(GLO)- Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, việc xả lũ với lưu lượng lớn của công trình thủy điện dẫn đến dòng chảy trên dòng sông Ba đoạn qua 2 huyện Ia Pa và Krông Pa bị biến đổi, dẫn đến tình trạng sạt lở đất bên bờ sông, làm mất đất sản xuất của người dân. Không những vậy, nhiều ngôi nhà cũng đứng trước nguy cơ trôi theo dòng chảy sông Ba. Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã có chuyến khảo sát thực tế tại một số vùng sạt lở ở 2 địa phương trên.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành (thứ 2 từ trái sang) cùng đoàn công tác khảo sát tình hình sạt lở dọc sông Ba. Ảnh: N.D |
Sáng 31-5, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát thực tế tình hình sạt lở bờ sông Ba và làm việc với lãnh đạo 2 huyện Krông Pa và Ia Pa về những nhiệm vụ trọng tâm của 2 địa phương trong năm 2017.
Tại huyện Krông Pa, trong những năm qua, diễn biến thời tiết phức tạp, mưa lũ bất thường khiến dòng chảy sông Ba biến đổi mạnh, gây sạt lở đất tại một số xã trên địa bàn huyện như: Ia Rsươm, Ia Rsai, Chư Rcăm và Chư Gu. Tại khu vực cầu Lệ Bắc, nơi bị xói lở từ năm 2007 tại chân mố cầu phía Đông với chiều dài trên 100 mét, đến nay đã tăng lên trên 300 mét. Đặc biệt, phía hạ lưu cách mố cầu bị chuyển dòng chảy từ năm 2008 đến nay vào khu vực suối Dum Ra đã làm mất hàng chục ha đất sản xuất, nghĩa địa buôn Lang, thôn Quỳnh Phụ 3 và thôn Mới xã Chư Rcăm. Hiện nay, bờ vực của sông Ba tiếp tục bị xói mòn và tạo thành nhiều vách đứng sâu 7-15 mét, tiến sát vào vườn và nhà ở của người dân (chỉ còn cách bờ vực 2-3 mét), ảnh hưởng đến an toàn tính mạng cho người dân sinh sống ở khu vực này. Đặc biệt, tại buôn Hlang (xã Chư Rcăm) có 239 hộ với 1.139 khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số ở sát sông Ba, mỗi khi mùa mưa đến, nước lũ dâng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống một số hộ gia đình nằm ven sông Ba…
Tình hình sạt lở diễn ra nghiên trọng, khiến các hộ rất lo lắng bị mất đất đai, nhà cửa mỗi khi mùa mưa đến. Nhiều người dân nơi đây cho hay, chỉ cần xảy ra một đợt mưa lớn kéo dài, một số căn nhà có nguy cơ bị cuốn trôi theo dòng nước sông Ba.
Tại huyện Ia Pa, cũng do ảnh hưởng của mưa lũ tạo dòng chảy qua nhiều năm khiến một lượng lớn cát bồi lấp đất sản xuất của người dân xã Ia Broăi. Bước đầu đã có 52 hộ dân kê khai diện tích bị cát bồi lấp với diện tích 35,2 ha, chỗ thấp nhất 10-30 cm, chỗ nhiều nhất trên 1 mét. Diện tích còn lại do lượng cát bồi lấp mỏng nên người dân tự khắc phục để tiếp tục canh tác.
Ảnh: N.D |
Để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, thời gian qua, UBND huyện Ia Pa đã chủ động kêu gọi doanh nghiệp đến khảo sát hợp tác với người dân trồng keo lai. Đặc biệt, mới đây, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban và UBND xã Chư Mố khảo sát khu vực chuẩn bị đấu giá mỏ cát xây dựng năm 2017 tại xã Chư Mố. Qua kiểm tra cho thấy, vị trí trên có nguy cơ sạt lở lớn và có xu hướng tăng lên, nếu khai thác sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và gây sạt lở bờ sông Ba. Bên cạnh đó, về quy hoạch bổ sung thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Ia Pa giai đoạn 2017-2020 tại xã Ia Trok, qua kiểm tra khu vực đối diện bờ sông Ba là đất sản xuất nông nghiệp và khu dân cư xã Chư Mố hiện đã bị sạt lở. Nếu đưa vào khai thác khoáng sản sẽ làm biến đổi dòng chảy, tăng nguy cơ sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và kết cấu hạ tầng của 2 xã Ia Trok và Chư Mố. Vì vậy, UBND huyện Ia Pa đề nghị UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường không đưa vị trí trên vào quy hoạch bổ sung thăm dò, khai thác khoáng sản huyện Ia Pa giai đoạn 2017-2020
Sau khi khảo sát thực tế các vùng sạt lở tại 2 huyện Krông Pa và Ia Pa, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của 2 địa phương. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu 2 địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để có những giải pháp cụ thể trong phát triển kinh tế-xã hội, giúp người dân hưởng lợi. Trong đó, tập trung giúp đỡ những gia đình có công với cách mạng vươn lên trong cuộc sống; tích cực xây dựng nông thôn mới; xây dựng nhà ở cho những gia đình có công. Các sở, ngành phải có định hướng giúp địa phương phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị; xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân học tập, áp dụng; vận động các doanh nghiệp cùng tham gia giúp đỡ địa phương phát triển kinh tế. Khi có thiên tai xảy ra phải kịp thời xuất ngân sách hỗ trợ và định hướng cho người dân tái sản xuất. Khẩn trương trồng rừng theo kế hoạch năm 2017; lồng ghép các nguồn lực xây dựng nông thôn mới; tập trung cải cách hành chính. Đặc biệt, tìm các nguồn vốn và khảo sát kỹ để xử lý sạt lở bảo vệ đất sản xuất và hạ tầng của địa phương…
Cũng trong ngày 31-5, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cùng lãnh đạo các sở, ngành đã làm việc với lãnh đạo huyện Krông Pa và Ia Pa về một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng cánh đồng lớn; sửa chữa đường giao thông…
Nguyễn Diệp