Tết đi du lịch tâm linh ở Bà Nà Hills

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đi chùa đầu năm, đó là nét đẹp trong truyền thống của người dân Việt Nam. Vào những ngày đầu năm mới, người dân thường tìm đến những ngôi Chùa linh thiêng để thành tâm cảm tạ ơn trên đã mang lại yên bình cho bản thân và gia đình. Trong năm cũ và cầu mong an lành, hạnh phúc cho năm mới.
 

 

Tết Giáp Ngọ này, du khách sẽ có thêm một lựa chọn cho chuyến hành trình đầu Xuân của mình - Khu du lịch tâm linh Bà Nà Hills (Đà Nẵng). Vốn nổi tiếng với hệ thống cáp treo mang nhiều kỷ lục thế giới tại Việt Nam, với những khu vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng đặc sắc. Vào đầu năm mới này, Bà Nà đã hoàn thiện Khu du lịch tâm linh với những điểm đến hấp dẫn, thú vị, sẵn sàng phục vụ Phật tử thập phương cũng như du khách trong và ngoài nước.

Từ chân núi, Cáp treo số 3 du khách sẽ lên thẳng đỉnh Bà Nà, đến với ngôi đền Lĩnh Chúa Linh Từ hay còn được gọi với cái tên: Đền Bà Chúa Thượng Ngàn, để du khách có thể trải lòng mình trong khung cảnh thanh tịnh và chiêm bái, cầu bình an, may mắn cho cả gia đình.

Lĩnh Chúa Linh Từ là nơi tôn thờ Bà Chúa linh thiêng của cả vùng núi Bà Nà. Mẫu Thượng Ngàn, còn gọi là Mẫu Đệ Nhị cai quản miền rừng núi. Mẫu Thượng Ngàn gắn bó với con người cùng cỏ, cây, chim, thú. Chuyện kể lại rằng, người dân vùng Bà Nà này từ bao đời nay, được Mẫu thượng ngàn che chở, khi có bất kỳ điều gì xảy ra, họ đều đến đây, khấn bà phù hộ, và họ tin vào sự bao dung như mẹ của Bà chúa Thượng ngàn được tôn là mẫu, luôn ở bên họ, cho họ sự yên bình, sáng suốt và thanh thản.

 

 

Tọa lạc ở nơi cao nhất của núi Chúa - với độ cao 1,487 mét so với mặt biển, Lĩnh Chúa Linh Từ là nơi trời đất giao hòa, âm dương hội tụ thích hợp cho những chuyến hành hương tâm linh về Bà Nà Đại Ngàn. Khách thập phương lên với đền Bà chúa Thượng ngàn luôn cảm thấy cảnh vật thanh bình, tâm hồn thư thái. Mọi ưu phiền đều được trút bỏ hết.

Sau khi rời đền Bà chúa Thượng ngàn trên đỉnh núi Chúa, hãy đừng quên đến với Chùa Linh Ứng nổi tiếng linh thiêng.Ở độ cao 1.400 mét trên núi Bà Nà, Chùa Linh Ứng mang kiến trúc gần giống với kiến trúc của chùa Tam Thai (Ngũ Hành Sơn), với một khoảng sân rộng lát đá lớn và một cây thông đặc biệt có ba loại lá khác nhau nằm ngay phía trước sân.

Chùa Linh Ứng không chỉ được xây dựng để bảo tồn các giá trị tinh thần và thực hiện nghi lễ mà còn là điểm du lịch tuyệt vời nhờ cảnh quan xung quanh và kiến trúc chạm khắc đá cẩm thạch độc đáo.

 

 

Ẩn hiện trong lớp sương khói mờ ảo của Chùa Linh Ứng Bà Nà, tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni cao 27 mét trong trạng thái thiền định với những nét chạm khắc tinh tế đã trở thành điểm nhấn không chỉ của riêng Chùa Linh Ứng mà còn cả của đỉnh Bà Nà. Trong trạng thái thiền định, nhưng Đức Bổn Sư như vẫn lo lắng cho nhân gian, cặp mắt Ngài vẫn dõi lên núi rừng xanh tốt của Bà Nà mang ý niệm về hòa bình, an lạc, truyền bá ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ di tích, thúc đẩy nền văn hóa và thể hiện ước mơ, hy vọng cho sự thành công và thịnh vượng của con người nơi đây.

Dù chiêm bái trong tiết trời nắng ráo từ thành phố Đà Nẵng, hay trong sương khói lảng bảng đặc trưng của Bà Nà, tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni sẽ khiến cho du khách thập phương cảm nhận hết được ý nghĩa của cụm từ “đường lên tiên cảnh”.

Xuân Giáp Ngọ, du khách thập phương đến Bà Nà Hills sẽ có cơ hội tham quan và chiêm ngưỡng Lầu chuông được xây dựng theo lối kiến trúc nhà Phật với chiếc chuông đồng nặng 4 tấn được đúc ngay tại đỉnh thiêng Bà Nà. Công trình được những con người đang làm việc tại Bà Nà dốc sức hoàn thành trong thời gian chưa đến một năm sẽ trở thành một trong những điểm nhấn ấn tượng cho du khách tới đây.

Cùng với vẻ đẹp của Lầu Chuông, du khách còn được dịp thưởng ngoạn vẻđẹp của Tháp Nghinh Phong Tự cao 9 tầng trên đỉnh Bà Nà. Và đặc biệt, mỗi tầng đều có 4 chiếc chuông đồng được treo ở 4 góc.

Bên cạnh Lầu Chuông là Nhà Bia được xây dựng chỉ trong vòng 6 tháng với vẻ uy nghiêm, cổ kính. Bên trong là tấm bia đá lục lăng cao 1,8 mét, trên các mặt bia được chạm khắc những bài thơ lãng mạn về cảnh đẹp thiên nhiên của Bà Nà  và cả thành phố Đà Nẵng.

Ngắm cảnh đẹp chốn thiền môn trong tiếng chuông vang vọng khắp bốn bề, bạn sẽ cảm nhận được nét đẹp hiếm có nơi chốn linh thiêng hội tụ này.

Có thể bạn quan tâm

Du xuân trên biên giới

Du xuân trên biên giới

(GLO)- Ia Grai là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, quê hương của Anh hùng Rơ Châm Ớt và Anh hùng A Sanh. Và giờ đây, Ia Grai lại được biết đến với những danh thắng kỳ thú được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất biên giới này.
Đi chợ tết Lao Chải

Đi chợ tết Lao Chải

Lao Chải ở bên này cao nguyên đá của tỉnh Hà Giang, nơi nổi tiếng với núi non cao chất ngất, uy nghi, huyền bí; nơi phía nào cũng đối mặt với non xanh mây trắng. Còn ở phía bên kia cao nguyên đá, những cây ngô vừa bật mầm, những cây rơm lùn vàng sậm đẹp như tranh.
Sôi nổi lễ hội đua thuyền ở Cửa Tùng

Sôi nổi lễ hội đua thuyền ở Cửa Tùng

(GLO)- Đã thành truyền thống, cứ vào ngày mùng 4 tháng Giêng hàng năm, lễ hội đua thuyền truyền thống của ngư dân Cửa Tùng lại diễn ra tạo khí thế hào hứng, sôi nổi dịp đầu Xuân. Lễ hội đua thuyền truyền thống là một trong những sự kiện văn hóa quan trọng của huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) với mong muốn một năm mới làm ăn thuận buồm xuôi gió.
Trẩy hội đường hoa…

Trẩy hội đường hoa…

(GLO)- Tết này, Pleiku thốt nhiên chuyển mình trở lạnh trong cái nắng vàng tươi rực rỡ. Trời thốt nhiên trong hơn, gió thốt nhiên dịu dàng, thơm màu no ấm. Vào mỗi sáng sớm hay khi muộn chiều, chút se lạnh đến nao lòng ùa về-cái lạnh đủ để cho mỗi chúng ta hòa mình vào phố trong hơi ấm tình thân. Trong khoảnh khắc diệu kỳ ấy, khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết bỗng trở nên khoáng đạt hơn, rộng dài hơn, tươi mới hơn trong ăm ắp nói cười, trong rực rỡ sắc hoa. Là bởi, nơi này đã và đang trở thành một trong những điểm du Xuân không thể thiếu của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt từ năm 2014 trở lại đây, năm nào khu vực Quảng trường cũng được dành riêng cho việc tổ chức đường hoa.