(GLO)- Bằng những mô hình, hoạt động cụ thể, thế hệ trẻ tỉnh Gia Lai đã chủ động vào cuộc để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tiếng cồng chiêng, những làn điệu dân ca vang vọng là tín hiệu vui trong công tác gìn giữ bản sắc văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Khơi gợi đam mê
Cứ vào chiều chủ nhật hàng tuần, đội cồng chiêng của Chi Đoàn làng Amil (xã Ayun, huyện Chư Sê) lại say sưa tập luyện. Tiếng cồng chiêng phát ra từ ngôi nhà sàn của anh Đinh Hrúi-Bí thư Chi Đoàn làng Amil thu hút người qua lại. Những đứa trẻ trong làng cũng háo hức theo chân xem các anh tập luyện.
Anh Hrúi cho hay, đội cồng chiêng có 32 thành viên. Nhờ có các buổi sinh hoạt, luyện tập đánh cồng chiêng mà việc tập hợp đoàn viên, thanh niên thuận lợi hơn trước. “Đời sống khó khăn nên việc bỏ tiền túi để nộp quỹ hoạt động Đoàn là điều không dễ dàng đối với thanh niên trong làng. Chính vì thế, từ năm 2015, Chi Đoàn đã quyết định mượn đất trồng cây gây quỹ”-anh Hrúi kể.
Một buổi sinh hoạt của đội cồng chiêng Chi Đoàn làng Amil, xã Ayun, huyện Chư Sê. Ảnh: Phan Lài |
Hiện tại, Chi Đoàn có gần 1 ha bắp và đậu phộng, mỗi năm thu khoảng 4-5 triệu đồng. Thanh niên trong làng còn gây quỹ bằng cách làm công cho người dân. Từ số tiền thu được, Chi Đoàn ưu tiên cho việc mua cồng chiêng phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Năm 2020, Chi Đoàn đã tiết kiệm được 80 triệu đồng và mua 2 bộ cồng chiêng. Ngoài tham gia các hoạt động trong làng, đội cồng chiêng của Chi Đoàn làng Amil còn thường xuyên được xã cử tham gia các cuộc thi, liên hoan cấp huyện, cấp tỉnh và đều đạt giải cao.
Gây quỹ mua cồng chiêng là cách làm sáng tạo của thanh niên xã Ayun. Bằng cách mượn đất bỏ hoang để trồng trọt gây quỹ, mỗi chi đoàn thu hơn chục triệu đồng/năm. Anh Đinh Nhrối-Bí thư Đoàn xã Ayun-cho biết: “Khi có nguồn quỹ, hoạt động của các chi đoàn ngày càng đa dạng và chất lượng hơn. Có cồng chiêng, thanh niên cũng háo hức tập luyện để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện tại, 6 làng trong xã có 16 bộ cồng chiêng, mỗi làng đều có đội cồng chiêng thanh thiếu nhi”.
Cũng với mong muốn bảo tồn vốn âm nhạc của dân tộc, năm 2020, xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ) ra mắt Câu lạc bộ (CLB) đàn trưng làng Ấp. Câu lạc bộ có 15 thành viên và sinh hoạt định kỳ 2 tuần/lần. Không chỉ giỏi chơi nhạc cụ, các thành viên còn biết làm đàn trưng. Anh Kpuih Dyui-Chủ nhiệm CLB-chia sẻ: “Âm thanh của tiếng cồng, tiếng chiêng, đàn trưng đã ngấm vào máu thịt của mình từ nhỏ. Vì thế, mình tập hợp thanh niên trong làng để thành lập CLB. Lễ hội có âm nhạc truyền thống thì mới vui và ý nghĩa. Các thành viên đều chơi thuần thục đàn trưng. Mình sẽ tiếp tục hướng dẫn để các bạn chơi cồng chiêng thật hay”.
Đa dạng hoạt động bảo tồn
Thời gian qua, các Huyện Đoàn, Thị Đoàn, Thành Đoàn trong tỉnh cũng linh hoạt tổ chức liên hoan để các đội cồng chiêng có cơ hội giao lưu, gặp gỡ.
Cuối tháng 8-2022, Thành Đoàn Pleiku phối hợp với Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thành phố tổ chức Liên hoan cồng chiêng và hát dân ca thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số năm 2022 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết với sự tham gia của hơn 200 thanh-thiếu niên, nhi đồng đến từ 6 xã, phường. Tại liên hoan, các đội thi tham gia biểu diễn 2 nội dung: trình diễn cồng chiêng và hát dân ca. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, mỗi đội thi trình diễn 2 bài cồng chiêng và 2 bài dân ca truyền thống. Em Ksor Lê (12 tuổi, làng Kép, phường Đống Đa, TP. Pleiku) chia sẻ: “Chúng em rất vui vì được đại diện cho phường tham gia liên hoan. Chúng em đạt giải khuyến khích và được gặp gỡ, giao lưu văn hóa với các đội cồng chiêng khác”.
Liên hoan cồng chiêng và hát dân ca thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số TP. Pleiku năm 2022 đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa. Ảnh: Phan Lài |
Anh Thái Giang Nam-Bí thư Thành Đoàn Pleiku-cho hay: “Liên hoan cồng chiêng và hát dân ca thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số được tổ chức thường niên. Các đội thi đều có sự chuẩn bị chu đáo, dàn dựng công phu cho tiết mục biểu diễn. Liên hoan là cơ hội để khơi dậy niềm tự hào, góp phần nâng cao trách nhiệm bảo tồn, giữ gìn giá trị của cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc trong thế hệ trẻ vừa góp phần tập hợp, đoàn kết đoàn viên, thanh niên vào tổ chức Đoàn”.
Trong nhiệm kỳ 2022-2027, tổ chức Đoàn cấp xã, cấp huyện đều đặt ra chỉ tiêu liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Theo đó, Thành Đoàn Pleiku phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ xây dựng 3-5 mô hình du lịch cộng đồng trong thanh niên; mỗi cơ sở Đoàn xã, phường có làng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng mới 1 mô hình giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch. Huyện Đoàn Đak Đoa phấn đấu mỗi xã, thị trấn có 1 mô hình hoặc CLB thanh thiếu nhi tham gia bảo tồn văn hóa dân tộc địa phương…
Đề cập vấn đề này, anh Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh-cho hay: Để giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp không thể thiếu lực lượng nòng cốt là lớp trẻ. Bằng những hành động cụ thể, thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình, chủ động triển khai nhiều mô hình, cách làm hay để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh chỉ đạo tổ chức Đoàn, Hội các cấp chủ động, sáng tạo triển khai và tổ chức liên hoan cồng chiêng, trong đó cấp tỉnh tổ chức định kỳ 2 năm/lần cùng các hoạt động giao lưu văn hóa truyền thống.
PHAN LÀI