(GLO)- Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” ở huyện Phú Thiện đã giúp 658 hộ, trong đó có 285 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động năm 2011, huyện Phú Thiện đã nhanh chóng thành lập Ban vận động cấp huyện, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách địa bàn và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động. Đồng thời, huyện đã hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai các nội dung của cuộc vận động phù hợp với từng địa phương; cử cán bộ phối hợp với các ngành chuyên môn và hệ thống chính trị cơ sở xuống thôn, làng, hộ gia đình để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các nội dung, tiêu chí của cuộc vận động; hướng dẫn nhân dân cách thức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi, cải tạo vườn rau xanh tại nhà, đưa vật nuôi ra khỏi gầm nhà sàn, tư vấn cách chi tiêu sinh hoạt gia đình một cách khoa học.
Hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: D.T |
Để cuộc vận động thực sự hiệu quả, huyện đã chọn 4 gia đình tại hai xã Ia Ake và Ia Hiao làm điểm thực hiện. Các hộ này được hỗ trợ 1 con bò trị giá 7 triệu đồng và được cán bộ thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi… Từ thành công ở 4 hộ làm điểm, huyện Phú Thiện đã mở rộng đối tượng tham gia và đạt được những kết quả khả quan. Khi chưa triển khai cuộc vận động, toàn huyện có 3.947 hộ nghèo (chiếm 26,58%). Đến nay, số hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 2.608 hộ (chiếm 15,32%). Nhiều hộ dân ở các buôn, làng đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, thâm canh tăng vụ, giúp nâng cao năng suất cây trồng. Người dân ở các buôn, làng đã biết cải tạo vườn tược, trồng các loại rau màu phục vụ nhu cầu hàng ngày hoặc bán ra thị trường để tăng thêm thu nhập. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Phú Thiện ngày càng được nâng lên. Một số hủ tục dần được hạn chế. Người dân đã biết sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, giữ gìn môi trường sống, tạo điều kiện cho con em trong độ tuổi được đến trường.
Là một trong những hộ được chọn làm điểm thực hiện cuộc vận động, gia đình ông Rmah Xoa (bôn Linh A, xã Ia Hiao) được hỗ trợ 1 con bò và được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ đó, gia đình ông đã thoát nghèo. Dẫn chúng tôi đi thăm mảnh vườn đã được cải tạo, bố trí một cách khoa học, ông Xoa phấn khởi: “Trước đây nhà mình nghèo lắm, phải chạy ăn từng bữa. Cũng vì đói và ăn uống không hợp vệ sinh nên cả nhà thường bị đau, phải đi vay nợ để làm lễ cúng đuổi con ma. Giờ thì khác rồi, nhà mình đã có đủ cái ăn, lại còn có rau, củ trồng được trong sân nhà và biết uống nước sạch, có nhà vệ sinh sạch sẽ”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ksor Soar-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Thiện cho biết: Thời gian tới, Ban vận động cấp huyện sẽ nhân rộng mô hình điểm ra thêm một số xã. Ban cũng sẽ chỉ đạo Mặt trận cơ sở tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa của cuộc vận động đến từng người dân; cử cán bộ thường xuyên xuống địa bàn nắm tình hình, kịp thời hướng dẫn, triển khai các chính sách hỗ trợ phù hợp với từng khu vực để nâng cao chất lượng các nội dung cuộc vận động.
Dũng Tú