Tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh đô thị Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Triển khai từ quý III-2016 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh đô thị Pleiku với chiều dài 30 km đi qua địa bàn huyện Chư Pah, Ia Grai và TP. Pleiku có tầm quan trọng đặc biệt: giảm tải phương tiện giao thông ra vào TP. Pleiku và rút ngắn thời gian phương tiện khi đi qua địa phận tỉnh. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện dự án cũng phát sinh không ít khó khăn, vướng mắc.

Để đảm bảo tiến độ, với sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương, dự án đã được triển khai tích cực cả về công tác cắm mốc, kiểm tra đo đạc, tuyên truyền, vận động, lập phương án bồi thường và tiến hành bồi thường giải tỏa... Tuy vậy, vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ rốt ráo và nổi cộm vẫn là công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Tính đến hết quý II năm nay, báo cáo từ ngành chức năng cho thấy khối lượng giải phóng mặt bằng của dự án thực hiện đạt trên 75%. Áp lực phải hoàn thành công tác này để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đã đặt ra yêu cầu các địa phương phải tích cực và quyết liệt hơn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, trong đó có huyện Chư Pah.

 

Trước đây đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Chư Pah thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Ảnh: K.N.B
Trước đây đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Chư Pah thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Ảnh: K.N.B

Với dự án nói trên, đoạn đi qua huyện Chư Pah có chiều dài 4,9 km, diện tích thu hồi hơn 115.964 m2 của 105 hộ và tổ chức. Từ khi dự án triển khai, huyện đã tích cực triển thông tin tuyên truyền, thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng bồi thường, các tổ giúp việc nhằm đẩy nhanh thực hiện công tác được giao. Ủy ban nhân dân huyện đã xây dựng và phê duyệt 51 phương án bồi thường, hỗ trợ với khoản kinh phí trên 29,8 tỷ đồng, đến thời điểm hiện tại đã chi trả cho 87 hộ cùng 1 tổ chức số tiền trên 21 tỷ đồng. Huyện cũng đã ban hành 111 quyết định thu hồi đất với diện tích ảnh hưởng đến dự án nói trên. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận vì thực tế công tác đền bù giải phóng mặt bằng luôn gặp phải không ít vấn đề phức tạp nảy sinh. Bên cạnh đó, huyện đã nhận được sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, bên cạnh sự phối hợp tích cực từ các sở, ngành liên quan, nhất là Sở Giao thông-Vận tải.

Tuy nhiên, địa phương này vẫn còn 16 hộ chưa thống nhất phương án bồi thường để bàn giao mặt bằng. “Huyện sẽ tiếp tục rà soát thực hiện đền bù, mời dân đến UBND huyện đối thoại để giải quyết yêu cầu, vận động bà con thực hiện nghĩa vụ công dân, nhận tiền hỗ trợ và đền bù để bàn giao mặt bằng cho dự án. Quan điểm của huyện là tạo mọi thuận lợi cho dân nhưng cũng sẽ cương quyết đối với các trường hợp cố tình cản trở công việc chung. Biện pháp cuối cùng là phải cưỡng chế”-ông Nguyễn Ngọc Quang-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah, Chủ tịch Hội đồng đền bù của huyện, nêu quan điểm.

Tỉnh ấn định hạn chót để hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng là vào cuối tháng 8 này. Do đó, huyện Chư Pah càng gấp rút triển khai với nhiều giải pháp khẩn trương. Đây được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất trong thời điểm này của địa phương. Không chỉ các tổ giúp việc mà trực tiếp Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND huyện đều có kế hoạch tiếp xúc, đối thoại để giải quyết yêu cầu, kiến nghị của 16 hộ dân chưa thống nhất với phương án đền bù. Đây là những hộ dân sinh sống lâu nay tại địa bàn, chủ yếu trồng cà phê, mua bán nhỏ. Trong đó, 15 hộ có những công trình nhà ở, bể nước, giếng nước vi phạm với mục đích trục lợi từ dự án. Về tổng thể, người dân thống nhất với phần đền bù cây cối hoa màu, đất đai. Tuy nhiên, phương án xử lý đối với những vi phạm về vật kiến trúc trên đất thì người dân chưa nhất trí.

Trong quá trình triển khai dự án, huyện Chư Pah đều thực hiện kịp thời, nghiêm túc và đầy đủ. Thông báo quy hoạch dự án đã được công bố rộng rãi lần thứ nhất vào tháng 3-2016 và lần thứ hai vào tháng 6-2016. Ảnh vệ tinh giám sát và quy trình triển khai thực hiện các phần việc của chính quyền địa phương cũng phản ánh đầy đủ, chặt chẽ làm cơ sở cho các quyết định giải quyết nhiệm vụ liên quan sau này. “Chúng tôi đã làm đúng quy trình: thành lập Ban Chỉ đạo để kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ, thành lập các tổ công tác tuyên truyền, vận động, điều tra khảo sát, đo đạc, kiểm kê, ban hành giá đất, xây dựng phương án đền bù giải phóng mặt bằng... Dù vậy, trên tinh thần phục vụ, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho người dân trong khả năng cho phép mà không vi phạm pháp luật, quan điểm của huyện là tiếp tục vận động bà con đối thoại để tháo gỡ vướng mắc, kiến nghị để có tiếng nói chung, thống nhất phương án giải quyết cuối cùng, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án”-Chủ tịch UBND huyện Đặng Công Lâm khẳng định.  

 

Ông Đặng Công Lâm-Chủ tịch UBND huyện Chư Pah: “Vướng mắc đã diễn ra trong thời gian dài, trong khi đường thì phải làm, không thể trì hoãn. Người dân phải tích cực hợp tác với chính quyền, phải cộng đồng trách nhiệm để giải quyết rốt ráo những gì còn vướng mắc. Thiếu hợp tác để quá thời gian quy định thì việc cưỡng chế là không tránh khỏi. Không ai muốn điều đó cả. Nhưng để hài hòa lợi ích và vì việc chung thì chúng ta nên chấp hành. Chúng tôi đề nghị bà con tích cực hợp tác phối hợp với huyện giải quyết lần cuối những gì còn vướng mắc, thống nhất phương án và nhận tiền đền bù, để bàn giao mặt bằng theo thời gian quy định”.

Ngày 8-8, Hội đồng đền bù tiến hành đối thoại với một trong 15 hộ thuộc diện chưa thống nhất phương án bồi thường, đó là hộ anh Huỳnh Trọng Tiến (ở thôn 3, xã Nghĩa Hòa). Phương án đền bù hộ anh Tiến gồm cả nhà ở, giếng nước và đất đai là 671 triệu đồng (210 triệu đồng cho phần nhà ở và giếng nước). Huyện cũng thống nhất bố trí đất tái định cư cho gia đình theo hướng bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Chỗ còn vướng của trường hợp anh Tiến là giá đền bù cây cối và đất. Theo phương án được lập, Hội đồng đền bù áp giá bồi thường cho hộ này trên diện tích 2 sào đất gồm 200 gốc cà phê là hơn 140 triệu đồng và cho cây trồng xen (bời lời, trâm, bạch đàn) là trên 70 triệu đồng (theo quy định biểu giá bồi thường cây trồng do UBND tỉnh ban hành gần nhất). Tuy nhiên, phần áp giá cho 640 cây bạch đàn, 205 cây trâm chưa đến kỳ khai thác với mức trên 70 triệu đồng thì anh Tiến không đồng ý, dù cán bộ chuyên môn đã giải thích tường tận, trong đó có việc vận dụng cách giải quyết có lợi nhất.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Khẳng định thế và lực

Khẳng định thế và lực

Số liệu vừa được Cục Thống kê TP HCM công bố cho thấy bức tranh kinh tế-xã hội 8 tháng đầu năm 2024 của thành phố tiếp tục phục hồi-bao gồm sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, kim ngạch xuất nhập khẩu, giải ngân đầu tư công...
Cứu sông Ba chờ đến bao giờ?

Cứu sông Ba chờ đến bao giờ?

Hơn 1 triệu người dân các tỉnh Gia Lai, Phú Yên ngày đêm bức xúc, mong ngóng các bộ, ngành khắc phục "sai lầm thế kỷ" khi quy hoạch thủy điện An Khê - Ka Nak, trả lại nước cho sông Ba.
Chở đất lên núi

Chở đất lên núi

Sống trên núi, nhưng lại không có đất để san lấp các công trình, dự án, chủ đầu tư phải xuống các huyện miền xuôi mua đất với quãng đường vận chuyển hàng trăm ki lô mét. Nghịch lý này đang diễn ra ở các huyện miền núi Nghệ An.