Đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của hầu hết con em Việt kiều ở nước ngoài như các nước SNG, Mỹ, Lào, Campuchia…, Bộ Giáo dục-Đào tạo bỏ ra nhiều công sức để viết bộ sách “Tiếng Việt vui” nhằm bám sát chương trình, điều kiện và đối tượng bắt đầu học tiếng Việt ở đây.
Bộ sách là công trình nghiên cứu công phu của một tập thể các tác giả có thâm niên và kinh nghiệm viết sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt (TV) trong nước, chủ biên là GS-TS Nguyễn Minh Thuyết. Đây là năm đầu tiên thử nghiệm bộ sách này ở các nước nói trên. Với tư cách là một giáo viên dạy TV ở Trường Cao đẳng Sư phạm nhiều năm, tôi mạnh dạn có mấy ý kiến sau đây.
Những điểm mới
Đây là bộ sách dành riêng cho đối tượng là học sinh Việt kiều bắt đầu học hoặc người nước ngoài muốn học TV. Điều này đáp ứng sự cần thiết của thực tế bức xúc bao lâu nay là có một bộ giáo trình chuyên biệt phù hợp với đối tượng.
Bộ sách “Tiếng Việt vui” đang thử nghiệm. Ảnh: Nguyễn Tiến Dũng |
Về cấu trúc, sách gồm 12 bài học và sau 4 bài có bài ôn tập. Mỗi bài học gồm 4 phần: Hội thoại, luyện nghe, luyện đọc, luyện viết. Cuối bài có liệt kê các từ ngữ trong bài và cuối sách có bảng từ ngữ tổng hợp. Ngoài ra, cuối mỗi cuốn sách còn có các bài đọc, thường là đoạn hội thoại, truyện cực ngắn với nội dung dí dỏm, nhẹ nhàng để luyện nghe; giáo viên và người học có thể đối chiếu phần luyện nghe này với bài học để củng cố kiến thức và thực hành các kỹ năng: Nghe-nói-đọc-viết. Điểm đặc biệt của bộ sách là biên soạn thành các mô-dun (modules) khác nhau nên giáo viên có thể linh hoạt trong việc lựa chọn các ngữ liệu, đơn vị kiến thức và phương pháp để dạy cho từng đối tượng, điều kiện dạy học cụ thể; không lệ thuộc nhiều vào các chủ đề, chủ điểm, bài học như SGK trong nước. Đây là khâu đột phá táo bạo của những người biên soạn sách nhằm thay đổi phương pháp dạy học tiên tiến.
Theo tôi, điểm mới nhất của bộ sách là mỗi bài học được dạy trong 8 tiết và có thể linh hoạt theo điều kiện thực tế và khả năng tiếp thu của người học. Điều này đồng nghĩa với việc tạo ra một phương pháp dạy học mở. Điểm cốt lõi là rèn kỹ năng sử dụng và học TV của học viên, tạo tiền đề để người học có thể tự học, tự rèn luyện các kỹ năng sử dụng TV theo mục đích giao tiếp.
Khi nói về bộ sách này, nhiều giáo viên ở Pakse-Champassak-Lào nhận xét: Sách dễ bố trí bài học trong khung chương trình địa phương, dễ dạy; học sinh dễ tiếp thu hơn bộ SGK TV Chương trình 2000. Mặt khác, sách kèm với bộ đĩa CD nên các em nghe và tập phát âm theo.
Những điều cần xem lại
Vì mục đích của bộ sách là “vui học” như tên gọi của nó nên yêu cầu kiến thức cần đạt được cũng còn chưa xác định cụ thể. Theo đó, sau khi học hết bậc tiểu học, học sinh khó có thể đọc thông viết thạo, đủ để học tiếp chương trình bậc trên hoặc sau này về Việt Nam theo các chương trình cao đẳng, đại học. Hiện nay, ở Pakse-Champassak-Lào, bộ sách đang được dạy cho học sinh lớp 3 (quyển 1) và dự kiến sẽ dạy lớp 4 quyển 2 và lớp 5 quyển 3, mỗi tuần 3 tiết. Với số tiết và yêu cầu như trên, chắc chắn “chuẩn đầu ra” sẽ thấp.
Một điều băn khoăn khác là bộ sách gồm 6 cuốn nhưng không chia thành bao nhiêu cấp độ, chẳng hạn như cấp độ A, B, C (như giáo trình tiếng Anh, tiếng Pháp). Điều này sẽ khó khăn khi xếp loại trình độ sử dụng TV của từng học sinh khi về Việt Nam học tập.
Mặc dù Bộ Giáo dục-Đào tạo mỗi năm có triệu tập giáo viên đang trực tiếp dạy bộ sách thử nghiệm này về Việt Nam bồi dưỡng, tập huấn, song như vậy cũng chưa đủ. Nên chăng những người biên soạn sách phải khảo sát thực tế giảng dạy, đặc thù từng địa phương, đối tượng… để lựa chọn kiến thức, phương pháp cho phù hợp. Được biết, trình độ TV của học sinh đang học bộ sách này rất phức tạp và thấp. Do đó phải cần một nội dung và một phương pháp đặc thù, không thể đem các phương pháp truyền thống tại Việt Nam để dạy tại đây.
Nguyễn Tiến Dũng