưởng cho từng chú voi.
Tuy nhiên rất nhiều chủ voi chưa hiểu hết cách làm nên việc hợp tác cũng chưa tốt.
Về việc gắn chíp cho voi hoang dã, ông Huỳnh Trung Luân nói cũng đã nhiều lần đề xuất nhưng chưa được chấp thuận.
Theo ông Luân, do quãng đường của voi di chuyển "không có biên giới" nên việc gắn chíp phải được sự đồng ý của hai chính phủ Việt Nam và Campuchia.
Chăm sóc sức khỏe thường xuyên cho voi nhà
Đắk Lắk hiện có 45 con voi nhà có độ tuổi khá lớn nên việc sinh sản gặp nhiều khó khăn.
Vài năm trở lại đây, cùng với chính sách hỗ trợ tiền cho chủ voi, nài voi nếu voi sinh sản, các bác sĩ Trung tâm bảo tồn voi đã lên danh sách, chăm sóc sức khỏe định kỳ cho voi.
Theo đó, mỗi lần các chú voi có vấn đề sức khỏe, bị bệnh đều được các bác sĩ tại trung tâm trực tiếp đến cứu chữa hoặc chủ voi đưa về trung tâm (huyện Buôn Đôn) để được điều trị.
Trung tâm bảo tồn voi cũng hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để học tập kinh nghiệm trong công tác chữa trị, bảo tồn voi. Nhiều tổ chức quốc tế cũng có nhiều tài trợ cho công tác bảo tồn voi của tỉnh Đak Lak và VN.
Trung Tân (TTO) 

Có thể bạn quan tâm