(GLO)- Nhân kỷ niệm 58 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), Gia Lai online có cuộc trò chuyện với ông Mai Xuân Hải- Giám đốc Sở Y tế về một số vấn đề mà bạn đọc quan tâm, đặc biệt là công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh và những tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ y-bác sĩ trong tỉnh; xin giới thiệu cùng bạn đọc.
- Trước hết, xin được gửi tới ông và đội ngũ y-bác sĩ đang công tác trong ngành Y tế của tỉnh lời chúc tốt đẹp nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2). Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tỉnh ta trong thời gian qua?
Toàn ngành Y tế Gia Lai hiện có 4.242 cán bộ y tế, trong đó bác sĩ: 582 (bác sĩ có trình độ sau đại học là 219), có 280 dược sĩ; tỷ lệ bác sĩ đang công tác tại tuyến xã đạt 66%; 100% số xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 2.019 nhân viên y tế thôn làng. Tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân là 5,9 (bình quân toàn quốc là 8); tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân là 21,34, bình quân toàn quốc là 12 (tính cả bác sĩ và giường bệnh của Quân đội và ngành khác đứng chân trên địa bàn tỉnh).
Hiệu suất sử dụng giường bệnh hàng năm cao, bình quân sử dụng giường bệnh của tỉnh đạt 95-98%, một số bệnh viện đạt 120-150%. Những năm qua, ngành Y tế tỉnh nhà đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chuyên môn như công tác khám-chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, y tế dự phòng, quân dân y kết hợp, công tác đào tạo. Đặc biệt, trong công tác xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, mặc dù có 10 tiêu chí, gồm 50 chỉ tiêu rất nghiêm ngặt về trình độ cán bộ, trang-thiết bị, cơ sở vật chất... nhưng trong năm 2012 đã có 20 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; nâng tổng số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã là 84 xã.
Tuy nhiên, ngành Y tế vẫn còn tồn tại những khó khăn. Cụ thể: Hệ điều trị vẫn còn thiếu đội ngũ bác sĩ chuyên khoa sâu như: thần kinh, tim mạch, lão khoa... Cơ cấu cán bộ y tế chưa cân đối tại các bệnh viện, như tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ thấp so với quy định hay nhân lực y tế chưa cân đối giữa các đơn vị tuyến huyện. Các bệnh viện như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực: Ayun Pa, An Khê, các Trung tâm Y tế: Pleiku và Đak Đoa... đều quá tải. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản còn nhiều hạn chế; đặc biệt tỷ lệ tử vong mẹ liên quan đến thai sản còn cao (năm 2012: 16 trường hợp).
Công tác khám-chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại các bệnh viện tuyến huyện và trạm y tế tuyến xã chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, hệ y tế dự phòng thiếu bác sĩ trầm trọng; hệ thống thu gom, xử lý chất thải y tế tại nhiều bệnh viện xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu quy định. Một số đơn vị hiệu quả sử dụng trang-thiết bị y tế chưa cao, chưa có cán bộ chuyên trách đối với việc bảo trì, bảo dưỡng và quản lý sử dụng trang-thiết bị y tế. Chế độ chính sách trong đào tạo, thu hút cán bộ được ngành và tỉnh đặc biệt quan tâm, tuy nhiên so với nhu cầu hiện nay của ngành vẫn còn thiếu.
- Để khắc phục những tồn tại kể trên, trong năm 2013 này và những năm tiếp theo, ngành Y tế tỉnh nhà sẽ tập trung vào những công tác trọng tâm nào, thưa ông?
Năm 2013, ngành Y tế Gia Lai tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục hỗ trợ, đầu tư cho công tác y tế dự phòng từ tỉnh đến huyện giai đoạn 2011-2020. Đảm bảo kinh phí cho hệ dự phòng, đặc biệt là kinh phí thực hiện các dự án mục tiêu y tế quốc gia. Có chính sách thu hút bác sĩ về công tác tại tỉnh, đặc biệt là hệ y tế dự phòng và tuyến xã.
Bên cạnh đó, tiếp tục bố trí đủ kinh phí đầu tư để thực hiện xây dựng các bệnh viện Sản-Nhi, Tâm thần; bổ sung vốn trái phiếu để tiến hành mua sắm trang-thiết bị cho các bệnh viện thuộc kế hoạch 2012. Đầu tư xây dựng và nâng cấp các trạm y tế xã hoàn chỉnh để đạt tiêu chí quốc gia về y tế, củng cố và phát triển vườn cây thuốc Nam theo định hướng của Chính phủ và Bộ Y tế.
Mặt khác, tiếp tục nâng cao trình độ cán bộ và tăng cường đầu tư trang-thiết bị cho Khoa Sản-Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản để giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh; tăng giường bệnh cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các Bệnh viện Đa khoa khu vực: Ayun Pa, An Khê cũng như Trung tâm Y tế Pleiku, Trung tâm Y tế Đak Đoa. Đầu tư hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ tại các trung tâm y tế, bệnh viện, Sở Y tế để quản lý công tác khám-chữa bệnh, công tác quản lý thuốc và tài chính... Đồng thời, ngành cũng có kiến nghị để được sử dụng quỹ kết dư bảo hiểm y tế dùng cho việc đầu tư mua sắm, bảo dưỡng trang-thiết bị y tế, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và những khoản chi khác để phục vụ khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế tại địa phương...
- Là một thầy thuốc, với cương vị là người đứng đầu ngành, đâu là điều ông muốn chia sẻ, gửi gắm tới đội ngũ y-bác sĩ-những người đang ngày đêm cống hiến tâm sức, hết mình cho công tác chữa bệnh cứu người trên địa bàn tỉnh?
Từ ngàn xưa, y đức luôn là vấn đề hàng đầu đối với những người làm ngành Y. Ngành Y không phải là ngành nghề kinh doanh, làm giàu. Tuy nhiên mặt trái của nền kinh tế thị trường đã làm thay đổi nhiều bộ mặt ngành Y của Việt Nam. Ngày nay người ta chú trọng nhiều hơn đến kinh tế, ngành Y trở thành ngành nghề “hot” nhất tại Việt Nam vì khả năng làm giàu.
Đã có nhiều quy tắc và pháp lệnh về đạo đức nghề nghiệp của ngành Y như 12 điều Y đức, Quy tắc ứng xử trong ngành Y, tuy nhiên tình trạng phong bì với bệnh nhân vẫn còn tái diễn, tình trạng lơ là trong công tác chuyên môn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân vẫn còn xảy ra... Nguyên nhân ai cũng hiểu, tuy nhiên thực tế này vẫn sẽ tồn tại nếu chúng ta vẫn lựa chọn những người làm công tác chuyên môn không vì cái tâm đối với người bệnh mà vì quyền lợi đi đôi với quyền lực. Những đơn vị điều trị cần lựa chọn những người có đức, có tài và có tâm với người bệnh mới hy vọng cải thiện được chất lượng chăm sóc người bệnh.
Để làm tốt vấn đề y đức, tôi cho rằng, trước hết những người đứng đầu các đơn vị y tế phải thực sự gương mẫu; người bệnh phải tôn trọng thầy thuốc. Bên cạnh đó, các đơn vị thông tin truyền thông phải thực sự công minh và nhìn nhận vấn đề khách quan hợp lý... Hiện nay ngành Y tế Gia Lai một mặt luôn tìm cách nâng cao chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế trong phạm vi cho phép, mặt khác tuyên truyền động viên nhân viên y tế làm việc vì sự nghiệp chung, xây dựng những quy định khắt khe trong việc phát hiện lấy phong bì của người bệnh cũng như tuyên truyền cho nhân dân việc nói không với đưa phong bì...; trước mắt đã thấy có phần nào hiệu quả.
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), thay mặt lãnh đạo ngành, qua Gia Lai online, tôi xin gửi tới các y-bác sĩ cùng toàn thể cán bộ, công nhân viên của ngành Y tế tỉnh nhà lời chúc sức khỏe, có nhiều thành công trong cuộc sống và mong đội ngũ những thầy thuốc luôn nêu cao y đức, tận tâm tận lực hết lòng vì bệnh nhân.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Thu Huế (thực hiện)