Người về hưu làm kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từng xem công việc là niềm vui, quen với cuộc sống bận rộn của công sở, khi về hưu chỉ quanh quẩn ở nhà nên nhiều cán bộ, công chức một thời bỗng cảm thấy hụt hẫng, thậm chí là cô đơn. Bởi thế, nhiều người về hưu vẫn đi kiếm việc để làm thêm là chuyện không hề lạ.

Còn sức khỏe, còn làm

Không muốn đối mặt với cảm giác hụt hẫng sau khi về hưu, ông Phan Ngọc Vượng (SN 1960, nhà số 77 đường Nguyễn Đường, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã đầu tư thời gian cho việc chăm sóc chim cảnh. Trước khi về hưu, ông từng công tác tại một đồn biên phòng ở huyện Đak Glei (tỉnh Kon Tum), sau đó chuyển công tác xuống đơn vị huấn luyện lính biên phòng ở TP. Pleiku. Chia sẻ về lý do đến với nghề nuôi chim cảnh, ông Vượng cho biết: “Ban đầu, tôi nuôi vài cặp chim cảnh với mục đích chỉ để chơi, để nghe tiếng chim hót mỗi ngày. Nhưng sau một thời gian, nhận thấy những loài chim này vẫn sinh trưởng, phát triển nhanh trong điều kiện nuôi nhốt và đem lại hiệu quả kinh tế cao, tôi tìm hiểu thị trường và quyết định đầu tư mở rộng chuồng trại, phát triển đàn chim của gia đình. Kỹ thuật nuôi nhốt, chăm sóc thì tôi tự tìm hiểu trên sách báo và mạng internet”. Hiện tại, ông đang chăm sóc 8 loài chim gồm: bồ chao, chào mào, chích chòe, khướu, họa mi, cà cưỡng, chim cuốc với tổng số đàn gần 100 con. Ngoài ra, ông còn trồng thêm 100 trăm trụ hồ tiêu, 10 cây bơ, chăn nuôi gà, trồng rau sạch để cung cấp cho bữa ăn của gia đình. Trung bình mỗi năm ông thu về trên 50 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

 

Với ông Phan Ngọc Vượng, chăm sóc chim cảnh vừa là niềm vui, vừa mang lại thu nhập.                                                                                                      Ảnh: P.L
Với ông Phan Ngọc Vượng, chăm sóc chim cảnh vừa là niềm vui, vừa mang lại thu nhập. Ảnh: P.L

Từng làm Cửa hàng trưởng của Công ty Công nghệ phẩm Gia Lai nên bà Bùi Thị Năm (SN 1950, nhà số 50 đường Tăng Bạt Hổ, phường Yên Thế, TP. Pleiku) rất am hiểu về thị trường. Năm 2001, bà Năm xin nghỉ hưu trước 5 năm, thời điểm đó cuộc sống còn khó khăn, 2 đứa con đang còn đi học. Trong khi đồng lương hưu ít ỏi không đủ chi tiêu cho cuộc sống gia đình, bà đã mạnh dạn thế chấp ngôi nhà đang ở cho ngân hàng để vay vốn mở một quầy tạp hóa nhỏ chuyên cung cấp thực phẩm, lương thực cho thị trường TP. Pleiku. Với kinh nghiệm kinh doanh cùng với sự nhanh nhẹn, am hiểu thị trường, quầy tạp hóa nhỏ đã phát triển thành Công ty TNHH một thành viên Bùi Thị Năm với tổng thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm; đồng thời, Công ty cũng tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức lương tối thiểu 4 triệu đồng/tháng. “Lúc mới mở Công ty, do tuổi đã khá cao nên công việc hơi vất vả, tất cả các khâu từ quản lý nhân công đến tìm nguồn hàng, phân phối hàng hóa... tôi đều phải đảm nhận. Nhưng vốn yêu thích công việc kinh doanh, một phần cũng muốn lo cho cuộc sống gia đình nên phải cố gắng kiên trì lắm tôi mới có được thành quả như ngày hôm nay”-bà Năm chia sẻ.

Cũng như ông Vượng, bà Năm, ông Nguyễn Văn Phong (SN 1950) về hưu khi đã hết tuổi công tác cũng kiếm thêm thu nhập bằng công việc kinh doanh vườn hồng tại đường Cách Mạng Tháng Tám (TP. Pleiku). Từng là cán bộ của Sở Nông nghiệp và PTNT, nghỉ hưu từ năm 2010, ông cảm thấy bứt rứt, bồn chồn tay chân nên quyết định đầu tư chăm sóc hoa cảnh. Với sự am hiểu kỹ thuật trồng trọt trong những năm tháng công tác, các chậu hoa của ông phát triển rất tốt, cho năng suất cao. Dù mới chỉ có hơn 2.000 chậu hoa cảnh các loại nhưng nhờ khéo chăm sóc, vườn hoa đã thu hút rất nhiều khách tìm đến mua; sau khi trừ chi phí, mỗi đợt hoa cũng cho ông thu nhập hàng chục triệu đồng. “Rời bỏ công việc của một viên chức nhà nước, nhưng tôi vẫn cảm thấy sức khỏe còn tốt. Ở  nhà đi ra đi vào mãi cũng buồn lắm. Công việc trồng hoa hồng cũng không nặng nhọc nên rất phù hợp với tuổi già”-ông Phong chia sẻ.

Thỏa mãn niềm đam mê

Phần lớn những người lớn tuổi khi về hưu chọn làm thêm một phần để kiếm thêm thu nhập phụ giúp con cái, phần nữa cũng muốn làm việc, “động chân động tay” cho đỡ buồn và cũng để thỏa mãn niềm đam mê. “Mấy đứa con tôi bảo bố cống hiến cả đời rồi, giờ là lúc nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già. Cũng có người hỏi, Sao nghỉ hưu rồi mà vẫn đi làm cho mệt?. Quen với công sở nhộn nhịp rồi, giờ mà ngồi một chỗ thì buồn lắm, tôi vẫn muốn được làm việc. Đi làm thế này thấy mình khỏe mạnh, vui vẻ và thấy cuộc đời ý nghĩa hơn”-ông Nguyễn Văn Phong chia sẻ thêm.

Với bà Bùi Thị Năm, hiện tại, khi công ty đã ổn định, con trai cũng đã trưởng thành để phụ giúp bà quản lý công việc. Bà Năm lại theo đuổi niềm đam mê làm từ thiện, vốn là công việc mà bà yêu thích mà chưa thể thực hiện được. Trung bình mỗi năm bà Năm lại trích hơn 100 triệu đồng để thực hiện các hoạt động xã hội, tặng quà, xây nhà, chăm sóc cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP. Pleiku. “Mình có một chút tiềm lực kinh tế, trong khi một số bà con còn khổ, giúp được họ điều gì là mừng rồi. Bởi lẽ, khi mình sống khỏe, sống có ích thì sẽ tự thấy yêu đời hơn”-bà Năm tâm sự khi được hỏi thăm về những chuyến từ thiện trong thời gian qua.

Ông Phan Ngọc Vượng thì cho rằng, bên cạnh thói quen đi làm cho đỡ “buồn chân buồn tay”, lao động còn giúp người già khi về hưu rèn luyện sức khỏe, tránh xa bệnh tật và bớt cô đơn hơn. “Mỗi sáng thức dậy, cảm nhận được những thanh âm trong trẻo của các loài chim, có cơ hội ngồi uống trà cùng những cựu chiến binh để chiêm nghiệm về cuộc sống là thấy cuộc đời này ý nghĩa biết bao”-với ông tuổi già chỉ có thế thôi là đã an vui.

Thủy Bình

Có thể bạn quan tâm