Hàng ăn ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo tìm hiểu của người viết, nhiều món ăn truyền thống như: cơm lam, gà nướng, canh lá mì, muối lá é… của người Jrai, Bahnar bản địa chỉ là món ăn thường nhật, thức món để cúng hay dùng trong dịp lễ hội. Tất nhiên, để nâng tầm đặc sản như hiện nay, người chế biến phải “chỉnh đốn” món ăn, cả chất lượng và thẩm mỹ. 
Như món gà nướng chẳng hạn, người Tây Nguyên trước kia chỉ đốt gà, đốt nguyên con còn cả lông sau khi đã đập chết. Sau đó dùng tay phủi lông, bóc lấy nội tạng, vứt bỏ những gì không ăn được chứ đâu có cắt tiết, làm lông, làm sạch bộ lòng rồi nướng bằng hơi nóng lửa than vàng hươm như bây giờ. Quá trình chế biến ngày trước không có gia vị, cả các món muối, món canh. Như món cà đắng lá mì truyền thống chỉ là canh, gia vị có muối hạt và lá lưỡi nai, gần giống lá lốt, mọc nhiều ở khe đá bên bờ suối, người Jrai gọi là “rang mtah”. Bây giờ thay vào đó là mì chính, bột nêm. Riêng cách nấu canh mỗi gia đình, mỗi nhà hàng, quán ăn có cách chế biến khác nhau. Ngoài nguyên liệu không thể thiếu là cà đắng bổ dọc làm tư, lá mì non (có khi thêm hoa đu đủ đực, quả cà dại chỉ bằng ngón tay út người lớn), họ cho vào chút mỡ heo, thịt nạc băm nhuyễn hay cá khô giã nát… nghĩa là có đạm động vật. Quan sát thấy thế, chứ chất lượng khác nhau, vị ngon hòa quyện từ vị đắng của cà, của hoa đu đủ, thơm nồng của lá mì nhờ cách vò lá, chọn lá… Tựu trung là bí quyết.
  Bánh xèo tôm đất Bình Định khẳng định thương hiệu ở Pleiku.  Ảnh: k.n.b
Bánh xèo tôm đất Bình Định khẳng định thương hiệu ở Pleiku. Ảnh: internet
Bây giờ, món ăn nhiều vùng miền cả nước đã có mặt ở Pleiku, lại được các tay đầu bếp “chỉnh đốn” sao cho hết sức thẩm mỹ, cho hợp khẩu vị “cư dân góp” không chỉ riêng thành phố này mà còn cho cả du khách dù biển hiệu vẫn ghi “đặc sản”, “gia truyền” đi kèm tên địa phương sinh ra món ăn đó.
Có thể kể đến món canh cá rô đồng, cá trắm nổi tiếng của Thái Bình. Về đến Pleiku, món này chuyển thành món bún cá lóc. Cái tài của đầu bếp là ở chỗ, người sành ăn cũng không tài nào phân biệt được sự khác nhau từ nguyên liệu cá. Còn canh hay bún chỉ là cách gọi, có khác nhau ở kích cỡ sợi bún, không vấn đề. Kèm theo tô bún cá lóc có đĩa cải non, hành lá xắt tia, giá sống đặt riêng; cả đĩa rau thơm gồm tía tô, húng quế, ngò gai… Về thức nêm thì thêm lọ mắm ruốc rất hợp với cư dân miền Trung, được mệnh danh là dân mắm ruốc. 
Món bún chả Hà Nội “di cư” vào Pleiku vẫn giữ nguyên chất lượng nhưng được thu nhỏ hẳn, chỉ bằng phân nửa; món nước chấm vị mặn hơn, nhiều đường hơn bột ngọt. Ở Hà Nội, bún chả còn được dùng vào bữa chính. Đến Pleiku, nó là thức quà sáng.
Chỉ là vài ví dụ.
Có nhận xét, quà quê là cách người tha phương đem theo, gợi tìm hình ảnh quê nhà nơi đất mới để sưởi ấm nỗi lòng. Mà đúng vậy, thuở ban sơ, những người từ đồng bằng vượt đèo cao núi xa đến với Phố núi này không đơn lẻ từng hộ mà họ rủ theo nhiều người trong họ mạc, xóm giềng, bè bạn định cư quần tụ với ước mong là để nương tựa, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Thuở đó, vì địa hình cách trở, phương tiện đi lại khó khăn, thông tin hạn chế, điều kiện mưu sinh vất vả nên phải lâu lắm, với lý do trọng đại nào đó, họ mới khăn gói trở về thăm quê. Để thỏa mãn nhu cầu tìm lại hương vị ẩm thực quê nhà, một số người bày bán dăm món đặc trưng vùng miền. Bên nhau trong quán nhỏ, cùng nhau thưởng thức món quê, nghe giọng quê qua lời trò chuyện thấy mạch nguồn xứ sở trào dâng trong huyết quản. 
Cư dân ở Pleiku đến từ khắp miền, khi điều kiện kinh tế phát triển kéo theo sự “bung nở” hàng quán, đó là điều dĩ nhiên. Người gốc ở vùng miền nào thì thể hiện hàng quán của vùng miền ấy, thế nên mới có bún bò Bà Dinh, phở Hà Nội, bún chả Hà Nội, bún cá Thái Bình, phở gia truyền Nam Định, bún chả cá Quy Nhơn, cháo lòng bánh hỏi Tam Quan, bánh xèo tôm đất Bình Định, mì Quảng... Thực khách đến đây không còn bó hẹp theo nghĩa “đồng hương” ăn món quê để tìm lại hương vị quê hương đã xa lắm, chỉ còn đọng lại chút dư hương trong ký ức xa xăm, mà còn để thưởng thức món ngon, lạ từ vùng miền khác. Để cùng cảm nhận cái hồn của từng miền đất với những sắc thái riêng, khó lẫn.
 NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm

Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

(GLO)- Những năm qua, Hội Nông dân xã Trà Đa (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) luôn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng thiết thực, gắn với sản xuất và đời sống của hội viên. Qua đó đã giúp nhiều hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng địa phương.
Lần đầu đến Krong

Lần đầu đến Krong

(GLO)- Cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước, những người có mặt ở Gia Lai sau năm 1975 như chúng tôi cũng chỉ nghe nói đến căn cứ địa cách mạng Krong chứ không mấy ai vào được nơi này, bởi điều kiện giao thông và phương tiện đi lại vô cùng gian khó.
Sức sống mới ở làng tái định cư

Sức sống mới ở làng tái định cư

(GLO)- Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của người dân 5 làng tái định cư thuộc xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống no đầy.
Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.