Trái đất dường như quá nhỏ bé đối với tham vọng kinh tế của Trung Quốc. Quốc gia này đang xem xét lập ra một đặc khu kinh tế trong quỹ đạo không gian nối trái đất với mặt trăng vào năm 2050.
Đặc khu này sẽ bao gồm các khu vực không gian gần trái đất, mặt trăng và ở khoảng giữa.
Ông Bao Weimin, người đứng đầu Ủy ban Khoa học và Công nghệ tại Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CAST), tiết lộ vào tuần trước. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, CAST là nhà thầu chính cho chương trình kinh tế không gian này.
Nhật báo Khoa học và Công nghệ trích dẫn ý kiến các chuyên gia trong ngành cho biết dự án có thể mang lại khoảng 10.000 tỉ USD cho Trung Quốc.
Đặc khu kinh tế trái đất- mặt trăng được hi vọng sẽ đem lại 10 ngàn tỉ USD cho Trung Quốc. Ảnh: Pixabay / Jonny Lindner |
Trong một báo cáo về sự phát triển của quỹ đạo không gian trái đất - mặt trăng, ông Bao cũng nói lĩnh vực này có tiềm năng kinh tế rất lớn và do đó nên nghiên cứu các hệ thống vận chuyển hàng không vũ trụ chi phí thấp, đáng tin cậy giữa hành tinh của chúng ta và mặt trăng.
Cơ sở hạ tầng dự kiến hoàn thành vào năm 2030, trong khi mốc thời gian cho công nghệ vận tải chủ chốt là năm 2040. Đến giữa thế kỷ, Trung Quốc có thể thiết lập thành công đặc khu kinh tế vũ trụ, theo quan chức này.
Trung Quốc phát triển lĩnh vực vũ trụ và nghiên cứu mặt trăng trong những năm gần đây. Vào tháng 7, công ty tư nhân i-Space (còn gọi là Công nghệ không gian vinh quang Bắc Kinh) lần đầu tiên đã phóng thành công một tên lửa vào quỹ đạo không gian. Năm ngoái, tàu thăm dò Chang Thaye 4 của Trung Quốc hạ cánh xuống phần tối của mặt trăng vào ngày 3-1.
Gia Minh (NLĐO/Theo RT)