(GLO)- Theo dự kiến, trong tháng 11-2015, Bộ Y tế sẽ tổ chức kiểm tra công nhận loại trừ bệnh phong (LTBP) trên địa bàn tỉnh. Việc kiểm tra này là một trong những bước ngoặt quan trọng nhằm công nhận kết quả đạt được trong công tác phòng-chống phong trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề quan tâm hiện nay của người dân là sau LTBP, liệu công tác phòng-chống phong sẽ được duy trì như thế nào để đạt được kết quả bền vững.
Tại Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo LTBP, xung quanh việc kiểm tra công nhận LTBP có nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận. Về phía chính quyền địa phương, việc phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong kiểm tra công nhận loại trừ bệnh phong là việc làm cần thiết, tuy nhiên ngành này cần có hướng dẫn cụ thể với địa phương công tác chuẩn bị như thế nào, những việc cần tập trung sắp tới để việc kiểm tra công nhận LTBP được tiến hành thuận lợi. Đại diện Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ cho biết: Qua kiểm tra, huyện Đức Cơ có 7/8 xã đạt loại tốt, 1 xã đạt loại khá. Tuy nhiên để chắc chắn kết quả này, đề nghị ngành Y tế cử người kiểm tra, rà soát lại các tiêu chí để chắc chắn việc kiểm tra LTBP vào tháng 11-2015 đạt kết quả.
Hội nghị Giao ban Ban chỉ đạo LTBP tháng 10-2015. Ảnh N.N |
Một số ý kiến khác cho rằng Gia Lai đã đạt 3/4 tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn Việt Nam. Tiêu chuẩn còn lại là kiến thức về bệnh phong trong cộng đồng: 100% cán bộ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và học sinh các trường trung học cơ sở có kiến thức cơ bản về bệnh phong vẫn đang thực hiện để tiến tới kiểm tra công nhận LTBP vào tháng 11- 2015. Chính vì vậy, ngành Y tế cần tăng cường thêm công tác tuyên truyền về bệnh phong, hỗ trợ các địa phương trong việc tuyên truyền cấp phát tờ rơi, pa nô, áp phích; tổ chức các buổi tuyên truyền phòng-chống bệnh phong trong trường học. Bởi lẽ, kinh phí phòng-chống phong tại các địa phương còn hạn chế…
Ông Lý Minh Thái-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Pah chia sẻ: Về việc kiểm tra công nhận sắp tới, đề nghị ngành Y tế cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất những nội dung cần làm… Đặc biệt nội dung tuyên truyền cần cụ thể, dễ nhớ, đi vào trọng tâm chứ không nói chung chung… để khi triển khai tuyên truyền đến cơ sở nhất là vùng sâu, xùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao.
Tại hội nghị, ngoài các ý kiến thảo luận xung quanh việc kiểm tra công nhận LTBP thì “nóng” hơn cả là vấn đề phòng-chống phong sẽ tiếp tục duy trì ra sao để những kết quả đạt được trong công tác phòng-chống phong thật sự bền vững, hiệu quả. Đại diện Trung tâm Y tế huyện Kông Chro cho biết: Kông Chro có 14 xã thì có 5 xã có bệnh nhân phong, số bệnh nhân phong đang quản lý là 32 bệnh nhân, trong đó 20 bệnh nhân đang được chăm sóc, giám sát 12 bệnh nhân. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện chưa phát hiện thêm bệnh nhân phong mới. Đến nay, mọi công việc cho kiểm tra LTBP trên địa bàn huyện đã và đang được hoàn tất. Tuy nhiên vấn đề huyện quan tâm hiện nay là làm sao duy trì những kết quả đạt được trong công tác phòng-chống phong một cách bền vững. Đặc biệt là cần có kế hoạch, quan tâm duy trì công tác phòng-chống phong sau LTBP…
Giải tỏa những vấn đề đưa ra tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Đồng-Giám đốc Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh cho biết: “Từ năm 2002 đến nay, Gia Lai cũng như cả nước đã đẩy mạnh các hoạt động phòng-chống phong phấn đấu thực hiện LTBP theo 4 tiêu chuẩn Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 59 tỉnh, thành phố hoàn thành các tiêu chuẩn này và còn 4 tỉnh, thành phố chưa đạt được mục tiêu, trong đó có tỉnh ta. Vì vậy, để việc kiểm tra công nhận LTBP vào tháng 11-2015 đạt kết quả thì rất cần sự phối hợp của các ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở. Cũng phải nói rõ rằng, LTBP chứ không phải là thanh toán bệnh phong nên công tác phòng-chống phong thời gian tới sẽ vẫn được duy trì ổn định, thường xuyên và rất cần các địa phương có sự chia sẻ, phối hợp, chung tay cùng ngành Y tế để duy trì những kết quả đạt được một cách bền vững tiến tới thực hiện mục tiêu lớn hơn là thanh toán bệnh phong trên địa bàn tỉnh”.
Như Nguyện