Tập trung giải quyết khó khăn cho sản xuất vụ mùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thiếu nước sản xuất nên phải lui lịch thời vụ xuống giống lúa 1 tháng; nhiều diện tích bắp, mì… gieo trồng trước đó bị chết hoặc sinh trưởng, phát triển kém do gặp hạn; dịch bệnh trên cây mía diễn biến phức tạp… là những khó khăn mà ngành nông nghiệp và nông dân Ayun Pa đang phải đối mặt trong đầu vụ mùa.

Nông dân Ayun Pa làm cỏ cho cây mía. Ảnh: Lê Hòa
Nông dân Ayun Pa làm cỏ cho cây mía. Ảnh: Lê Hòa

Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay, thị xã Ayun Pa gieo trồng 7.370 ha cây trồng các loại. Tính đến hết tháng 6, nông dân Ayun Pa đã gieo trồng được 4.119,4 ha, đạt 55,9% kế hoạch và bằng 67,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số loại cây trồng có diện tích gieo trồng đạt cao, như: điều 200 ha (đạt 100% kế hoạch), mì 1.525,5 ha (đạt 84,8%), mía 529 ha (đạt 82,7%), rau các loại 404,2 ha (đạt 56,9%), đậu phụng 21,5 ha (đạt 53,75%)… Tuy nhiên, diện tích gieo trồng của nhiều loại cây trồng chủ lực đạt thấp. Cụ thể, lúa nước mới chỉ gieo trồng được 205 ha (đạt 17,1%), lúa rẫy 61 ha (đạt 40,7%), bắp 310 ha (đạt 29,5%), dưa các loại 23,2 ha (đạt 23,2%)…

Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, ông Mai Thế Phụng-Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ayun Pa, cho biết: Sở dĩ diện tích gieo trồng của một số loại cây trồng đạt thấp là vì thiếu nước. Do tình hình nắng hạn kéo dài, nguồn nước tích trữ chưa đủ nên Xí nghiệp Thủy nông kênh Nam-Bắc Ayun Hạ chưa mở nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Một số cánh đồng thấp gần sông Ba chủ động được nguồn nước tưới, người dân đã tranh thủ nguồn nước gieo sạ được khoảng 205 ha lúa nước. Tuy nhiên, nhiều diện tích lúa trà sớm đã bị chết do khô hạn hoặc bị giảm mạnh năng suất. Ngoài ra, nhiều nơi mì, mía xuất hiện tình trạng chết hoặc sinh trưởng chậm do nắng hạn.

Ayun Pa là một trong số ít các địa phương trong tỉnh xây dựng được hệ thống kênh mương thủy lợi đáp ứng 100% nhu cầu tưới tiêu cho cây lúa. Lúa là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Tuy nhiên hiện nay, do thiếu nước nên toàn thị xã còn khoảng 1.000 ha lúa chưa thể xuống giống. “Lịch thời vụ đã phải lui về 1 tháng vì thiếu nước. Để ứng phó với tình trạng này, địa phương đã tích cực động viên nhân dân tận dụng nguồn nước mưa để cày ải, chuẩn bị đất, chờ khi nước thủy lợi về ruộng thì hoàn tất khâu làm ruộng cuối cùng và tiến hành sạ lúa cho kịp thời vụ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con ưu tiên sử dụng các giống ngắn ngày, thời gian sinh trưởng khoảng 90-100 ngày như: MT10, OM4900, OM6976… để đảm bảo thu hoạch sớm, thân lúa cứng, ít gãy đổ do bão lũ”-ông Phụng chia sẻ.

Nhằm mục đích nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất nông nghiệp, những năm qua Ayun Pa đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên cơ sở các loại giống được Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo. Nhờ đó, tỷ lệ gieo trồng giống nguyên chủng, giống xác nhận chiếm trên 75%. Đối với cây bắp, việc đưa vào sử dụng các giống bắp lai có phẩm chất tốt, năng suất và chất lượng cao như: C919, Bioseed 9698, CP 888, LVN10… ngày càng chiếm tỷ lệ cao. Riêng với lúa, căn cứ trên thổ nhưỡng, khí hậu, địa phương đưa vào sử dụng ngày càng phổ biến các giống lúa có năng suất, chất lượng cao như: ĐV108, ML202, ML214, HT1, HT6, OM4900… thay thế cho các giống lúa truyền thống cho năng suất thấp. Năng suất bình quân của các giống này đều đạt từ 68 tạ đến 80 tạ/ha. Lượng giống lúa sạ được khuyến cáo và hướng dẫn áp dụng theo chế độ 140 kg lúa giống/ha thay cho 250 kg lúa giống/ha trước đây. Điều này ngoài việc tiết kiệm chi phí đầu tư cho người nông dân còn giúp cây lúa có điều kiện phù hợp để sinh trưởng, phát triển và phát huy hiệu quả sản xuất cao nhất. Ông Phụng nhấn mạnh: “Được sự giúp đỡ của Sở Nông nghiệp và PTNT, chúng tôi đang thực hiện chủ trương chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Phấn đấu đến năm 2020, thị xã sẽ chuyển đổi thành công 210 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ Ghinê, VA06 để phục vụ chăn nuôi gia súc”.

Chịu tác động của thời tiết diễn biến thất thường, có mưa xen lẫn nắng gay gắt kéo dài khiến cho sâu bệnh hại cây trồng diễn biến khá phức tạp. Theo thống kê của ngành chức năng thị xã Ayun Pa, hiện nay sâu bệnh trên cây mía đã xuất hiện rải rác với các loại bệnh như: bệnh trắng lá mía phát sinh và gây hại trên diện tích khoảng 8,57 ha tại xã Chư Băh, bệnh than đen với 48,57 ha bị nhiễm tại xã Ia Sao và Chư Băh; sâu đục thân, bọ hung, xén tóc… gây hại rải rác. Trên cây mì, xuất hiện bệnh rệp sáp, nhện đỏ, bệnh chổi rồng… “Dự báo trong thời gian tới, diễn biến tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng, vật nuôi tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp phối hợp với đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân các địa phương chủ động theo dõi sát sao diễn biến đồng ruộng để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan và gây hại trên diện rộng”-ông Phụng cho biết thêm.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.