Thăm mộ Trương Vĩnh Ký

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ở góc ngã tư Trần Hưng Đạo-Trần Bình Trọng (quận 5, TP. Hồ Chí Minh) có một khoảnh đất rộng hơn 2.000 m2 nằm khá tách biệt với 2 tuyến phố cực kỳ nhộn nhịp, mang số nhà 520 đường Trần Hưng Đạo. Đó là khu mộ phần của một người Việt Nam từng được xếp vào hàng “thập bát văn hào” của thế giới thế kỷ XIX, người thông thạo đến 26 ngoại ngữ: học giả Trương Vĩnh Ký. Tuy nhiên, sự lặng lẽ của nó khiến không phải người Sài Gòn nào cũng biết đến.
 

Nhà mồ của học giả Trương Vĩnh Ký. Ảnh: L.N
Nhà mồ của học giả Trương Vĩnh Ký. Ảnh: L.N

Mộ học giả Trương Vĩnh Ký được xây dựng ngay tại sinh phần của dòng họ, nơi có hơn 50 ngôi mộ. Khu mộ được xây dựng hài hòa với sự kết hợp Đông-Tây, kim cổ. Dù nhà bác học Trương Vĩnh Ký theo Tây học, đạo Thiên chúa nhưng chiếc cổng lại có kiến trúc theo kiểu tam quan của các ngôi chùa Phật giáo. Bước vào cổng là gặp ngay một căn nhà hình bát giác xây theo kiểu Pháp, với diện tích khoảng 50 m2. Theo hậu duệ của Trương Vĩnh Ký thì chính ông đã đích thân thiết kế và coi sóc việc xây dựng nhà mồ cho mình cho đến khi tạ thế. Trên cửa nhà mồ quay ra đường Trần Hưng Đạo có dòng chữ Latin: “Miseremini Mei Saltem vos Amici Mei” (tạm dịch: Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi), như một ước nguyện cuối đời của ông.

Trong nhà mồ, ngay chính giữa căn nhà là ba phần mộ: Mộ học giả Trương Vĩnh Ký ở chính giữa, nằm bên phải là mộ phần của vợ ông-bà Vương Thị Thọ, nằm bên trái là mộ người con trai cả Trương Vĩnh Thế. Điểm đặc biệt là cả 3 ngôi mộ được lát bằng phẳng với nền nhà, với ba tấm đá khác màu có chiều rộng khoảng 1 mét, dài khoảng 2 mét, nằm dọc trước đài thờ sát tường cuối nhà.

Ngoài ra, trên khuôn viên khu đất còn lại có một ngôi nhà cổ đã 130 năm tuổi hiện vẫn còn nguyên bộ khung gỗ của kiểu nhà ba gian hai chái với 24 cây cột gỗ. Không gian trầm mặc-bên cạnh sự huyên náo ngoài kia-khiến ai bước vào cũng phải khẽ khàng. Theo con cháu cụ Trương, ngôi nhà này cũng do đích thân Trương Vĩnh Ký chỉ huy xây dựng năm 1886, là nơi ông thường đọc sách, dạy học trò và làm việc những ngày cuối đời. Gian giữa căn nhà là một hương án đơn sơ thờ tượng bán thân của Trương Vĩnh Ký bằng thạch cao, phía trên là sắc phong của vua nhà Nguyễn ban cho Trương Vĩnh Ký. Ngôi nhà này hiện là nơi cư ngụ của gia đình ông Trương Minh Đạt, vốn là cháu gọi Trương Vĩnh Ký là ông cố, có trách nhiệm trông nom di tích của tiền nhân. Trong ngôi nhà vẫn còn lưu lại rất nhiều vật dụng cũ xưa; vật dụng hiện đại duy nhất trong căn nhà là một chiếc ti vi màn hình phẳng.

Chỉ có điều, chốn thâm nghiêm này không có bất cứ tấm bảng chỉ dẫn nào cho biết đây là nơi yên nghỉ của một con người lỗi lạc như học giả Trương Vĩnh Ký. Một số người chỉ tình cờ biết đến nơi này khi đến đây… nhậu. Bởi ngay trong khuôn viên khu mộ, hậu duệ của ông phải mưu sinh bằng cách mở một quán nhậu sân vườn nho nhỏ, bình dân vào buổi tối. Còn buổi sáng thì bán đồ ăn sáng. Do vậy, khách tham quan chỉ việc đến tự do, không cần vé vào cổng. Ai tham quan mặc ai, ai nhậu mặc ai. Những người hoài cổ hẳn không khỏi ngỡ ngàng, ưu tư, tiếc nuối. Hình như, mà không, rõ ràng là như vậy: Có một điều gì đó đã bị lãng quên, dù rằng vẫn đang hiện hữu...

Lam Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Bí ẩn tháp Hòn Chuông

Bí ẩn tháp Hòn Chuông

(GLO)- Nhà bố vợ tôi ở sát chân núi Bà. Vì nơi hòn núi cao này có khối đá khổng lồ nhô lên như một cái chuông úp, nhìn từ xa như núm cái chiêng khổng lồ nên người dân địa phương gọi là Hòn Chuông.
Khách quốc tế đến Đà Nẵng dịp Lễ hội pháo hoa quốc tế tăng 33% so với cùng kỳ

Khách quốc tế đến Đà Nẵng dịp Lễ hội pháo hoa quốc tế tăng 33% so với cùng kỳ

Tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF 2024) suốt hơn một tháng cùng chuỗi các sự kiện, show diễn đẳng cấp quốc tế, đó là cách để Đà Nẵng khẳng định thương hiệu "Thành phố lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á" và trở thành một điểm đến hấp dẫn bậc nhất Việt Nam trong thời gian này.