Những thầy thuốc hết lòng vì người bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ quan tâm đến công tác điều trị, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi còn giúp đỡ và vận động các Mạnh Thường Quân cùng chung tay hỗ trợ các bệnh nhân vượt qua khốn khó, an tâm điều trị.

Cuối tháng 1-2018, cháu Pui Blech (xã Ia O, huyện Ia Grai) được chuyển đến Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Nhi) vì sinh non. Qua một thời gian điều trị, bệnh nhi có tiến triển tốt nhưng người nhà nằng nặc đòi về dù sức khỏe cháu bé còn yếu, có thể gặp nguy hiểm. Qua tìm hiểu nguyên nhân, gia đình cho biết đã hết tiền chi tiêu sinh hoạt. Các bác sĩ Khoa Sơ sinh đã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền ăn và chi phí sinh hoạt. Nhờ đó, sau gần một tháng điều trị, Pui Blech đã mạnh khỏe và được xuất viện. Trường hợp bệnh nhi Kbêck (làng Chup, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) cũng tương tự. Nhờ sự quan tâm, động viên, hỗ trợ kịp thời của các bác sĩ và các nhà hảo tâm, sau một tháng điều trị, cháu đã xuất viện trong niềm hân hoan của người nhà và các y-bác sĩ.

 

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Gia Lai tham gia đợt thiện nguyện khám-chữa bệnh cho đồng bào vùng sâu.                                           Ảnh: N.Y
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Gia Lai tham gia đợt thiện nguyện khám-chữa bệnh cho đồng bào vùng sâu. Ảnh: N.Y

Đa số các bệnh nhi nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi hầu hết đều có bảo hiểm y tế chi trả. Tuy nhiên, nhiều gia đình dân tộc thiểu số gặp khó khăn do không có đủ chi phí sinh hoạt trong thời gian chăm sóc con cháu. Bên cạnh đó, họ còn vướng bận gia đình, con cái ở nhà không ai chăm sóc nên đòi xuất viện. Bác sĩ Nguyễn Thụy Điển (Khoa Sơ sinh) cho biết: “Đối với những trường hợp như vậy, cùng với việc tận tình chăm sóc về mặt chuyên môn, các bác sĩ còn động viên, giải thích, thuyết phục bằng nhiều cách. Bệnh nhân khó khăn về chi phí thì tìm nguồn hỗ trợ. Nói chung là làm mọi cách để người nhà an tâm cho con điều trị đến khi khỏe mạnh mới xuất viện”.

Tuy vậy, không phải lúc nào mọi việc cũng suôn sẻ. Bác sĩ Phan Thị Thùy Trang-Trưởng khoa Hồi sức-Tích cực-Chống độc, chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ trường hợp bệnh nhi Duyn (8 tháng tuổi). Giữa năm 2017, cháu Duyn nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng, viêm màng não, nhiễm trùng huyết. Trong thời gian điều trị, hết tiền chi tiêu, cha mẹ cháu đòi về. Các bác sĩ tìm hiểu và kêu gọi hỗ trợ. Sau đó, hết tiền họ lại xin về, chúng tôi tiếp tục kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ lần 2, nhưng cuối cùng họ vẫn một mực xin về. Chúng tôi đành xin xe từ thiện để giúp đưa cháu về nhà và xin số điện thoại gia đình để thỉnh thoảng động viên, hỏi thăm tình hình”.

Công việc nhiều, áp lực nặng nề nhưng các thầy thuốc vẫn hết mình vì bệnh nhân. Bác sĩ Phan Xuân Hoàng (Khoa Hồi sức-Tích cực-Chống độc) cho biết: “Chỉ cần vài câu thăm hỏi, mình đã có thể hiểu rõ hơn về hoàn cảnh gia đình của bệnh nhi, từ đó có hỗ trợ kịp thời. Không chỉ giúp đỡ về chi phí sinh hoạt, nhiều ca bệnh nặng phải chuyển tuyến trên điều trị, chúng tôi cũng kêu gọi các cá nhân, tổ chức từ thiện hỗ trợ chi phí chuyển viện, hoàn chỉnh giấy tờ, thủ tục cho bệnh nhân… Nhờ đó, nhiều bệnh nhân được hỗ trợ điều trị kịp thời, ổn định sức khỏe”.

Bác sĩ Trang nhớ lại: “Tháng 7-2017, bệnh nhân Rơ Mah Utan (SN 2003, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch, chẩn đoán viêm não Nhật Bản biến chứng viêm phổi, xẹp phổi, hôn mê sâu, phải thở máy. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân 2 lần ngưng tim, ngưng thở phải hồi sức tích cực. Gia đình gần như đã từ bỏ hy vọng. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng điều trị, bệnh nhân dần hồi phục và xuất viện trong niềm vui vô bờ bến của gia đình và các bác sĩ”.

“Một khi đã chọn nghề thầy thuốc thì việc cứu chữa cho người bệnh, tính mạng của người bệnh là quan trọng nhất. Giúp được bệnh nhân điều gì thì mình làm hết sức thôi”-bác sĩ Nguyễn Thụy Điển chia sẻ.

Như Ý

Có thể bạn quan tâm

34 cán bộ, nhân viên y tế Gia Lai được tập huấn nâng cao năng lực quản lý suy dinh dưỡng cấp tính

34 cán bộ, nhân viên y tế Gia Lai được tập huấn nâng cao năng lực quản lý suy dinh dưỡng cấp tính

(GLO)- Từ ngày 23 đến 25-4, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý suy dinh dưỡng cấp tính cho 34 cán bộ, nhân viên y tế phụ trách công tác dinh dưỡng tuyến huyện thuộc Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2024.
Bệnh gì nên hạn chế uống cà phê?

Bệnh gì nên hạn chế uống cà phê?

Nhiều người thường bắt đầu ngày mới với tách cà phê. Thói quen này thực sự mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, theo chuyên gia, cà phê có thể tương tác với một số loại thuốc.
Đau nửa đầu bên phải là dấu hiệu bệnh gì?

Đau nửa đầu bên phải là dấu hiệu bệnh gì?

Có những cơn nhức đầu khó chịu và vùng đau chủ yếu nằm ở nửa bên phải đầu. Cảm giác đau nhức này có thể xuất hiện ở sau đầu, hàm, mắt hay xoang. Tuy nhiên, tất cả đều nằm ở nửa bên phải đầu. Nguồn gốc của những cơn đau nhức có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.
WHO phê duyệt vaccine mới ngừa dịch tả

WHO phê duyệt vaccine mới ngừa dịch tả

Do hãng dược phẩm EuBiologics (Hàn Quốc) sản xuất, vaccine Euvichol-S được phát triển từ một công thức đơn giản hóa, sử dụng ít thành phần hơn, rẻ hơn và có thể sản xuất nhanh hơn phiên bản trước.