Hiểm nguy rình rập tại cầu treo Ia Grăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau nhiều năm sử dụng, cầu treo Ia Grăng đã xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, hiện nay, hàng trăm người dân vẫn phải liều mình đi lại trên cây cầu này mỗi ngày.

Cầu treo Ia Grăng bắc qua suối Ia Grăng nối liền xã Ia Tô và xã Ia Grăng (huyện Ia Grai). Cây cầu treo này dài gần 100 m, bề rộng 2,5 m được đưa vào sử dụng cách đây hơn 10 năm chính là con đường thông thương duy nhất của hàng trăm hộ dân ở 2 xã Ia Tô và Ia Grăng. Người dân xã Ia Tô thường đi qua cầu treo để sang xã Ia Grăng làm  rẫy. Còn ở chiều ngược lại, các mặt hàng nông sản, hàng hóa ở xã Ia Grăng hầu hết phải chuyển qua tuyến đường có cây cầu treo để đi tiêu thụ. Bởi vậy, mỗi ngày có hàng ngàn lượt phương tiện cơ giới, chủ yếu là xe máy, công nông đi qua cầu treo Ia Grăng.

 

Dù nguy hiểm nhưng người dân vẫn phải qua lại trên cây cầu xuống cấp này.         Ảnh: V.N
Dù nguy hiểm nhưng người dân vẫn phải qua lại trên cây cầu xuống cấp này. Ảnh: V.N

Sau một thời gian dài “gồng gánh” những chuyến xe chở hàng nông sản tải trọng lớn nhưng ít được bảo dưỡng, duy tu, cầu treo Ia Grăng đã xuống cấp trầm trọng, trở thành mối lo lắng thường trực của người dân trong vùng. Cây cầu được thiết kế với dây văng bằng thép, khung cầu bằng sắt kết hợp với gỗ. Mặt cầu được làm bằng 2 tấm thép dát mỏng cố định trên những tấm gỗ. Hiện nay, một số điểm được thiết kế bằng sắt, thép đã có dấu hiệu han rỉ, lung tay. Đặc biệt, những phần bằng gỗ đã mục nát. Những tấm thép trên mặt cầu cũng đã cong vênh, nhiều điểm bong ra khỏi thanh gỗ dùng để cố định.

Những vết gãy này khiến phần mặt cầu xuất hiện những khoảng trống rất nguy hiểm, khiến bất kỳ ai đi qua đều cảm thấy lo sợ. Không ít những vụ tai nạn đã xảy ra trên cây cầu này. Anh Rơ Mah Kyl (làng Lũ, xã Ia Grăng) cho biết: “Gỗ mục hết rồi nên mặt cầu bị hở to lắm, nhiều người đã bị ngã. Cũng may là xe chưa rơi hẳn xuống suối, mọi người phải hò vào giúp đỡ mới kéo được xe lên khỏi hố. Nếu cứ để thế này đến lúc gỗ mục thêm, mặt cầu hở to hơn thì xe dễ rơi hẳn xuống lòng suối, rất nguy hiểm”.

Theo ghi nhận của P.V, ở 2 đầu cầu đều treo bảng báo cầu hư hỏng và cấm các phương tiện cơ giới qua lại. Tuy vậy, hàng ngày, người dân vẫn phải đi qua cây cầu này vì đây là con đường duy nhất. Anh Siu Kên (làng Châm, xã Ia Grăng) chia sẻ: “Biết đi qua cây cầu này nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác. Nếu vào mùa khô, lòng suối cạn thì có thể đi xe công nông, xe máy qua được chứ giờ nước lớn, không ai dám đi qua suối nên đành phải đi trên cầu thôi. Mong sao Nhà nước sớm sửa chữa cầu giúp người dân chứ chuẩn bị đến mùa thu hoạch cà phê, mì… xe công nông mà chở nặng đi qua cầu này thì dễ sập lắm”.

Trao đổi với P.V, ông Lê Quang Đạo-Chủ tịch UBND xã Ia Grăng, cho biết: “Huyện đã cho cán bộ về khảo sát, đánh giá và đang chờ xử lý khắc phục. Mặt khác, UBND xã cũng treo bảng cảnh báo người dân khi đi qua cây cầu này và khuyến cáo các phương tiện cơ giới chở hàng hóa không nên qua lại cây cầu này để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc”.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

(GLO)- Sự hiện diện của màu xanh thiên nhiên như xương rồng mini, chậu kiểng lá nhỏ xinh nơi góc bàn làm việc cá nhân, nơi không gian giao dịch không chỉ mang lại cảm giác dễ chịu, thư giãn cho mọi người mà góp phần lan tỏa hình ảnh công sở xanh, thân thiện với môi trường.