Krông Pa, mùa nấm mối

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một trong những điều mà tôi nhớ nhất khi xa Krông Pa (Gia Lai) là hương vị của từng món ăn nơi thân thương ấy. Hôm rồi qua Facebook của một người bạn, tình cờ tôi gặp hình ảnh một rổ nấm mối. Những cây nấm vừa mới nhú, bụ bẫm, tươi ngon. Vậy là mùa nấm mối đã về vùng lòng chảo. Nhìn mà thấy thèm, thấy nhớ. Nhớ mùa nấm về, nhớ những chuyện xôn xao quanh cây nấm.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Sao gọi là “mùa nấm” mà chỉ có một vài ngày? Mà sao một năm cũng chỉ đôi lần nấm mọc? Là vì, nấm mối chỉ mọc mùa mưa, khi mưa lâu ngày đủ ẩm, đủ thấm. Từ những chỗ đất cao, sạch sẽ, nơi có mối làm tổ, cứ thế nấm mọc lên. Đây là loại nấm hoàn toàn tự nhiên mọc lên nhờ một chất trong nước bọt của những con mối thợ. Chúng mọc trong đêm, mọc rất nhanh và rộ vào khoảng 5-6 giờ sáng.
Sớm mai ra vườn, ra rẫy gặp mớ nấm ngon hái về, dùng dao nhỏ cẩn thận cạo sạch phần mũ và phần chân nấm. Rửa nước lạnh cho sạch đất cát, xong hòa chút nước muối loãng ngâm sơ, rửa sạch, để ráo, rồi chế biến. Có muôn cách để chế biến các món từ nấm mối. Ví như: canh nấm, cháo nấm, bánh xèo nấm, giá xào nấm, mướp xào nấm, canh rau nấm, lẩu nấm..., nhưng món được ưa chuộng nhất ở Krông Pa vẫn là nấm xào muối lá é. Món này đơn giản lại giữ được trọn vẹn tất cả hương vị thanh tao nhất của tự nhiên trời đất. Chỉ cần cho chút mỡ (hoặc chút dầu ăn) tao hành cho thật thơm rồi cứ thế bỏ nấm vào xào. Cho lửa to, nêm chút muối, đảo nhanh tay để nấm chín đều và không ra nhiều nước. Trước khi nhắc khỏi bếp, không quên nêm ít muối lá é đã giã sẵn để nấm xào thêm thơm và đậm vị. Ngày mưa lạnh, ăn chén cơm nóng với nấm mối xào muối lá é thì không gì bằng. Bao tinh túy, thảo thơm của tự nhiên hoa cỏ quyện cả trong bát cơm nấm xào chan xâm xấp chút nước nguyên chất được chắt ra từ những cọng nấm bụ bẫm, trắng ngon. Vừa nhai vừa cảm nhận cái vị vừa ngọt lừ vừa tê tê cay cay; vừa nhai vừa lắng nghe cái dai dai, giòn giòn của nấm. 
Không quá khi nói rằng ăn nấm là cả nghệ thuật của người nấu lẫn người thưởng thức. Phải nấu sao cho nấm vừa độ chín, thơm mà không nồng, chín mà vẫn dai vẫn giòn vẫn bắt mắt. Người thưởng thức thì chậm lại, khẽ khàng để cảm nhận cái nhã nhặn tự nhiên của nấm quyện trong hương thơm nồng nồng của lá é và ớt xiêm xanh. Cảm nhận hương vị dân dã, thanh tao của món quà thiên nhiên ban tặng cho cuộc sống lắm nhọc nhằn của người dân vùng lòng chảo...
Mỗi mùa nấm đến rồi qua rất nhanh, để lại bao nhớ thương lưu luyến. Không chỉ bởi đó là thức món của người ăn sành vừa cao sang vừa bình dị mà còn bởi, mỗi khi nhắc về nấm mối-muối lá é, ta lại nhớ cái hồn riêng của quê hương Krông Pa...
Sen Hạ

Có thể bạn quan tâm

Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.