Tuổi già nhưng lòng không "già"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với 78 tuổi đời và gần 50 năm tuổi Đảng, có thể nói bà Nguyễn Thị Thuận là một trong những đảng viên kỳ cựu của thôn 3, xã Đak Hlơ, huyện Kbang. Không chỉ làm tốt công tác chính trị-xã hội tại địa phương, bà Thuận còn được nhiều người biết đến bởi tấm lòng giàu nhân ái và sẻ chia của mình.

Bà Thuận luôn quan niệm rằng, sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình. Ảnh: Lệ Hằng
Bà Thuận luôn quan niệm rằng, sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình. Ảnh: Lệ Hằng

Theo chỉ dẫn của Chủ tịch UBND xã Đak Hlơ Bùi Phích, chúng tôi tìm đến nhà bà Thuận trong một buổi trưa cuối thu đầy nắng. Con hẻm dẫn vào nhà bà chỉ là một nhánh nhỏ của tuyến đường liên thôn nên tương đối khó đi vì lởm chởm đá, ổ gà. Từ căn nhà nhỏ được xây theo kiểu thuần Việt đã bạc màu vôi vì thời gian, bà Thuận bước ra, mỉm cười chào khách. Chẳng hiểu sao ngay cái nhìn đầu tiên ấy, chúng tôi đã cảm thấy rất đỗi gần gũi và ấm áp, tựa hồ như quen thân với bà từ lâu lắm rồi.

Bà Nguyễn Thị Thuận, sinh năm 1937, tại vùng quê Thuận Sơn của huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Vốn tính năng động, hoạt bát nên từ nhỏ bà hầu như không bỏ sót bất kỳ hoạt động nào ở địa phương, nhất là các chương trình của Đoàn, Hội, đội tổ chức. 4 năm làm Ủy viên Ban Chấp hành Xã đoàn (1959-1962), bà luôn có những đề xuất, sáng kiến thiết thực, góp phần đưa phong trào thanh niên của Xã đoàn đi lên. Tháng 4-1967, bà được kết nạp vào Đảng và chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 2-1968.

Tháng 6-1982, tạm biệt xứ Nghệ thân thương, bà Thuận chuyển về công tác tại Nông trường quốc doanh Sông Ba (thuộc huyện An Khê, tỉnh Gia Lai-Kon Tum). Tháng 4-1986 bà được bầu làm Bí thư chi bộ công trình thuộc Đảng bộ Nông trường Sông Ba. Năm 1993 bà nghỉ hưu song vẫn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, tiếp tục giữ các vai trò: Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đak Hlơ; Chi hội trưởng chi hội Người cao tuổi chi hội 3; Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn hóa của Hội Người cao tuổi xã Đak Hlơ.

Trước đây, mặc dù dành thời gian cho công tác xã hội nhưng bà Thuận vẫn giúp chồng phát triển kinh tế. Nhiều năm liền, gia đình bà đều được công nhận là hộ người cao tuổi sản xuất kinh doanh giỏi với thu nhập bình quân hơn 73 triệu đồng/năm. Giờ đây, khi ở độ tuổi gần bát thập và sức khỏe yếu dần, bà vẫn chưa bao giờ cho phép mình được ngơi nghỉ. Ngoài phần lớn thời gian ưu tiên cho công tác của Hội Người cao tuổi, hàng ngày, bà vẫn phụ con cháu những việc vặt trong nhà, chăm sóc đàn gia cầm, gia súc. “Là một người đảng viên, tôi luôn đề cao việc nêu gương sáng, thật sự là cây cao bóng cả cho con cháu noi theo. Già thì già nhưng không làm gì buồn tay buồn chân lắm. Tôi còn sức khỏe đến đâu thì sẽ làm đến đó, kể cả việc nhà hay việc xã hội. Tham gia sinh hoạt Hội, tôi rất vui vì được gặp gỡ, giao lưu với anh chị em, tinh thần mình cũng thoải mái hơn để sống khỏe, sống tốt”-bà Thuận chia sẻ.

Với vai trò Chi hội trưởng, bà Thuận luôn chú trọng đến chất lượng sinh hoạt của chi hội mình. Do vậy, từ năm 2010 đến 2014, bà đã tiết kiệm chi tiêu, dành ra gần 3 triệu đồng đặt mua báo Người cao tuổi cho các hội viên đọc để mở mang kiến thức cũng như nắm bắt kịp thời những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, bà còn tự đặt mua nhạc cụ và thường xuyên tổ chức các chương trình văn nghệ, thơ ca… nhằm tạo niềm vui tinh thần và sự gắn kết giữa các hội viên.

 

ù tuổi đã cao nhưng hàng ngày bà vẫn giúp đỡ con cháu những việc có thể. Ảnh: Hồng Thi
Dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày bà vẫn giúp đỡ con cháu những việc có thể. Ảnh: Hồng Thi

“Tuổi già nhưng lòng không già” với bà Thuận quả không sai. Lúc nào bà cũng đối xử với mọi người bằng tấm lòng giàu tình yêu thương, sẻ chia và nhân ái của mình. Bà bày tỏ: “Ở đời, sống là phải cho chứ đâu chỉ nhận riêng mình. Ngày xưa gia đình khó khăn, nghèo túng nên bây giờ có điều kiện hơn, tôi muốn góp một phần nhỏ của mình để giúp đỡ những gia đình khó khăn nhằm động viên họ cố gắng vươn lên trong cuộc sống”.

Xuất phát từ quan niệm đó, những xe cát cùng hàng ngàn viên gạch tình thương của bà Thuận đã được mang đến cho một số hộ nghèo trong thôn, góp phần giúp họ dựng xây nên ngôi nhà mơ ước của mình. Bà Phạm Thị Miền-một trong những người được bà Thuận hỗ trợ gạch, cát xây nhà-cảm động nói: “Gia đình tôi nghèo lắm, cái nhà tranh xiêu vẹo, dột nát lâu rồi mà cũng không có điều kiện sửa sang. May nhờ sự giúp đỡ của bà Thuận và vốn vay của Nhà nước, tôi mới làm lại được đàng hoàng mà ở. Không riêng tôi, bà Thuận còn sẵn lòng giúp nhiều người trong xã lắm, đôi khi chỉ từ khoản lương hưu của bà”.

Cùng với đó, hưởng ứng phong trào thi đua “Kbang chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, bà Thuận cũng đóng góp 1.600 viên gạch cùng cát, đá để xây cổng chào văn hóa cho thôn 1, 3, 4 và làm đường bê tông, đường nội đồng… Ngoài ra, bà Thuận còn hỗ trợ rèm che nắng cửa sổ cho các lớp tiểu học trên địa bàn xã.

Nhận xét về đảng viên Nguyễn Thị Thuận, ông Trần Hữu Phước-Bí thư Đảng ủy xã Đak Hlơ, cho hay: “Là một đảng viên gần 50 năm tuổi Đảng, bà Thuận luôn luôn gương mẫu trong công tác sinh hoạt ở chi bộ và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Mặt dù tuổi đã cao nhưng bà rất chăm lo đến kinh tế gia đình, tăng gia lao động sản xuất. Điều đáng quý ở bà là tấm lòng sẵn sàng giúp đỡ người khác, nhất là những hộ nghèo trong xã; cùng chia sẻ khó khăn với chính quyền địa phương. Bà thật sự là tấm gương sáng cho mọi người noi theo”.

Khắp ngôi nhà nhỏ, đâu đâu cũng là giấy khen, bằng khen. Đó là những ghi nhận xứng đáng mà Đảng, Nhà nước cũng như chính quyền địa phương dành cho những cống hiến của bà nói riêng và gia đình nói chung trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế-xã hội. Đeo cặp kính lão lên mắt, bà chậm rãi lật giở cuốn sổ nhật ký và đọc cho chúng tôi nghe bài thơ mang tên “Nhà tôi” do chính bà sáng tác. Trong đó, có những câu thơ bà viết lên như thay lời muốn nói: Nhà tôi trọng nghĩa trọng tình/Chẳng bao giờ dám coi kinh người nghèo/Tiền của nhiều đến bao nhiêu/Cũng chẳng bằng sống được nhiều người thương…

Hồng Thi-Lệ Hằng

Có thể bạn quan tâm