Trăn trở với cây tiêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm trở lại đây, cây tiêu là một trong những chủ đề nóng được các phương tiện thông tin đại chúng nhắc đến nhiều, bởi sự tăng nóng của giá tiêu cũng như quy mô mở rộng diện tích. Giá liên tục tăng cao, người nông dân ồ ạt trồng mới nhằm chạy theo lợi nhuận trước mắt, “cơn sốt” này dự báo sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường về sau.

Giá tiêu cao, diện tích tiếp tục tăng nóng

Trong khoảng thời gian hơn 1 tháng trở lại đây, giá tiêu liên tục tăng nóng và đạt mức kỷ lục từ trước tới nay. Hiện giá tiêu tại các đại lý thu mua trên địa bàn huyện Chư Sê, Chư Pưh dao động ở mức cao kỷ lục từ 210 ngàn đồng đến 220 ngàn đồng/kg-một mức giá không thể làm hài lòng hơn đối với người trồng tiêu. Giá tiêu tăng cao và ổn định trong nhiều năm trở lại đây là điều kiện để không ít người dân đổ xô tận dụng mọi quỹ đất, kể cả phá cà phê, cao su, săn lùng những vùng đất mới… để chuyển sang trồng loại cây được mệnh danh là “vàng đen” này.

 

Ông Nguyễn Đắt Xưởng (tổ dân phố 6, thị trấn Đak Đoa) đã chặt bỏ một phần diện tích cà phê để chuyển sang trồng tiêu. Ảnh: Q.T
Ông Nguyễn Đắt Xưởng (tổ dân phố 6, thị trấn Đak Đoa) đã chặt bỏ một phần diện tích cà phê để chuyển sang trồng tiêu. Ảnh: Q.T

Đang tất bật làm đất, giăng lưới che, chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để tiến hành xuống giống cho khoảng 500 trụ trồng mới của gia đình, anh Phan Thanh Duy (thôn Hòa Thành, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh), cho biết: “Cây tiêu chính là cây trồng mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho gia đình mình những năm qua, bởi giá tiêu luôn tăng ổn định năm sau hơn năm trước, chứ giá cà phê những năm trở lại đây thì không tăng hoặc tăng không nhiều. Do đó, cây tiêu là cây trồng chính của gia đình mình, hiện tính cả diện tích trồng mới năm nay thì mình đã trồng được trên 3.000 trụ rồi”.

Tương tự, hộ nông dân Lê Trung Thương (thôn 3, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) dù không mở rộng diện tích nhưng cũng đang bận rộn cải tạo lại đất phần diện tích tiêu bị chết do dịch bệnh (hơn 300 trụ) để trồng lại với niềm hy vọng mới. Anh Thương cho biết: “Giá tiêu tăng cao, mình rất phấn khởi dù muốn trồng thêm nhưng đã hết quỹ đất vì vậy mình đã quyết định đầu tư cải tạo lại diện tích tiêu bị chết do bệnh chết nhanh, chết chậm những năm qua để trồng lại với hy vọng tiêu sẽ lên đẹp, không bị nhiễm bệnh nữa”.

Việc giá tiêu tiếp tục tăng nóng làm cho “cơn sốt” trồng mới của người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai tiếp tục kéo dài, điều này dẫn đến tình trạng bị vỡ quy hoạch đối với một trong những vùng trồng tiêu lớn nhất cả nước này.

 

Giống tiêu đang ở mức khá cao và khang hiếm. Ảnh: Q.T
Giống tiêu đang ở mức khá cao và khang hiếm. Ảnh: Q.T

Ông Đặng Văn Linh-Chánh Văn phòng Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết: Theo quy hoạch, diện tích tiêu tỉnh quy hoạch đến năm 2015 là 6.000 ha và tầm nhìn đến năm 2020 vẫn giữ ổn định diện tích tiêu với quy mô 6.000 ha nhưng đến nay tổng diện tích tiêu trên toàn tỉnh đã trên 13.000 ha, vượt hơn 7.000 ha so với quy hoạch. Cụ thể, một số địa phương có diện tích tiêu tăng nóng như huyện Chư Sê 3.470 ha, tăng gần 1.500 ha so với năm 2010 (năm 2015 người dân trên địa bàn huyện đã trồng mới thêm 200 ha); Chư Pưh là hơn 2.600 ha, vỡ quy hoạch hơn 100 ha (năm 2015 trồng mới trên 100 ha)…

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ông Linh cho biết thêm: Việc người dân tận dụng mọi quỹ đất bất chấp nhiều vùng đất không phù hợp hoặc đất chưa qua xử lý các loại nấm gây bệnh để ồ ạt trồng mới do giá tiêu liên tiếp tăng cao trong 7 đến 8 năm trở lại đây. Cùng với đó, việc người dân trồng tiêu thâm canh quá mức, lạm dụng quá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, phân phức hợp… nhằm tăng năng suất đã vô tình tạo môi trường sống cho các loại sâu bệnh, vi khuẩn gây hại phát tán và lây lan tạo ra nhiều loại dịch bệnh trong thời gian qua.

Trong đó, nguy hiểm nhất là bệnh tuyến trùng hại rễ (chết nhanh) và bệnh vàng lá (chết chậm) hoành hành trong những năm trở lại đây, đã làm cho hàng trăm ha tiêu trên địa bàn các huyện: Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Đức Cơ... bị chết khi chỉ mới bước vào những năm đầu của chu kỳ kinh doanh. Điển hình, chỉ tính riêng trong năm 2014, toàn huyện Chư Sê đã có khoảng 70 ha, huyện Đức Cơ có 65 ha, huyện Chư Prông trên 70 ha, huyện Chư Pưh hơn 50 ha… bị chết do bệnh chết nhanh, chết chậm gây ra.

 

Nhiều hộ dân đã tận dụng lại diện tích tiêu bị chết do dịch bệnh để cải tạo trồng lại. Ảnh: Q.T
Nhiều hộ dân đã tận dụng lại diện tích tiêu bị chết do dịch bệnh để cải tạo trồng lại. Ảnh: Q.T

Gia tài của gia đình chị Ksor H’Dil (làng Chư Pố 2, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) chỉ là 500 trụ tiêu mới chỉ cho thu hoạch được năm thứ 2 thì tai họa ập đến khi hơn 300 trụ tiêu của gia đình chị đã bị vàng úa, héo rủ và rộng lá chỉ qua một đêm. Chị H’Dil buồn bã nói: “Chồng mất sớm, con lại đông mà nhà mình đất lại không nhiều, cuộc sống của mấy mẹ con chỉ dựa vào việc đi làm thuê và 500 trụ tiêu này thôi, giờ thì khổ rồi”.
 

Giá thành đầu tư tăng mạnh

Hiện người dân các huyện Chư Sê, Chư Pưh… phải đi truy lùng giống tiêu (tiêu ác) tại các tỉnh Bình Phước, Đak Nông… để mua về trồng, với giá mua mỗi dây sau khi về tới nhà giao động từ 30 đến 35 ngàn đồng. Do đó, giá thành đầu tư trồng tiêu  cũng tăng lên khá lớn, để trồng 1.000 trụ tiêu bằng trụ gỗ có thể tiêu tốn 400 đến 500 triệu đồng, trụ bê tông cũng tốn hơn 300 triệu đồng, còn trồng bằng trụ sống thì rẻ hơn khoảng 200 triệu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê cho biết: Cây tiêu là loại cây trồng có giá trị kinh tế quá cao so với các loại cây trồng khác trên địa bàn, cùng với đó giá tiêu liên tục tăng cao và ổn định trong thời gian qua nên việc khuyến cáo người dân không nên trồng mới là không thể. Do đó, để hạn chế rủi ro cho người dân, Phòng phối hợp với các phòng, ban huyện mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng, canh tác cây hồ tiêu theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng. Đồng thời, thông qua đó, đã khuyến cáo người dân nên giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu khi trồng mới (cụ thể như sử dụng trụ sống, trụ bê tông thay vì sử dụng gỗ có chi phí cao hơn, sử dụng giống tiêu lươn tự ươm hoặc mua ở những nơi có uy tín thay vì dùng giống dây ác cao hơn gấp 3 đến 4 lần…), không nên trồng hàng loạt mà trồng dàn trải để giảm bớt rủi ro…

Còn ông Nguyễn Xuân Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh thì khuyến cáo người dân không nên ồ ạt trồng mới trên những vùng đất không phù hợp, đất trũng, đất không đảm bảo nguồn nước tưới… Đồng thời, khuyến cáo người dân nên sử dụng những giống tiêu chất lượng, chọn những vườn giống không bị nhiễm bệnh, những vườn ươm uy tín để mua về trồng chứ không nên mua giống không rõ nguồn gốc… Ngoài ra, hàng năm huyện sẽ mời các nhà khoa học, các chuyên gia trồng tiêu về hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp cho nông dân về quy trình canh tác cây tiêu theo hướng bền vững.

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Trứng vịt thả đồng của gia đình ông Lê Văn Bé có chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Trứng vịt thả đồng trở thành sản phẩm OCOP

(GLO)- Tận dụng diện tích mặt nước và đất trồng lúa ở địa phương, ông Lê Văn Bé (thôn Đoàn Kết, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa) đã đầu tư nuôi vịt đẻ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn, sản phẩm trứng vịt Văn Bé đã đạt chứng nhận OCOP năm 2024.

Một phần hệ thống xử lý nước thải Nhà máy chế biến cao su của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông. Ảnh: Đ.Y

Gia Lai: Cấp giấy phép môi trường cho nhà máy chế biến cao su tại Chư Prông

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp vừa ký Quyết định số 588/QĐ-UBND về việc cấp giấy phép môi trường cho Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông được thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường của cơ sở Nhà máy chế biến Cao su Trung tâm (tại xã Ia Boòng, huyện Chư Prông).

Sản phẩm bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: N.D

Chương trình OCOP: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều loại nông-lâm-thủy sản đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Chư Pưh giới thiệu 50 gian hàng sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chư Pưh giới thiệu 50 gian hàng sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(GLO)- Tối 5-12, Sở Công thương Gia Lai phối hợp với UBND huyện Chư Pưh khai mạc phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Chư Pưh năm 2024. Phiên chợ nhằm chào mừng kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Chư Pưh (10/12/2009-10/12/2024).

Nhà máy chế biến nông sản Olam của Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Gia Lai. Ảnh: H.D

Gia Lai đa dạng hình thức thu hút đầu tư FDI

(GLO)- Gia Lai đang đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư, trong đó có các dự án đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là cơ sở để các dự án FDI trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cả về số lượng và chất lượng trong thời gian tới.

Sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang. ở xã Nam Yang, huyện Đak Đoa. *Ảnh: Hoàng Cư

Gia Lai có 3 sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm

(GLO)- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân mới ký quyết định công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất. Toàn quốc có 100 sản phẩm thì Gia Lai có 3 sản phẩm được công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm