'Nhịp sống' yêu đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Anh Thủy cụt mất hai chân, chỉ còn đôi tay đánh đàn guitar, chú Hưng dị tật bẩm sinh mù lòa làm ca sĩ hay anh Dương khuyết tật vận động chân phải, bàn tay vẫn lả lướt trên những phím đàn organ...

 Buổi tập luyện trước chuyến lưu diễn của ban nhạc “Nhịp sống”
Buổi tập luyện trước chuyến lưu diễn của ban nhạc “Nhịp sống”


Những số phận kém may mắn ấy từ khắp các xã, phường của tỉnh Đắk Lắk về sum họp dưới một mái nhà và thành lập nên ban nhạc “Nhịp sống”. “Nhịp sống” thỏa mãn niềm đam mê, mang lời ca tiếng hát đi lưu diễn, dành tiền tặng cho những trẻ em nghèo mồ côi, khuyết tật.

Mỗi thành viên là một nghị lực sống

8 giờ sáng một ngày chủ nhật cuối tháng 3, căn phòng nhỏ phía sau Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đak Lak (nơi “Nhịp sống” được thành lập) trở nên rộn rã náo nhiệt. Đây là nơi gặp gỡ tập luyện trước những chuyến lưu diễn của các thành viên ban nhạc.

Để tới được lớp luyện nhạc, anh Phú (bị bại liệt) nhờ con chở tới, anh Hưng (khiếm thị) được mẹ dắt đi hay như chú Bảo tự chống nạng đi bộ từ sáng sớm cho kịp giờ. Ban nhạc gồm các nhạc cụ: một cây đàn organ, hai guitar điện, một bộ trống điện tử cho năm thành viên và bốn ca sĩ chính. Ca sĩ và các nhạc công tùy theo từng tiết mục có thể thay đổi vị trí cho nhau.

Các thành viên trong ban nhạc “Nhịp sống” là những câu chuyện xúc động về nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Giá như có đôi mắt sáng có lẽ con đường đến với nghề giáo viên thanh nhạc của anh Lê Hoàng Gia Hưng (thị xã Buôn Hồ, ca sĩ ban nhạc) sẽ bớt đi những chông chênh, gập ghềnh. Từ ngày mới sinh anh ra, mẹ anh như chết lặng trên giường bệnh khi nhìn thấy đôi mắt của anh cứ nhắm lại, không mở ra được. Bác sĩ bảo anh bị dị tật mù bẩm sinh không chữa trị được.

Anh Hưng kể về những đam mê âm nhạc cháy bỏng ngay từ nhỏ và ấp ủ ước mơ trở thành ca sĩ. “Trời không lấy đi của ai tất cả, không có đôi mắt thì còn đôi tay, đôi chân tôi vẫn có thể theo đuổi được những đam mê của mình. Chúng tôi thành lập ban nhạc này cũng vì mong muốn những người chung hoàn cảnh có thêm điểm tựa động lực vươn lên. Hãy như cây xương rồng trên cát, dù trong điều kiện sống có khắc nghiệt đến đâu cũng vươn lên mà sống” - anh Hưng nói.

Anh thi đậu vào Trường CĐ Sư phạm Đak Lak chuyên ngành nhạc đoàn đội và hiện tại là giáo viên tại cơ sở dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân (TP. Buôn Ma Thuột).

Lớn lên với đôi chân không lành lặn từ năm 2 tuổi, anh Nguyễn Thái Dương, thành viên chơi guitar và đàn organ của “Nhịp sống”, phải đối diện với muôn vàn khó khăn. Kết thúc 12 năm tới trường trên đôi chân không lành lặn ấy, anh thi đỗ chuyên ngành guitar Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk. Sau khi tốt nghiệp CĐ, anh về giảng dạy tại cơ sở dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân (TP Buôn Ma Thuột) suốt ba năm.

Những ngày đầu năm 2001, khi đi ngang qua Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ thiểu năng trí tuệ, tự kỷ gào thét, cấu xé bản thân để giải tỏa những tức tối trong lòng, anh tự nguyện xin vào trung tâm công tác với hi vọng phần nào giúp đỡ những đứa trẻ tội nghiệp ấy.

Để mưu sinh, mỗi thành viên trong ban nhạc chọn cho mình một nghề khác nhau. Anh Nguyễn Văn Thủy (xã Ea Phê, huyện Krông Pắk) năm 7 tuổi đi chăn bò giẫm phải mìn chiến tranh còn sót lại, phát nổ cụt cả hai chân, nay đã mở quán mua bán, sửa chữa đồng hồ nuôi gia đình; anh Cao Quang Bảo (xã Ea Kuang, huyện Krông Pắk) năm 2 tuổi bị ban sởi mù hai mắt xin vào làm tại cơ sở xoa bóp cho người mù.

Hay chị Nguyễn Thị Hạnh (xã Hòa Lễ) bị khuyết tật vận động, nay là cán bộ y tế huyện Krông Bông, anh Trọng liệt mất một chân mở quán cắt tóc... đều mang trong mình khát vọng vươn lên.

Vượt trăm cây số lưu diễn tặng người nghèo

Từ ý tưởng của trung tâm khuyết tật và sự giúp đỡ về chi phí mua nhạc cụ của Tổ chức Hà Lan (MCNV), tháng 6-2011 ban nhạc “Nhịp sống” được thành lập với các thành viên được tuyển chọn từ khắp các xã của tỉnh Đắk Lắk để đi lưu diễn gây quỹ cho trẻ em khuyết tật.

Để có một buổi lưu diễn đến các thôn, buôn vùng sâu vùng xa đối với người bình thường đã vất vả, thì đối với những người khuyết tật như các anh lại khó khăn gấp bội phần. Cho đến bây giờ sau sáu năm hoạt động, đi qua biết bao nhiêu làng xã anh Dương vẫn nhớ như in kỷ niệm về mỗi chuyến đi. Chuyến đi mà ban nhạc lưu diễn xa nhất là ở xã Cư Kty, huyện Krông Bông, cách TP. Buôn Ma Thuột 100 km.

“Thời tiết đang vào mùa mưa, chuyến đi lại vào những ngày cuối tuần nên việc chuẩn bị đồ ăn, thức uống, vận chuyển trang thiết bị âm thanh đều do anh em tự làm hết. Người bị mù bám lấy vai người cụt chân ngồi trên xe lăn dẫn đi. Mỗi người một tay cho xong việc” - anh Dương kể.

Theo Tuoitre

Chia sẻ cho người khuyết tật ở xã

Ông Trần Xuân Tiến, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, chia sẻ sau sáu năm hoạt động, cứ mỗi buổi lưu diễn số tiền quyên góp được ban nhạc gửi hết lại cho địa phương để giúp đỡ những trẻ em khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn.

Ban nhạc “Nhịp sống” tham gia hội thi “Tiếng hát người khuyết tật” toàn quốc, từng đoạt 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc.

Có thể bạn quan tâm

Bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho thiếu niên, nhi đồng

Bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho thiếu niên, nhi đồng

(GLO)- Nhằm bồi đắp lòng tự hào dân tộc, tình yêu với Đội TNTP Hồ Chí Minh cho thiếu niên, nhi đồng, từ ngày 19 đến 21-4, tại Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Thành Đoàn phối hợp với Phòng GD và ĐT TP. Pleiku tổ chức hội thi tuyên truyền ca khúc măng non với chủ đề “Giai điệu tự hào”.