Thêm hàng chục VĐV "dính chàm" doping, cử tạ đối mặt bị loại khỏi Olympic

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Cử tạ thế giới liên tiếp đối mặt với bê bối doping. Ảnh: AFP
Các lực sĩ cử tạ ở khắp châu Âu cảm thấy họ là nạn nhân của hệ thống dữ liệu “lỗi thời” của Cơ quan Phòng chống Doping Thế giới (WADA) sau khi bị cấm tham gia tranh tài tại Giải Vô địch cử tạ châu Âu tại Batumi (Georgia). Diễn biến này một lần nữa khiến cử tạ đứng trước nguy cơ bị “gạch tên” khỏi Olympic.
Trước phản ứng của các VĐV, Liên đoàn Cử tạ Thế giới (IWF) lại nói rằng những khiếu nại về các vấn đề kỹ thuật không phải là lý do có thể được chấp nhận, và cảnh báo các VĐV có thể lỡ hẹn với Olympic 2020 nếu họ không cập nhật thông tin về nơi ở. Theo IWF, từ danh sách VĐV đăng ký tham dự Giải vô địch cử tạ châu Âu với 401 người lúc ban đầu, có hơn 10% được thông báo họ không thể tham gia tranh tài: 41 lực sĩ cử tạ đến từ 18 quốc gia.
 
IWF đang làm mọi cách để loại trừ doping trước nguy cơ bị cấm dự Olympic. Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH
Trong vài tháng gần đây, IWF cũng đã loại các lực sĩ cử tạ ở châu Á và châu Mỹ khỏi các giải đấu tích lũy điểm để giành suất dự Olympic. Tại Giải vô địch cử tạ thế giới tại Ashgabat (Turkmenistan) hồi tháng 11 năm ngoái, có hơn 70 VĐV cử tạ bị cấm thi đấu do không thể cập nhật nơi cư trú của họ vào dữ liệu của WADA nhằm phục vụ cho công tác của các chuyên viên kiểm tra doping.
Trước đó, WADA đã triển khai hệ thống thực hiện và quản lý chống doping (ADAMS) vào năm 2005 và nhiều lực sĩ than phiền rằng hệ thống này đã lỗi thời nhiều năm, quá phức tạp và thường xuyên gặp sự cố. Một khiếu nại khác là những nước không có những nhà quản lý làm việc toàn thời gian - chiếm số lượng lớn trong số những quốc gia bị mất thành viên đội tuyển ở Batumi - thì không thể giám sát tốt các lực sĩ của họ. Một phát ngôn viên của WADA nói rằng họ chưa nhận được khiếu nại chính thức về ADAMS từ những lực sĩ đăng ký tham dự Giải vô địch châu Âu, còn WADA hiện tiến hành “một cuộc đại tu lớn” cho hệ thống này.
Các lực sĩ bị loại được cho là đến từ các quốc gia ở khắp châu Âu, từ khu vực Bắc Âu cho đến Trung Âu, Địa Trung Hải, trong khối Liên xô cũ và vùng Balkan. Gần đây cũng có những lời than phiền trên mạng xã hội từ các cua rơ xe đạp Đan Mạch, Bỉ và Đức, VĐV điền kinh Anh và một VĐV ba môn phối hợp người Đức về việc công nghệ của ADAMS “bị mắc kẹt ở thập niên 1990” nên rất lỗi thời.
IWF thường xuyên gửi thông báo đến các VĐV về việc cập nhật thông tin nơi cư trú của họ, và áp đặt thời hạn hoàn tất nghiêm ngặt. Tất cả các lực sĩ thuộc Nhóm Thử nghiệm Đăng ký Quốc tế (IRTP) phải nhập thông tin về nơi ở của họ vào hệ thống ADAMS, trên cơ sở hàng quý trong suốt năm. Sau vụ việc hơn 70 VĐV bị loại khỏi Giải vô địch cử tạ thế giới, ông Attila Adamfi - Tổng giám đốc IWF, từng nói: “IWF quyết tâm bảo vệ những lực sĩ trong sạch bằng cách không chỉ đưa ra những luật lệ cứng rắn, mà còn nghiêm ngặt thực thi”.
 
Witsanu Chantri là VĐV mới nhất của cử tạ Thái Lan bị cấm vì doping. Ảnh: AFP
Dịp này, IWF cũng công bố hai trường hợp vi phạm doping mới của các lực sĩ cử tạ đến từ Thái Lan và Nga. Đó là Witsanu Chantri (22 tuổi, từng tranh tài tại Asian Games và Giải vô địch cử tạ thế giới hồi năm ngoái) dương tính với steroid đồng hóa, và trở thành trường hợp dính doping thứ 12 của Thái Lan được công bố trong 15 tuần qua. Tai tiếng này dẫn đến Thái Lan đã tự nguyện rút khỏi các giải đấu quốc tế và Olympic 2020. Lực sĩ còn lại bị đình chỉ thi đấu là Nadezhda Lomova của Nga, người từng đoạt huy chương bạc Giải vô địch cử tạ châu Âu năm 2014.
Tây Nguyên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Đội tuyển Việt Nam và vận hội mới

Đội tuyển Việt Nam và vận hội mới

Chức vô địch AFF Cup 2024 không chỉ giúp hàng chục triệu người hâm mộ VN có được niềm vui sau nhiều năm bóng đá VN 'khát' danh hiệu, mà còn là bước khởi đầu mới đầy thuận lợi cho thầy trò HLV Kim Sang-sik hướng đến những mục tiêu quan trọng trong tương lai.