Bài 1: Quản lý, điều hành còn nhiều sơ hở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Trong đợt thanh tra mới đây, Thanh tra tỉnh đã phát hiện ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh chi vượt cơ cấu hơn 2 tỷ đồng cho cán bộ, công nhân viên của ngành. Bởi theo quy định của BHXH Việt Nam, số tiền 70% được trích là để chi trả thù lao cho cá nhân, đơn vị được ký hợp đồng hoặc ủy quyền chi trả nhưng BHXH tỉnh đã chi vượt cơ cấu tỷ lệ trên, trong đó cấp tỉnh chi vượt trên 544 triệu đồng, cấp huyện vượt trên 1,5 tỷ đồng.

Trong khoảng thời gian 2005-2009, ngành Bảo hiểm đã thu được hơn 26 tỷ đồng từ nguồn bảo hiểm y tế tự nguyện. Theo quy định, BHXH huyện, thị xã, thành phố được nhận 3% tiền công cho đại lý và 1% các khoản hỗ trợ cho cá nhân, đơn vị. Nhưng BHXH cấp tỉnh đã “linh động” giữ lại số tiền của 1% trên (hơn 214 triệu đồng). Cũng trong thời gian này, ngành Bảo hiểm Xã hội cũng chi vượt gần 850 triệu đồng, trong đó cấp tỉnh chi vượt gần 600 triệu đồng so với dự toán được giao.
Trước đó, năm 2005, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm tra và phát hiện ngành BHXH có nhiều sai phạm trong chi hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức và đơn vị phối hợp công tác thu. Nhưng đến nay, số tiền 185 triệu đồng vẫn chưa được thu hồi. Không những thế, tổng số tiền từ nguồn chi trên trong các năm 2005-2009 mà ngành Bảo hiểm Xã hội chi thiếu cơ sở lên đến gần 600 triệu đồng. Việc chi thừa, chi thiếu như trên phản ánh ít nhiều sự lỏng lẻo trong quản lý tài chính của những người có chức trách của ngành này.
Cùng với những sai sót trên mà theo kết luận của cơ quan chức năng là các khoản chi khác không đúng quy định như chi tiền hội nghị hơn 67 triệu đồng; sai phạm trong chi tiếp khách của BHXH tỉnh hơn 332 triệu đồng, cấp huyện hơn 90 triệu đồng; chi không có hóa đơn, chứng từ hơn 141 triệu đồng; chi ngoài quy định về quỹ phúc lợi trên 160 triệu đồng…
 Là chủ đầu tư, BHXH tỉnh đã để xảy ra những sai phạm tại các công trình xây dựng trụ sở BHXH Mang Yang, Đak Pơ, Chư Sê với số tiền trên 188 triệu đồng. Cụ thể, trong quá  trình xây dựng, các đơn vị thi công đã không làm theo thiết kế một số hạng mục. Nghiêm trọng hơn, tại công trình trụ sở BHXH huyện Chư Sê, Công ty cổ phần Lam Sơn đã thiết kế cửa sổ, cửa đi là gỗ nhóm II nhưng lại thi công gỗ nhóm III trở lên. Giá trị chênh lệch từ việc làm không đúng này là hơn 485 triệu đồng.
Sự lỏng lẻo trong quản lý của ngành Bảo hiểm Xã hội tỉnh trong việc thu BHXH, BHYT đối với người lao động và sử dụng lao động nên đã xảy ra hậu quả không nhỏ. Cụ thể, 858/1.344 doanh nghiệp thành lập, đi vào hoạt động nhưng đã “quên” đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Có gần 3.000 trường hợp chưa được doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ trên. Và nếu chỉ tính mức lương tối thiểu theo quy định mới nhất của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thì số tiền nợ đọng lên đến hơn 7 tỷ đồng. Trong danh sách này, nhiều doanh nghiệp có tiếng nhưng vẫn đội sổ về số tiền nợ đọng. Chẳng hạn Công ty cổ phần Sông Đà 4 nợ 7 tháng với hơn 2,5 tỷ đồng, Công ty cổ phần Sông Đà 5 nợ 4 tháng (hơn 1 tỷ đồng), Công ty cổ phần Sông Đà 10.1 nợ 7 tháng (hơn 1,4 tỷ đồng)… Được biết, ngành BHXH tỉnh vẫn chưa có những giải pháp quyết liệt để giải quyết rốt ráo tình trạng này.
Tại huyện Chư Sê, BHXH đã chi trả “thêm” gần 177 triệu đồng cho 840 trường hợp nghỉ ốm đau, thai sản thuộc Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện. Thực tế, số tiền trên đã được Phòng chi trả, quyết toán vào chi lương thường xuyên của ngân sách. Việc chi trả hai lần này dĩ nhiên là bị buộc phải thu hồi.
Việc chi trả chế độ trợ cấp thôi việc một lần và trả sổ BHXH cho người lao động tại Công ty Cà phê Chư Pah đã bị chính Công ty này lạm dụng. Trong 5 năm (2005-2009), số tiền mà ngành BHXH chi trả cho 222 lao động gần 1,2 tỷ đồng. Lãnh đạo của Công ty đã chỉ đạo những người thuộc quyền lập phiếu thu, đem số tiền trên trừ vào công nợ của người lao động. 167 người lao động bị Công ty giữ lại sổ BHXH. Việc làm trái nguyên tắc này mãi đến gần đây mới được phát hiện.
Trần Hiếu

Có thể bạn quan tâm