Quầy hàng miễn phí cho người nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bằng sự chân thành, lòng cảm thông, nhiều cá nhân, tổ chức đã mở những quầy hàng miễn phí để giúp đỡ người nghèo. Dù đấy chỉ là bộ quần áo cũ, suất cơm chay, ổ bánh mì hay ly nước bên vỉa hè nhưng những hành động nhân văn ấy cũng khiến lòng người như ấm lại giữa tiết trời se lạnh của Phố núi.
 

   Những suất cơm chay miễn phí được trao tận tay người lao động nghèo. Ảnh: P.V
Những suất cơm chay miễn phí được trao tận tay người lao động nghèo. Ảnh: P.V

Ngày 12-1, nhóm của chị Trần Thị Tuyết Nhung (đường Phan Đình Giót, TP. Pleiku) đã phát 150 suất cơm chay miễn phí cho những người lao động nghèo trên địa bàn TP. Pleiku. Bên góc vỉa hè ngã ba Lê Lai-Hai Bà Trưng, các chị để những hộp cơm chay đã được chuẩn bị chu đáo trên 2 chiếc bàn nhựa, bên cạnh đặt một tấm banner ghi rõ ngày giờ phát cơm để người đi đường dễ dàng nhìn thấy. Trước đó một ngày, từng người trong nhóm đã chia nhau đi khắp các nẻo đường của thành phố để phát phiếu nhận cơm cho mọi người. Đến nay, nhóm của chị Nhung đã tổ chức phát cơm miễn phí được 3 lần vào ngày mùng một và ngày rằm. Kinh phí nấu cơm chay được những người trong nhóm vận động, quyên góp từ người thân, bạn bè và các Mạnh Thường Quân ở khắp nơi. “Chúng tôi muốn được chia sẻ phần nào với nỗi vất vả của những người bán vé số, mua ve chai, chạy xe thồ… Hy vọng những suất cơm dù giá trị không lớn nhưng sẽ đem lại niềm an ủi, sự động viên cho họ”-chị Nhung chia sẻ.
 

Chị Cao Thị Hồng Hạnh: “Thấy nhiều nơi đã thực hiện mô hình rất ý nghĩa này nên mình cũng muốn triển khai quầy quần áo miễn phí cho những người nghèo ở TP. Pleiku. Thực ra mình chỉ bỏ tiền đóng kệ, còn quần áo thì cùng các thành viên trong nhóm từ thiện vận động, quyên góp từ anh em, bạn bè trong và ngoài tỉnh. Quần áo cũng khá đa dạng để mọi người lựa chọn phù hợp với nhu cầu”.

Nhận phần cơm từ tay chị Nhung rồi ngồi ngay xuống quầy bán nước gần đấy tranh thủ ăn, anh Hùng (46 tuổi) tâm sự: “Mình ở Bình Định lên đây bán vé số, một ngày kiếm được khoảng 150.000-200.000 đồng. Mình còn ở trọ nên cũng phải chi tiêu tằn tiện. Bình thường một ngày, mình ăn hết khoảng 30.000 đồng, lúc thì ăn cơm, khi thì bánh mì. Được nhận phần cơm chay ngon thế này, mình thấy vui lắm vì có nhiều người hiểu và đồng cảm với nỗi vất vả của những người lao động xa quê như mình”.

Từ khoảng hơn một tuần trở lại đây, phía trước số nhà 45 và 74 Nguyễn Tất Thành (TP. Pleiku) xuất hiện 2 chiếc kệ chất đầy quần áo miễn phí với thông điệp “Ai thiếu đến lấy, ai thừa đem cho”. Từ 6 giờ sáng, nhiều người đã ngồi chờ sẵn để được nhận quần áo. Chị Cao Thị Hồng Hạnh-một trong những người khởi xướng đặt kệ quần áo miễn phí cho người nghèo ngay trước Trung tâm Nha khoa Kỹ thuật cao Sài Gòn của mình chia sẻ: Kể từ khi đặt kệ đến nay, người này truyền tai người kia cũng có đến hàng ngàn lượt người từ các làng, những người bán vé số, ve chai hay thậm chí là các cô giáo đến lấy đồ về cho học sinh nghèo của trường. Số lượng quần áo được phát ra đã lên đến vài chục bao. Để có được những bộ quần áo tuy cũ nhưng vẫn chỉn chu, sạch sẽ trao đến tay người nghèo, hàng ngày, nhân viên của Trung tâm Nha khoa kỹ thuật cao Sài Gòn phải thay phiên nhau đi nhận từng bao quần áo, sau đó tỉ mỉ ngồi soạn và gấp ngay ngắn, rồi mới bày ra kệ. Chiếc kệ cũng được chia thành ba tầng: đồ nam, đồ nữ và đồ trẻ em để mọi người dễ dàng lựa chọn. Bên cạnh kệ quần áo, chị Hạnh còn đặt một bình nước uống và một thùng bánh mì dành cho những người còn thiếu thốn, vất vả.

Cũng với mong muốn chia sẻ phần nào khó khăn với những người lao động nghèo trước Tết Nguyên đán đang gần kề, anh Hùng-một trong những người khởi xướng kệ quần áo miễn phí tại 74 Nguyễn Tất Thành cho biết: “Sau khi phát động, cùng với sự đón nhận của người nghèo, chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ rất lớn của mọi người. Sau này, chúng tôi dự định nhân rộng mô hình này ra các vùng ven thành phố cũng như xuống các huyện, thị xã để giúp đỡ được nhiều người dân nghèo hơn nữa”.

Chị Sem (26 tuổi, làng Wâu, xã Chư Á, TP. Pleiku) đến chờ sẵn trước kệ quần áo miễn phí với hy vọng sẽ chọn được cho các con của mình những bộ quần áo mới. Chị Sem có 3 người con, kinh tế gia đình phụ thuộc vào số tiền làm thuê ít ỏi của chị. “Những năm trước, chỉ người chủ nào thương mới cho mình vài bộ đồ cũ để mặc tết chứ mình cũng không có tiền để sắm sửa. Năm nay, biết ở đây có phát đồ, mình tới để lựa cho các con một bộ đồ mới để mặc Tết”-chị Sem bày tỏ.

Một mùa xuân nữa lại về. giữa dòng người vội vã, tất bật vun vén cho gia đình một cái tết đủ đầy thì ở đâu đó vẫn có  những tấm lòng sẵn sàng dừng lại để sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn khiến những ngày cuối năm lạnh lẽo bỗng trở nên ấm áp.

Phương Vi

Có thể bạn quan tâm