Về miền huyền tích Cánh đồng Cô Hầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Cung đường từ thị trấn Kbang ngược vào Cánh đồng Cô Hầu (làng Quao, xã Nghĩa An, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đầy nắng và gió. Thiên nhiên kể cho tôi nghe câu chuyện mới mẻ, níu lòng và cả những chuyện còn in trong từng trang sử.

Những cung đường đến các buôn làng, dẫn lối về những miền huyền thoại bao giờ cũng có một hấp lực đặc biệt. Với tâm thế của một người mong được bồi đắp thêm, làm dày hơn sự hiểu biết về lịch sử và có thêm sự chiêm nghiệm về vùng đất, tôi quyết tìm về miền huyền tích Cánh đồng Cô Hầu.

Nhà tưởng niệm công lao của Yă Đố. Ảnh: N.T.D

Nhà tưởng niệm công lao của Yă Đố. Ảnh: N.T.D

Bắt đầu từ trung tâm thị trấn Kbang, bản đồ hiển thị 14 km. Tôi xuôi theo con đường độc đạo, thi thoảng, ánh mắt chạm tới dáng hình của những ngôi làng nhỏ xinh. Hai bên đường, hàng cây râm bụt ngày nối ngày, mùa tiếp mùa khoe sắc, nở những đóa lập lòe, đơm từng bông thắm đỏ chào mời bước chân du khách đường xa. Buổi sớm mai, khi mặt trời vừa trở mình, con đường khoác lên mình một làn sương mỏng như khói, mượt như sương sa. Thoảng trong gió, tôi nghe được chút hương thơm của những tàng lá bạch đàn, trong ngần, tươi non. Lòng tự hỏi đây chính là hương của tình yêu cuộc sống?

Suốt quãng đường 14 km ấy, tôi gặp bạt ngàn sắc xanh. Tôi thích thú ngắm nhìn những ruộng mía nối nhau, ngút ngàn, như thể từ đấy bao nhịp thang bắc lên thinh không và tôi có thể bước lên để chạm vào mây. Thời gian từ khi trồng đến lúc thu hoạch là gần cả năm. Vậy nên, trên chặng đường đến Cánh đồng Cô Hầu, bao giờ cũng thấy bóng dáng của mía, như một hình ảnh đặc trưng riêng có. Tôi cũng từng lớn lên từ gốc rạ, chẳng xa lạ với cây mía, nhưng không phải nơi nào cũng có một thung lũng bạt ngàn màu xanh của mía.

Ở quê tôi, bà con nông dân thường trồng mía trên từng thửa nhỏ, thu hoạch thủ công. Còn ở đây, mía xòe tay hứng sương, đón nắng, đón gió; mía múa gươm, chạm vào nhau tạo nên những thanh âm xào xạc, lao xao mỗi khi có cơn gió nhẹ lướt qua. Tôi từng đọc một tài liệu nói rằng, thuở sơ khai, đất ở đây đều hoang hóa, lùm bụi hoang sơ, người dân địa phương bỏ công khai phá để thành những vườn cam, vườn mít, những rẫy mía tươi tốt. Khi mặt trời qua hẳn ngọn cây bạch đàn thì mía cũng khoe màu xanh căng đầy sức sống. Bao thế hệ đã nỗ lực, đóng góp công sức như cách cây mía trả công mà góp nên sắc màu, tô thắm cuộc sống của người dân nơi đây.

Đi một đoạn, tôi bắt gặp chiếc xe máy của người dân bỏ lại giữa đường ngay cạnh là cây cô đơn bóng râm mát rượi. Tiếng ê a tập đọc của lũ trẻ con, tiếng cười đùa tan trong sớm. Thấy được cả dáng núi thật gần. Những căn nhà nhỏ bên ô cửa gỗ xinh xắn, thấp thoáng sau bóng mát của cây cối. Một avatar của Cánh đồng Cô Hầu dần hiện ra trước mắt tôi.

Đặt chân đến vùng huyền tích xưa xa, tôi như thấy hiện ra trước mắt mình những trang sử hào hùng của anh em nhà Tây Sơn cùng sức mạnh gắn kết cộng đồng trong buổi đầu dựng cờ khởi nghĩa. Theo sử sách ghi lại thì người đã tìm vùng đất lý tưởng cho nghĩa quân Tây Sơn là Yă Đố, một phụ nữ Bahnar, vợ thứ của Nguyễn Nhạc, còn gọi là Cô Hầu.

Men theo con đường nhỏ từ tấm bia chỉ dẫn đặt ở đầu đường, đi bộ tầm 800 m là tới nhà tưởng niệm, nơi địa phương xây dựng để ghi nhớ công lao của Yă Đố. Dừng chân giữa thâm trầm rừng núi, xung quanh còn lại là cánh đồng lúa năm xưa mà Yă Đố và dân làng cùng nhau sản xuất lương thực cho nghĩa quân Tây Sơn một thời, giờ vẫn đang được canh tác, dẫu bây giờ diện tích đã dần thu hẹp.

Gần đấy, con suối hiền hòa miên miết chảy, tưới mát quanh năm đồng nhỏ. Xa kia là cánh rừng cổ thụ. Cây xanh bóng mát, muông thú như quyện vào không gian, góp phần tạo nên hệ sinh thái rừng đa dạng, thú vị, độc đáo. Tất cả như hòa chung, cộng sinh để khu di tích này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Lao xao ruộng mía, đường đến Cánh đồng Cô Hầu. Ảnh: Nguyễn Thị Diễm

Lao xao ruộng mía, đường đến Cánh đồng Cô Hầu. Ảnh: Nguyễn Thị Diễm

Trước nhà tưởng niệm, tôi thêm tin về những lời kể, giai thoại lịch sử, thêm yêu vàng son quá khứ như mới vừa ngang qua, rồi lại hiển hiện trong bước chân tìm về nguồn cội. Lang thang để tìm lại quá khứ hay hướng đến tương lai, đứng trước những di tích xưa hay tạm xa nơi này thì trái tim tôi vẫn luôn ngân nhịp bồi hồi khó tả trước ước vọng ngàn đời mà cha ông để lại.

Ngoài những dấu ấn lịch sử hào hùng, điều để lại ấn tượng với tôi còn là ánh mắt sáng ngời và nụ cười tỏa nắng của những đứa trẻ đang chơi bên đường hay sự thân thiện của bà con Bahnar nơi đây. Cánh đồng Cô Hầu sở hữu nhiều giá trị thiên nhiên để kiến tạo một vùng đất hài hòa giữa dấu xưa vết cũ. Thương nhớ cánh đồng để thấy lòng yêu mến thiên nhiên. Tìm về cánh đồng để trân quý từng khoảnh khắc bình yên ở hiện tại và tự hào những giá trị lịch sử bao đời còn vang mãi trên khắp chốn núi đồi Tây Nguyên.

Chiều muộn, dù chưa muốn nhưng tôi cũng phải trở về. Mặt trời chưa tắt hẳn, nắng vẫn le lói, ẩn tàng dưới những bóng cây dẻ cổ thụ. Vọng theo chiều gió, tiếng xe máy của người đi làm trở về vọng lại. Lòng thốt nhiên chợt thấy yêu mến hơn mảnh đất này.

Có thể bạn quan tâm

Một lần đến thác 50

Một lần đến thác 50

(GLO)- Đã từng có dịp đến tham quan nhiều ngọn thác trong và ngoài nước nhưng chưa ngọn thác nào để lại cho tôi cảm giác vừa hồi hộp lo lắng lại vừa phấn khích như thác 50 (Hang Én) trong chuyến đi vào trung tuần tháng 4 năm nay.
Săn mây ở Tu Thó

Săn mây ở Tu Thó

Mỗi lần đến khu tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum), tôi đều mang một cảm xúc mới.