(GLO)- Thầy giáo Lê Trọng Kỳ-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền (xã Tân An, huyện Đak Pơ, Gia Lai) là một trong 2 nhà giáo của Gia Lai vinh dự được tôn vinh tại “Lễ tri ân, tôn vinh những tấm gương nhà giáo tiêu biểu năm 2019” tổ chức ngày 16-11 tại Hà Nội. Trong suốt 39 năm gắn bó với nghề, thầy Lê Trọng Kỳ đã có nhiều đóng góp đáng quý cho giáo dục địa phương.
Nước mắt thầy giáo trẻ
Năm 1980, tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Gia Lai-Kon Tum ở tuổi 18, thầy giáo trẻ Lê Trọng Kỳ được phân công về công tác tại một trường tiểu học thuộc xã biên giới Ia Chía (huyện Chư Pah cũ, nay là huyện Ia Grai). Khi đó, nhiệm vụ của giáo viên là phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng trường lớp và vận động, duy trì sĩ số học sinh. Chứng kiến đời sống khó khăn của bà con dân tộc thiểu số khiến việc học hành của con em có nhiều thiệt thòi, thầy Kỳ đã cùng anh em đồng nghiệp lên rừng chặt cây về cùng người dân dựng lớp, dựng trường. Rồi thầy lại đạp xe đến tận từng nhà, lên tận rẫy đón học sinh đến lớp…
Một lần, trong lúc đang đạp xe đến trường cho kịp buổi chào cờ, giữa màn mưa nơi lưng chừng con dốc, thầy Kỳ bỗng khựng lại khi nghe tiếng hát Quốc ca vang lên giữa thăm thẳm núi rừng. Xa xa, màu cờ đỏ bay phấp phới trên nền xanh của cây, của núi trập trùng… Tiếng hát Quốc ca còn chưa tròn vành, rõ chữ của những học trò Jrai. Bất chợt, đôi mắt thầy Kỳ nhòe đi. Đó là giọt nước mắt hạnh phúc của người thầy tâm huyết, bởi với thầy, “kết quả của giáo dục chính là đây!”.
Thầy Lê Trọng Kỳ. Ảnh: N.H |
Thầy Kỳ giờ đã ở tuổi 57, có thâm niên 39 năm gắn bó với nghề giáo, trong đó có 30 năm làm công tác quản lý giáo dục. Tuy tuổi thầy đã cao nhưng sự tận tâm với nghề và tình yêu dành cho học sinh thân yêu thì vẫn vẹn nguyên như thuở ấy. Sau khi chuyển công tác về An Khê vào năm 1988, thầy Kỳ được tín nhiệm giao giữ chức vụ quản lý ở một số trường học trên địa bàn. Dù ở đâu, thầy Kỳ cũng luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của đồng nghiệp và các bậc phụ huynh; xây dựng kế hoạch tham mưu cho Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác quản lý. Thầy còn cùng Ban giám hiệu các nhà trường xây dựng quy chế làm việc khoa học, hợp lý; tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên đi học nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn để đáp ứng yêu cầu đặt ra theo chương trình sách giáo khoa mới... Nhờ đó, chất lượng giáo dục của nhà trường không ngừng được nâng lên. Không chỉ vậy, thầy còn có đóng góp lớn vào công tác bồi dưỡng giáo viên giỏi và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục của địa phương.
“Ươm mầm tài năng”
Thầy Lê Trọng Kỳ: “Tôi chỉ mong có thể chăm lo tốt cho thế hệ trẻ trong khả năng của mình để chúng có điều kiện phát triển toàn diện, đặc biệt là học sinh nghèo, con em đồng bào dân tộc thiểu số. Dạy trò không chỉ là dạy kiến thức mà còn phải dạy cho chúng kỹ năng sống, giáo dục hành vi để các em phát triển toàn diện về mọi mặt. Đó là điều mà tôi luôn tâm niệm từ khi mới vào nghề”. |
Đó là chương trình học bổng do thầy Kỳ khởi xướng tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (thị trấn Đak Pơ) từ năm 2013 đến nay. Học bổng này do thầy Kỳ tự trích lương của mình để trao thưởng cho học sinh lớp 5 đạt thành tích học tập và rèn luyện xuất sắc nhất trường, mỗi suất trị giá 500.000 đồng. Đến nay, đã có 7 em học sinh được nhận học bổng này. Ngoài ra, giáo viên nào trong trường có thành tích giảng dạy tốt nhất cũng sẽ được nhận phần quà của thầy hiệu trưởng. Tuy giá trị vật chất không lớn nhưng học bổng đã tạo ra một phong trào thi đua mạnh mẽ trong toàn thể giáo viên và học sinh nhà trường. Chị Đỗ Thị Hậu-giáo viên Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng-chia sẻ: “Trong suốt những năm làm hiệu trưởng tại đây, thầy Kỳ luôn được giáo viên yêu mến và nể phục. Thầy lúc nào cũng làm việc đầy trách nhiệm và đối xử với đồng nghiệp, học sinh rất tình cảm, thân thiện. Chính vì vậy mà các giáo viên trong trường đều lấy thầy làm tấm gương để tự soi mình, tự giác rèn luyện, nỗ lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Ngoài học bổng, tại ngôi trường này còn có một số công trình mang đậm dấu ấn của thầy Hiệu trưởng Lê Trọng Kỳ. Đó là mô hình học cụ Bản đồ Việt Nam, thư viện xanh và thư viện cộng đồng do chính thầy Kỳ lên ý tưởng và xây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Các mô hình trên đã giúp học sinh vừa học vừa chơi, phát triển khả năng tư duy, sáng tạo.
Qua 39 năm gắn bó với nghề, thầy Kỳ đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì những cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, chưa kể bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh. Thành tích là vậy, nhưng trong câu chuyện với chúng tôi thầy Kỳ chỉ say sưa nói về chuyện nghề, về đạo làm thầy và một số dự định trong những năm học tiếp theo. Điều thầy quan tâm nhất hiện giờ là xây dựng Trường Tiểu học Ngô Quyền-ngôi trường mà thầy vừa nhận nhiệm vụ quản lý từ năm học 2019-2020 phát triển vững mạnh, toàn diện.
NGUYỄN HIỀN