Tân sinh viên: Làm gì để không bị bỡ ngỡ trước cuộc sống xa nhà?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hàng ngàn bạn trẻ Gia Lai đang chuẩn bị bước vào giảng đường cao đẳng, đại học. Bên cạnh tiếp cận với phương thức học tập mới, việc thích nghi với cuộc sống xa nhà cũng là điều khiến không ít tân sinh viên lo lắng. Vậy, các bạn nên làm gì để không bị bỡ ngỡ trước cuộc sống xa nhà?

Khi mới rời quê nhà Gia Lai vào thành phố mang tên Bác học tập, Rcom H’Rim-sinh viên năm thứ 3 ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã gặp không ít khó khăn trong việc thích nghi với môi trường mới. Rim chia sẻ: “Lần đầu tiên em rời khỏi buôn làng để sinh sống và học tập giữa thành phố đông đúc xa lạ. Sự khác biệt về văn hóa, môi trường đông đúc, nhịp sống hối hả... khiến em rất khó để hòa nhập. Bởi thế, thời gian đầu, em thường xuyên buồn bã vì nhớ nhà. Em cũng rất lo lắng trong việc quản lý chi tiêu do chưa có nhiều kinh nghiệm. Chưa kể, cách học mới cộng với áp lực đồng trang lứa đã khiến em stress trong một thời gian dài, bản thân thường xuyên bị mất ngủ, thậm chí có những đêm thức trắng”.

Tân sinh viên có nhiều nỗi lo khi mới bước chân vào giảng đường đại học. Ảnh: Lạc Hà
Tân sinh viên có nhiều nỗi lo khi mới bước chân vào giảng đường đại học. Ảnh: Lạc Hà

Để vượt qua những vấn đề trên, đều đặn 2 tuần 1 lần, Rim phải tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ tâm lý. Dưới sự hướng dẫn của chuyên gia tâm lý cô sinh viên trẻ đã thường xuyên tâm sự với gia đình và bạn bè nhằm kéo giảm sự căng thẳng, mệt mỏi về mặt tinh thần; đồng thời tham gia vào các hoạt động ở trường và tìm cách hòa đồng, thích nghi với môi trường mới.

Từ những trải nghiệm của bản thân, cô nàng khuyên các bạn tân sinh viên cần trang bị cho mình những kỹ năng mềm và tâm lý vững vàng trước khi đi học xa nhà. Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường cũng cần quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần của sinh viên để tránh được những hậu quả không mong muốn.

Tương tự, Siu Nay H’Nhung-sinh viên năm nhất ngành Ngôn ngữ Trung (Trường Đại học Hà Nội) cũng gặp không ít trở ngại khi mới bước chân vào giảng đường đại học. Nhung cho hay, bản thân bị bất ngờ trước chi phí sinh hoạt đắt đỏ và tình trạng ùn tắc giao thông ở Thủ đô vào các khung giờ cao điểm. Ngoài ra, học tập ở ngôi trường có nhiều sinh viên nổi trội cũng khiến Nhung vô cùng áp lực.

Tuy vậy, nữ sinh viên đã cố gắng vượt qua khó khăn trên bằng cách mở rộng mối quan hệ, mạnh dạn giao tiếp, học hỏi từ các bạn trong lớp cũng như tích cực tham gia các hoạt động phong trào. Riêng vấn đề quản lý hầu bao, Nhung ghi chú rõ ràng những khoản chi trong cuốn sổ nhỏ để cân đối và dễ kiểm soát. Theo Nhung, ngoài sự năng động, ham học hỏi, tân sinh viên cũng cần chuẩn bị cách tự chăm sóc bản thân để “sống tốt” ở môi trường mới.

Siu Nay H’Nhung-sinh viên năm nhất ngành Ngôn ngữ Trung (Trường Đại học Hà Nội)
chia sẻ cách vượt qua những khó khăn của bản thân khi mới đến Thủ đô học tập.
Thực hiện: Lạc Hà

Còn theo nữ sinh viên năm nhất Khoa Truyền thông Đa phương tiện (Học viện Phụ Nữ Việt Nam) Nguyễn Thị Thêm thì để thích nghi với cuộc sống học xa nhà, các tân sinh viên nên dành ra một khoảng thời gian đi tham quan và khám phá nơi mình học tập. Điều này giúp các bạn dễ dàng hòa nhập với môi trường mới. Sinh viên mới cũng có thể tìm một công việc bán thời gian, vừa có thêm thu nhập vừa tích lũy kinh nghiệm sống, chuẩn bị hành trang cho tương lai.

Trao đổi qua điện thoại với P.V, Thạc sĩ Trần Nam-Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) nhìn nhận: “Khi đến thành phố lớn học tập, các bạn tân sinh viên thường phải đối mặt với nhiều vấn đề có vẻ “nan giải” như: cảm giác lo lắng về môi trường mới, bạn mới, vấn đề về giao thông hay nỗi nhớ gia đình... Bên cạnh đó, nhiều em cũng bối rối trong việc hòa nhập và sinh sống tại ký túc xá”.

Thạc sĩ Trần Nam-Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội
và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đưa ra lời khuyên cho tân sinh viên.
Thực hiện: Lạc Hà
Thạc sĩ Trần Nam-Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh): “Tân sinh viên nên chủ động chia sẻ cảm xúc, khó khăn của mình với mọi người, hoặc tìm đến các đơn vị hỗ trợ người học, cố vấn để chia sẻ nhằm tránh việc tự giải quyết khi bản thân có ít kinh nghiệm sống”.

Theo Thạc sĩ Trần Nam, để thích nghi với cuộc sống xa nhà, tân sinh viên nên lưu ý một vài điều. Trước tiên, cần xác định rõ động lực học tập, sẵn sàng trong việc đương đầu với những khó khăn, hoạt động mới lạ so với bậc THPT. Tiếp đó, nên có kế hoạch rõ ràng, cụ thể cho bản thân trong một tuần, một tháng và một năm; cần chủ động trong việc giao tiếp, hợp tác với bạn bè, thầy cô. “Giữ và phát huy những thói quen tích cực như thói quen sống và làm việc có kế hoạch, thói quen đọc sách; lựa chọn những hoạt động giải trí giúp tinh thần thoải mái và chơi các môn thể thao để rèn luyện sức khỏe hay tham gia hoạt động xã hội như học thuật, từ thiện cũng là điều các bạn nên làm”-Thạc sĩ Trần Nam tư vấn.

Có thể bạn quan tâm

Học sinh Gia Lai làm dự án quảng bá lịch sử-văn hóa địa phương

Học sinh Gia Lai làm dự án quảng bá lịch sử-văn hóa địa phương

(GLO)- “Học sinh, sinh viên tỉnh Gia Lai giữ gìn, phát huy truyền thống lịch sử-văn hóa dân tộc” là chủ đề Hội thi Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai vừa được Tỉnh Đoàn tổ chức. 10 dự án tiêu biểu đến từ các trường THPT cho thấy sự am hiểu của học sinh về lịch sử-văn hóa dân tộc.

Độc đáo món ăn không gia vị của người Jrai

Độc đáo món ăn không gia vị của người Jrai

(GLO)- Từ những nguyên liệu “cây nhà lá vườn”, người Jrai khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai đã chế biến thành món ăn thập cẩm đạm bạc. Dù không nêm nếm bất cứ gia vị nào, song món ăn này lại đậm đà hương vị ẩm thực đặc trưng của người Jrai.