Chuyện về người trồng mía đầu tiên trên đất Ayun Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi ông Năm Thao (tên thật là Nguyễn Văn Thao, nhà ở cuối đường Nguyễn Huệ, phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa) tiên phong trồng cây mía và nấu đường thủ công thì chẳng mấy người ở thung lũng Cheo Reo biết về cây mía. Ấy vậy mà, giờ đây đã hình thành một vùng chuyên canh ruộng mía rộng 11.000 ha ở phía Đông Nam tỉnh.
 

  Ông Năm Thao và chiếc chảo gang nấu đường còn sót lại. Ảnh: Nguyễn Tú
Ông Năm Thao và chiếc chảo gang nấu đường còn sót lại. Ảnh: Nguyễn Tú

Ông Năm Thao năm nay tròn 80 tuổi. Quê ông ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Năm 1962, gia đình ông cùng với nhiều hộ dân trong làng chuyển đến Phú Bổn (nay là thị xã Ayun Pa) trong cuộc mưu sinh thời loạn lạc. Thời đó, đây là một vùng hoang vu, bao quanh bởi rừng già. Dân cư ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Jrai và Bahnar sinh sống tập trung thành từng làng. Lác đác vài chục hộ người Kinh chuyển đến sinh sống. Khi mới lên, gia đình ông dựng một ngôi nhà tranh vách đất trên một khu đất hoang bao quanh lau sậy mọc thành rừng trên nền đất đen pha cát ẩm ướt quanh năm (nay thuộc đường Trần Quốc Toản, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa). Sau khi làm nhà, cuộc sống ngày một khó khăn hơn. Chiến tranh, những người con nối tiếp ra đời và cả những căn bệnh quái ác nơi miền đất mới đã khiến cuộc sống không mấy bình yên.

Trong một lần về Phú Yên thăm người thân, ông nhận thấy đời sống của người dân ở đó sung túc, no đủ nhờ trồng cây mía và nghề nấu đường. Ý nghĩ mang cây mía về Gia Lai trồng hình thành. “Linh tính như mách bảo cây mía hợp với thổ nhưỡng đất chỗ tôi ở nên trong khoảng thời gian ở chơi, tôi tranh thủ mọi lúc đi ra đồng dò hỏi cách trồng và chăm sóc cây mía. Ban đầu khi nghe tôi nói sẽ mang cây mía lên Gia Lai trồng, nhiều người can ngăn. Họ bảo trên Tây Nguyên toàn là núi không trồng được cây mía đâu. Cũng có người còn bảo tôi gàn. Nhưng tôi mặc kệ, chỉ nghĩ là cứ trồng thử nghiệm, không được thì thôi”-ông Thao nhớ lại.

Khát vọng thoát nghèo từ cây mía thiêu đốt tâm can. Ông Thao trở về Gia Lai sớm hơn dự định trong sự níu kéo của người thân ở Phú Yên. Trong chuyến xe đò ngược lên cao nguyên, ngoài chiếc ba lô đựng những thỏi đường còn có chục bao tải đựng ngọn mía giống. Trong bữa cơm sum họp gia đình, vợ chồng bàn nhiều về việc trồng mía.

Một sào đất sau nhà được phát dọn sạch sẽ và cày ải vào ngày hôm sau. Những ngọn mía đầu tiên trồng trên đất mới trong niềm khấp khởi của gia đình. Hàng xóm biết chuyện nên can ngăn, nhất là khi câu chuyện trồng mía của ông truyền tai nhau đến các buôn làng của người Jrai, Bahnar gần đó. Ông Thao kể: “Già làng các buôn làng tổ chức họp dân. Họ bảo người dân bản địa sống trên rừng. Cây lúa quen sống trên cạn. Con bò, con trâu để cúng Yàng chỉ thả đi chơi.  Nhiều làng phải chuyển đến nơi xa hơn vì sợ các thần trách phạt khi người Kinh mới đến đã bắt thần lúa xuống nước, bắt trâu bò đi cày. Bây giờ, Năm Thao mang cây kỳ lạ từ dưới biển lên núi trồng. Thần núi, thần cây sẽ trách phạt các làng sẽ chết. Phải ngăn không cho trồng. Các già làng thay phiên nhau đến nhà vận động ông Thao không được trồng cây kỳ lạ. Tôi giải thích nhiều lần nhưng họ không nghe, bỏ về và dọa nếu trong làng xảy ra chuyện thì sẽ bắt vạ”.

Cây mía không phụ công người chăm sóc, mọc lên xanh tốt trong khi mâu thuẫn với các làng xung quanh chưa được giải quyết. Người Jrai, Bahnar lo sợ Yàng trách phạt hễ gặp người trong gia đình ông Thao là buông lời miệt thị. Láng giềng lo sợ bị vạ lây đều tránh né. Có người say rượu ném dao vào nhà làm thủng một mảng vách. Ban đêm có người lẻn vào vườn nhổ mía. Ông Thao phải ngày đêm canh giữ ruộng mía. Vợ con ông thấy người lạ phải tránh đi đường khác.

 

 Ảnh: Nguyễn Tú
Ảnh: Nguyễn Tú

Cuối năm 1967, mâu thuẫn trước đó được hóa giải khi một sào mía đã đến kỳ thu hoạch mà không có tai họa nào giáng xuống các ngôi làng lân cận. Niềm vui chưa tày gang. Cây mía đã đến kỳ thu hoạch mà chỉ bán được một ít để giải khát, còn lại phải để trên ruộng. Nhìn cây mía to tròn, bóng bẩy và căng mọng nước dần khô héo vì nắng, lòng ông thắt lại. Ông Thao theo xe đò xuống Phú Yên tìm người mua nhưng vì số lượng ít nên không ai chịu lên mua. Có người thương tình nên truyền cho ông bí quyết nấu đường thủ công.

Trở về nhà, ông Thao làm theo chỉ dẫn lên rừng chặt gỗ để làm “ông che”. “Ông che” là hai súc gỗ lớn hình trụ tròn, bên giữa mỗi súc gỗ là trục quay cố định một đầu để thẳng đứng. Hai súc gỗ này được đẽo hình răng cưa và khớp với nhau như bánh nhông. Trên đỉnh một “ông che” được gắn một đoạn tre, gỗ để nối ra ngoài. Đoạn tre, gỗ này buộc vào người hoặc vật kéo như một thanh truyền lực. Khi che mía, người hoặc vật đi vòng tròn, hai “ông che” sẽ quay đều và có thể nghiền nát cây mía. Nước mía chảy xuống một thùng phuy đặt bên dưới, sau đó chuyển sang nấu với chảo gang và kết tinh thành đường.

Cái mới từ buổi đầu bao giờ cũng khó suôn sẻ. Hơn mười “ông che” phải vứt bỏ làm lại và cũng ngần ấy số mẻ mật không kết đường phải đổ đi thì ông Năm Thao mới thành công. Những mẻ đường ngon ngọt ra lò trong niềm sung sướng của người làm ra nó. Thành công nối tiếp thành công. Mía trồng ngoài đồng của gia đình ông đạt 15 ha. Tiểu thương từ Phú Yên đến tận nhà chờ đợi những mẻ đường nóng hổi ra lò. Cuộc sống gia đình ông ngày càng sung túc, xây được một ngôi nhà to nhất vùng và sắm một chiếc xe máy trị giá hàng chục cây vàng. Cũng từ đây, ông trở thành nhà tư vấn cho những người dân muốn đổi đời nhờ trồng và nấu mía đường. Nhiều người giàu lên từ đó. “Tôi nhớ có ông tên Phú, sau một vụ mía có lãi hàng chục triệu đồng đã tìm đến nhà, vừa gặp tôi đã ôm chầm mà khóc vì sung sướng”- ông Thao bồi hồi.

Giờ đây, vùng Đông Nam tỉnh đã hình thành một vùng nguyên liệu mía rộng 11.000 ha với hàng ngàn hộ trồng mía, trong đó, không ít hộ người Jrai, Bahnar tham gia trồng và vươn lên làm giàu. Ông Năm Thao đã nghỉ nghề nấu đường và trồng mía hơn 20 năm. Thời gian âm thầm trôi và cũng chẳng còn mấy người nhớ đến ông- người đầu tiên mang cây mía từ miền biển lên cao nguyên gieo mầm, chỉ còn mấy chảo gang và khóm mía bên hiên nhà như gợi nhớ một thời.

Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm