Trong khi kế hoạch tạo mặt trăng nhân tạo sáng hơn mặt trăng thật có thể là phi hiện thực, Trung Quốc đã tự chế tạo được "mặt trời nhân tạo" với sức nóng hơn mặt trời thật khoảng 6 lần.
Theo đài Russia Today, mặt trời nhân tạo này có thể đạt đến nhiệt độ 100 triệu độ C, đủ để khiến mặt trời thật chỉ "hơi âm ấm" dù nóng đến 15 triệu độ C.
Cỗ máy “mặt trời nhân tạo” EAST. Ảnh: VIỆN VẬT LÝ PLASMA |
Viện Vật lý Plasma thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết họ đang thử nghiệm một "mặt trời nhân tạo", được biết đến với tên gọi tắt là EAST và đặt tại tỉnh An Huy. Cỗ máy khổng lồ hình chiếc bánh rán này được đặt bên trong hộp hình tròn, sử dụng phản ứng nhiệt hạch để tạo ra sức nóng khủng khiếp. Chỉ riêng chi phí khởi động cỗ máy hằng ngày đã lên đến 15.000 USD.
Mục đích của dự án là tái tạo tiến trình mặt trời tạo ra năng lượng khổng lồ, với hy vọng giải mã bí mật về cách thức làm cho phản ứng nhiệt hạch hạt nhân trở thành hiện thực trên trái đất và một ngày nào đó sẽ trở thành nguồn năng lượng thay thế. Nếu thành công, đây được xem là đột phá khoa học to lớn, mở ra hướng đi an toàn để tạo nguồn năng lượng sạch khổng lồ trong bối cảnh sản xuất năng lượng hạt nhân thông qua phản ứng phân hạch đang thải ra chất độc hại.
Việc đạt đến mốc 100 triệu độ C đánh dấu bước tiến quan trọng trên con đường đi đến mục tiêu nói trên bởi giới khoa học tin rằng đây là nhiệt độ tối thiểu cần thiết để phản ứng nhiệt hạch xảy ra trên hành tinh chúng ta.
"Mặt trời nhân tạo" được Trung Quốc công bố không lâu sau khi nước này tiết lộ kế hoạch chiếu sáng đường phố thành thị vào ban đêm bằng mặt trăng giả. Các "mặt trăng" này thực chất là vệ tinh và được kỳ vọng thay thế đèn đường truyền thống và tiết kiệm năng lượng.
Lục San (NLĐO)