Rất nhiều phụ huynh chủ quan không tiêm vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản hoặc tiêm không đầy đủ khiến trẻ gặp di chứng hết sức nặng nề.
Một trường hợp viêm não Nhật Bản nặng phải thở máy |
Tăng đột biến trẻ lớn mắc viêm não
TS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương cho biết, miền Bắc đang vào cao điểm viêm não Nhật Bản, từ đầu mùa đến nay, khoa đã tiếp nhận 37 trường hợp và tăng nhanh trong những ngày nắng nóng.
Do số lượng bệnh nhi gia tăng, khoa đã dành toàn bộ tầng 3 với hơn 10 giường bệnh để điều trị cho các trẻ mắc viêm não Nhật Bản.
Theo TS Lâm, so với mọi năm, số ca mắc không tăng đột biến nhưng có điểm bất thường khi số lượng bệnh nhi trên 8 tuổi khá nhiều, thậm chí có những trẻ 15 tuổi vẫn mắc và bị biến chứng rất nặng trong khi mọi năm, ca bệnh chủ yếu rơi vào nhóm từ 2-8 tuổi.
Đáng lưu ý, đa số các bệnh nhi vào viện khi đã ở tình trạng nặng. Khai thác bệnh sử, hầu hết phụ huynh đều không nhớ đã tiêm chủng ngừa viêm não Nhật Bản hay tiêm nhắc lại hay chưa.
Điển hình như trường hợp bệnh nhi Nguyễn Thanh C. (15 tuổi, Quảng Ninh), chuyển lên BV Nhi TƯ từ cuối tháng 6 nhưng đến nay vẫn nguy kịch, phải thở máy, thường xuyên lên cơn co giật kèm biến chứng liệt tứ chi,
Hay trường hợp bệnh nhi Nguyễn Thị Ý N. (11 tuổi, Cao Bằng) cũng đang gặp biến chứng méo mồm, ý thức chưa hồi phục hoàn toàn do chưa được tiêm vắc xin ngừa bệnh.
Bệnh nhi Nguyễn Thị Ý N. |
Mẹ bé chia sẻ, con gái ban đầu chỉ đau đầu và sốt, bác sĩ gần nhà chẩn đoán say nắng đơn thuần. Đột nhiên trước giờ ăn tối, bé bỗng lên cơn co giật, méo cả mồm. Gia đình vội vã đưa con đến BV tỉnh Cao Bằng cấp cứu rồi được chuyển thẳng xuống BV Nhi TƯ.
Trước đó cháu Lê Quỳnh T. (13 tuổi, Hải Dương) chuyển vào BV đa khoa tỉnh cấp cứu trong tình trạng sốt cao li bì, co giật, buồn nôn dù trước đó đã uống hạ sốt 2 ngày liên tiếp.
Kết quả chọc dịch não tủy cho thấy bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản, được chuyển lên BV Nhi TƯ điều trị. Do bệnh diễn biến nhanh và nặng nên dù đã điều trị thở máy, dùng thuốc chống phù não tình trạng bệnh nhi vẫn rất nguy kịch.
Mẹ bé T. cho biết từ bé đến giờ cháu mới được tiêm 1 mũi vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản, sau đó phần vì cháu hay ốm sốt, phần vì quên nên không tiêm tiếp.
35% trẻ mắc viêm não để lại di chứng
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua muỗi đốt. Bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỉ lệ tử vong và di chứng cao, từ 25-35%, đặc biệt là các di chứng về thần kinh khiến trẻ giảm khả năng giao tiếp, mất khả năng lao động.
TS Lâm cho biết, bản thân đã chứng kiến nhiều ca viêm não để lại di chứng, trong đó nhiều trẻ liệt tứ chi, nhiều cháu không tự thở được, phải mở khí quản để thở máy kéo dài.
Bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản đang điều trị tại khoa Truyền nhiễm, BV Nhi TƯ |
Viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những viêm nhiễm khác. Tuy nhiên, đến ngày thứ 2-3, triệu chứng biểu hiện rõ dần như: sốt cao đột ngột, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp.
Theo TS Lâm, viêm não Nhật Bản diễn tiến rất nhanh, có thể sau 3 ngày, thậm chí 1 ngày, bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê, phải thở máy, có thể chỉ 1-2 ngày là trẻ có thể tử vong.
Bệnh viêm não Nhật Bản cho tới nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được nhờ tiêm vắc xin.
TS Lâm khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho trẻ: Mũi 1 lúc trẻ 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần, mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm, tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi để đảm bảo cơ thể có đủ kháng thể ổn định.
Ngoài ra, trong sinh hoạt hàng ngày cần chú ý vệ sinh cá nhân, nơi ở sạch sẽ, đi ngủ phải mắc màn để tránh muỗi đốt, vì muỗi chính là vật trung gian truyền căn bệnh viêm não Nhật Bản.
Thúy Hạnh (Vietnamnet)